Càng ngày, thông tin, hình ảnh ghi lại sự khốn cùng của nhiều người Việt trong đại dịch lẫn những mất mát, đau thương không thể đo, đếm của họ càng nhiều. Cảnh những người đang sống trong các khu vực bị cách ly được phép ra khỏi nhà để… quì trên vỉa hè, lòng đường, tạ từ thân nhân mới uổng mạng trước khi xe chở linh cữu đến lò thiêu (1) làm người ta nẫu lòng… Những thông tin, hình ảnh đó khiến kẻ viết bài này liên tưởng đến vài vấn đề khác…
***
Vấn đề thứ nhất là chuyện ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, nhân vật thường xuyên nhặt nhạnh thông tin về dịch bệnh, sưu tầm những câu chuyện thương tâm để qua facebook, vừa kêu gọi mọi người mở lòng giúp đồng bào, vừa lồng ghép vào đó những lời nhắn nhủ, kiểu như: Mỗi người, hãy nhìn về phía trước. Cảm giác bất lực của chúng ta khi mất người thân chỉ là cái móng tay so với cảm giác bất lực của bác sĩ và áp lực đối với những người có trách nhiệm trong chính quyền. Vì họ phải chứng kiến và giải quyết từng giây và về luật, họ được quy định trách nhiệm ngồi chỗ đó để giải quyết những vấn đề như thế (2)... Cứ đọc kỹ những status mà ông Hiển chia sẻ mỗi ngày vài lần trên trang facebook của ông ắt sẽ nhận ra vài điều…
Dường như ông Hiển rất nặng lòng với những người yếu thế và ông chính là một trong những cá nhân mà mọi người có thể tin tưởng để ký thác cả tin yêu lẫn công, của để ông dẫn dắt các tình nguyên viên cứu trợ nạn dân... Dường như ông Hiển còn là một trong số rất ít những cá nhân đang tổ chức hoạt động thiện nguyện mà vừa có thể thu hút sự hỗ trợ từ các nguồn lực trong xã hội, vừa có thể sử dụng các nguồn lực chính thống thuộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền để giúp người, giúp đời vơi bớt khổ đau. Song lẽ nào một người giàu từ tâm như thế lại có thể hối thúc mọi người chỉ nên xem khổ đau, nghịch cảnh đột nhiên rơi xuống đầu mình nhỏ như… móng tay?
Nếu ông Hiển nghĩ rằng khổ đau mà nhiều cá nhân đã gánh chịu, nghịch cảnh mà nhiều gia đình đang đối mặt trong đại dịch chỉ như… móng tay thì sự thương cảm mà ông bày ra là… thật hay… giả? Ai cũng biết nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tại TP.HCM phải gánh chịu áp lực đến mức nào cả về thể trạng lẫn tâm lý. Tuy nhiên đánh đồng cảm giác bất lực của nhân viên y tế trước tính mạng của đồng loại với áp lực của những cá nhân hữu trách đối với thực trạng tồi tệ mà xét cho đến cùng, họ chính là đối tượng phải chịu trách nhiệm trước đồng bào vì thiếu viễn kiến, vì bất tài, rõ ràng là khiên cưỡng, thậm chí, không lương thiện!
Bày ra khổ đau, nghịch cảnh khiến người khác thổn thức, giới thiệu những người tốt, việc tốt làm thiên hạ cảm động, khiến họ thấy cần góp thêm công, của đã giúp ông Hiển trở thành một trong những nhân vật tiên phong về hoạt động thiện nguyện, song dường như chừng đó chưa đù. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát ông Hiển còn cố gắng lồng ghép thêm nhận định để công chúng đồng cảm, đồng điệu với… lãnh đạo, với… công an, với… quân đội,… dẫu thực trạng như đã biết và đang thấy chứng minh, đồng cảm và đồng điệu chính là cắn răng cam chịu những bất toàn, bất hợp lý trong quản trị, điều hành vốn là nguyên nhân khiến hậu quả của đại dịch tồi tệ hơn!
Chuyện ông Hiển lấy thông tin của người khác viết “Thưa bác sĩ Khoa” (3) – biến “bác sĩ Khoa” thành phát hiện… riêng, câu chuyện… riêng của ông Hiển, rồi nhân danh… “những người đang sống” tuyên bố “nợ ơn anh và hai bác” không đơn thuần là… “để cảm xúc đi trước” như ông Hiển xin lỗi (4). Đó là hệ quả tất nhiên của một kiểu… giương danh, vừa phù hợp với sở thích làm… “người tốt” và mục tiêu làm… “việc tốt” cho mình của ông Hiển, vừa đồng điệu chỉ đạo của Thủ tướng: Không để xảy ra khủng hoảng truyền thông (5)! Cứ quan sát mạng xã hội sẽ thấy, số facebooker đang đăng ký chính họ với cả hai bên (cả với dân lẫn với đảng) như ông Hiển đang tăng!
***
Vấn đề thứ nhất có liên quan đến vấn đề thứ hai, cách nhìn, cách xử lý của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về những vấn đề có liên quan đến truyền thông. Sau khi scandal “bác sĩ Khoa” bùng lên, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN – mở chuyên mục mới và đặt tên cho chuyên mục này là “Kiểm chứng thông tin”. Thông tin đầu tiên mà “Kiểm chứng thông tin” đề cập là scandal “bác sĩ Khoa”. Khác với công chúng, tờ Nhân Dân nhìn scandal “bác sĩ Khoa” chỉ là câu chuyện… làm giảm ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được rất nhiều y, bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm cống hiến (6).
Cứ như nhận định của tờ Nhân Dân thì scandal “bác sĩ Khoa” chỉ là… một câu chuyện cảm động. Bác sĩ Khoa… là người truyền cảm hứng. Tiếc rằng đây là… câu chuyện giả dối! Tờ Nhân Dân hoàn toàn không bận tâm đến những khía cạnh về pháp lý, đạo lý mà công chúng mổ xẻ. Trên thực tế, quan điểm của tờ Nhân Dân rất nhất quán với cách hành xử của hệ thống công quyền. Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông (TTTT) TP.HCM chỉ phạt ông Hiển và ông Nguyễn Văn Tài (facebooker Hoàng Nguyên Vũ) mỗi người năm triệu đồng bởi cả hai… mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, nên đã vô ý chia sẻ thông tin (7).
Nếu kiểm tra… nguồn tin, hẳn sẽ thấy cả ông Hiển và ông Tài không… chia sẻ thông tin. Cả hai đã thuổng thông tin của người khác, viết lại, biến nó thành câu chuyện do họ cùng… phát hiện và tranh nhau dẫn dắt cảm xúc, suy nghĩ của công chúng! So với cách hệ thống công quyền từng xử lý những thông tin giả hoặc những thông tin bị cáo buộc là giả thì khoản tiền phạt năm triệu đồng/người quá nhẹ. Cũng cần chú ý đến nguyên tắc, chỉ có thể xử lý mỗi vi phạm một lần (đã phạt tiền thì không cách chức, không buộc thôi việc) và theo một kiểu (đã bị xử lý hành chính thì không thể xử lý hình sự). Công an chỉ mới bắt đầu điều tra scandal “bác sĩ Khoa” thì Sở TTTT đã xử phạt vi phạm hành chính!
Vào thời điểm xử lý scandal “bác sĩ Khoa”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn xử lý một scandal khác: Sinh viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ghi âm – tố cáo cô giáo của mình dám công khai chia sẻ nhận định như thế này: …Từ đầu mùa dịch tới giờ, chính phủ đã hỗ trợ gì cho em chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa? Có nước nào dân chạy 1.500km về quê? Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém, đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, dân những quốc gia khác trên thế giới được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi. Đó mới là sự nhục nhã (8)…
Rõ ràng không thể xử lý cô Trần Thị Thơ, Giảng viên của Khoa Ngoại ngữ Đại học Duy Tân vì… bịa đặt! Giống như ông Hiển và ông Tài, cô Thơ cũng chỉ… chia sẻ cảm xúc nhưng khác với ông Hiển và ông Tài, cho dù cảm xúc của cô Thơ phát xuất từ sự thật hiển nhiên làm nhiều triệu người nhức nhối nhưng công an vẫn xem việc… chia sẻ cảm xúc này là… có dấu hiệu tội phạm, phải điều tra (9)! Trước mắt, Đại học Duy Tân đã sa thải cô Thơ do… phát ngôn sai lệch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (10).
***
Đợt dịch thứ tư đã kéo dài gần bốn tháng, khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội đã xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là tại TP.HCM. Đến giờ, tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam vẫn loay hoay trong việc xác lập, thực thi giải pháp ngăn ngừa thảm họa, giảm thiểu hậu quả nhưng riêng trong lĩnh vực truyền thông, song song với việc săn tìm – trừng phạt một số người có ảnh hưởng nhất định để… giáo dục công chúng, dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã đạt được thành công nhất định trong việc sử dụng mạng xã hội dẫn dắt công chúng vừa hướng đến thiện lương, vừa lầm lũi gặm nhấm đau khổ, mất mát bởi chúng… chỉ bằng móng tay so với… áp lực của các viên chức lãnh đạo mọi cấp!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/xuanluu1501/posts/990945941725701
(2) https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159766683209090
(3) https://www.facebook.com/NguyenLanThang/photos/a.1145603838938779/2033885206777300
(4) https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10159768340824090
(5) https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khong-de-xay-ra-khung-hoang-y-te-post1360980.tpo
(8) https://www.facebook.com/NhatKyYeuNuocVN/posts/4222631971106613