Phe đối lập Bahrain chung quyết các yêu sách

  • Phillip Walterman

Những người biểu tình tập hợp lại tại quang trường Pearl sau khi quân đội rút lui

Các nhà lãnh đạo đối lập ở Bahrain cho hay họ đang chung quyết một danh sách các yêu cầu mà họ sẽ trình bày với các nhà lãnh đạo đất nước. Danh sách được đưa ra vào lúc Đông cung Thái tử Salman bin Hamad al Khalifa kêu gọi một cuộc đối thoại toàn quốc để xoa dịu tình hình bất ổn chính trị đang diễn ra tại quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư này.


Các nhóm đối lập cho hay họ sẽ không tham gia các cuộc thảo luận cho đến khi nào họ chuẩn bị đầy đủ. Các tiết mục đã được đưa vào nghị trình của họ gồm việc biến Bahrain thành một nền dân chủ lập hiến và phóng thích các tù nhân chính trị.

Ông Jasim Husain Ali, một thành viên kỳ cựu của đảng đối lập lớn nhất Bahrain là đảng al-Wefaq, cho rằng khó mà tiên đoán được khi nào các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng có thể bắt đầu:

“Tôi nghĩ các nhóm đối lập phải thảo luận với nhau về các sách lược, và cũng phải họp với phong trào 14 Tháng Giêng, để có thể đồng ý với nhau về các vấn đề khác nhau. Vì vậy tôi cho rằng phải nhiều ngày nữa mới có được một thông báo về việc khởi sự cuộc đối thoại.”

Các cuộc biểu tình được khích lệ bởi những vụ nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập đã diễn ra tại Bahrain kể từ “Ngày Phẫn Nộ” theo như hoạch định đã diễn ra vào ngày 14 vừa qua.

Hôm thứ Bảy, người biểu tình chống chính phủ đã xông vào quảng trường Pearl ở Manama và dựng lại một khu lều trại đã bị phá hủy trong một cuộc trấn át gây chết người của lực lượng an ninh hồi cuối tuần qua.

Sau đó, chính phủ đã thông báo rằng người biểu tình sẽ được phép ở lại địa điểm vừa kể; chính phủ cũng lập lại một lời kêu gọi đối thoại với tất cả các chính đảng.

Phát biểu trong một cuộc tụ họp tại quảng trường Pearl khuya hôm qua, ông Mohammed al-Muzal thành viên của al-Wafeq, nói ông tin rằng các yêu sách của người biểu tình sẽ được đáp ứng:

“Tôi lạc quan khi thấy dân chúng và các cuộc biểu tình ôn hòa. Đây là điều khiến tôi lạc quan. Cho dù chính phủ có chấp nhận hay không, điều này luôn khiến chúng tôi lạc quan.”

Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa đã đề xuất các cải cách dân chủ và xã hội tại Bahrain cách đây 1 thập niên. Nhưng khối người Hồi giáo Shia chiếm đa số cho hay họ được hưởng ít quyền lợi hơn phe thiểu số người Shia đang cầm quyền.

Nhiều người Shia cũng than phiền về tình trạng thiếu công ăn việc làm và tố cáo chính phủ là cho nhập tịch người Sunni ở nước ngoài rồi dành cho họ các chức vụ cao cấp nhất trong nước.