Bài ai điệu cho Thanh Tâm Tuyền

  • Đào Đạo

Bài ai điệu cho Thanh Tâm Tuyền

Buổi trưa ngày thứ Tư 22 tháng 3 năm 2006 Đặng Phùng Quân gọi tôi cho biết Tô Thùy Yên đang gấp rút lái xe đi Minnesota: Thanh Tâm Tuyền đang hấp hối từ hôm qua. Cùng ngày, những điện thư Lê Thị Huệ gửi khẩn cấp báo tin dữ. Hôm sau Nguyễn Xuân Hoàng gọi cho tôi và nói tạp chí Văn sẽ ra số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền. Cậu phải viết một cái gì đi chứ! Lần trước khi làm số báo đặc biệt về Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng cũng đã gọi cho tôi và muốn tôi “nộp” bài. Cậu phải viết một cái gì đi chứ. Cái kiểu “đòi nợ” của Nguyễn Xuân Hoàng vừa như lời thúc dục, vừa như lời mời mọc. Của một người bạn. Như khi thấy bạn ngồi yên không đụng đũa: cậu ăn cái gì đi chứ. Khác với cái cách Mai Thảo lúc trước khi muốn có bài của tôi hay của Trần Diệu Hằng cho tạp chí Văn: “Đã hỏi xin đừng nói không.” Một cách ép nhau rất thân thương giữa những người coi nhau là bạn. Cho nên lần này tôi đánh liều hứa sẽ có ‘bài ai điệu cho thanh tâm tuyền’.

*

Viết gì? Viết ai điệu cho Thanh Tâm Tuyền nhưng anh đã không còn nữa để đọc, để nghe. Vậy còn viết để làm gì? Sự hiển nhiên khởi đầu là câu trả lời cho câu hỏi: Những giòng viết ra này sẽ đi về đâu? Nó sẽ quay trở về trong tôi hay nó sẽ đến với những người đọc? Và mỗi người sẽ thấy chúng khác nhau. Trong tôi. Trong chúng ta. Câu hỏi thứ hai: Viết về con người, cuộc đời Thanh Tâm Tuyền hay viết về tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền? Maurice Blanchot đã từng cật vấn: “Làm thế nào ta có thể đồng ý nói về người bạn đó? Chẳng phải để ca ngợi cũng không vì muốn biết chút sự thật. Những đặc điểm tính tình hắn, những dạng thức đời sống hắn, những giai đoạn trong đời hắn, ngay cả việc bám sát cuộc kiếm tìm mà chỉ có hắn là người có trách nhiệm đến độ không có trách nhiệm, chẳng thuộc về ai cả.” Ta có thể làm những việc ấy khi anh còn sống. Sự có mặt của anh trên đời là tấm gương để người viết về anh soi bóng. Sự có mặt ấy – dù chỉ là sự có mặt thinh lặng - có sức mạnh chấp/phủ nhận những gì người khác nói/viết về anh. Thật vô ích khi muốn dùng lời nói hay chữ nghĩa để níu kéo những gì đang dần dần biến mất. Chữ nghĩa bất lực trước sự vắng mặt, chỉ để lấp đầy một khoảng trống vô cùng tận. Tấm gương để ta soi bóng mình đã tan nát, đã phủ mờ. Và cái quyền lực chấp/phủ nhận của người mình viết về đã bị cái chết tước đoạt, triệt tiêu. Ngoài ra ta còn phải trung thành với tiêu chí đạo đức và trách nhiệm đối với bạn (đã chết) trong cái viết cái nói của mình. Như trên đã nói, những gì mình nói về bạn hay với bạn sẽ chỉ ở lại, ở trong/giữa chúng ta những người còn sống mà thôi. Cái còn lại với chúng ta chỉ là ký ức. Hôm nay cái tên Thanh Tâm Tuyền, những hình ảnh của anh "ở trong" và "ở với" chúng ta. Cho nên viết ai điệu cho Thanh Tâm Tuyền không là gì khác hơn: chống lại cái chết bằng cách trả lại đời sống cho cái ‘tên’ và ‘những hình ảnh’ của anh. Đời sống ấy sống động trong chúng ta. Giữ được như vậy tức là trung thành với bạn. Cảm ơn Thanh Tâm Tuyền đã cho chúng ta một cơ hội để tư tưởng khi ai điệu.

*

Bài ai điệu cho Thanh Tâm Tuyền là cuộc đuổi bắt cái không thể đuổi bắt chính vì mệnh lệnh của ai điệu buộc ta làm điều không thể làm được. Khả tính của bất khả và bất khả tính của khả thể. Vì sao vậy? Tôi biết trong những thứ Thanh Tâm Tuyền đã viết ra hình như anh đã "buông mặc" khi nói về bản thân nên chúng ta có sự tự do muốn hiểu sao tùy ý. Nhưng như thế không có nghĩa là anh cho chúng ta cái quyền đặt mình vào địa vị anh để buông mặc. Xa hơn một bước, sự buông mặc đó cũng không cho phép ta muốn nói về “cái tôi hay thơ Thanh Tâm Tuyền” khi anh đã khuất vãng. Nhưng có thực mỗi khi viết chữ ‘tôi’ trong bản viết của mình Thanh Tâm Tuyền đã nói về bản thân không? Anh nói về ‘tôi’ với chúng ta hay anh nói với chính anh? Tất cả những câu hỏi đó chỉ ra cái chuyển động của viết trong đó sự có mặt của một cái tôi-không-là-ai và mối tương quan ẩn mật giữa chủ thể nói/viết với cái mình viết xuống, người viết không một lời xác nhận hay phủ nhận ai là chủ nhân. Theo tôi, thường những người mình coi là bạn lại chính là những người-mình-không-biết và vì vậy vĩnh viễn là một bí/ẩn mật. Cho nên tôi sẽ đặt ra tiêu chí thứ nhì của ai điệu: trích dẫn. Để được nghe Thanh Tâm Tuyền nói. Như hôm nào anh đã nói/viết về Bùi Giáng “Nhưng còn chúng ta? Chúng ta nghĩ gì về thơ ông? Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn nhắc bảo nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông.”

*

Tôi đi tìm bóng vang của anh, ngay lúc này, bằng cách tìm đọc lại tất cả những gì mình có, của Thanh Tâm Tuyền. Một ước muốn không thể thực hiện trọn vẹn hôm nay khi nghe tin Thanh Tâm Tuyền vừa tạ thế: không ở gần thư viện Cornell hay thư viện của Quốc Hội Mỹ, sách vở đã xuất bản của thế hệ chúng tôi đã bị tiêu/triệt hủy từ sau Tháng Tư, 1975. Hiện trong tay tôi chỉ có bản photocopy tập thơ ‘Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy’ (nhưng lại thiếu mất mấy trang), truyện dài Một Chủ Nhật Khác, tập “Thơ Ở Đâu Xa’, và mấy số Văn trong đó nhà văn Mai Thảo thỉnh thoảng có đăng đôi ba bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Và “thoáng nhớ lại” những bài thơ của anh mình đã đọc ba, bốn mươi năm trước. Lục lọi tìm kiếm mấy bài thơ Thanh Tâm Tuyền làm trong thời gian chúng tôi cùng bị giam giữ ở trại cải tạo Long Giao anh đã chép tặng tôi. Buồn bã nghĩ: tôi đã mất Thanh Tâm Tuyền, tôi lại còn mất luôn phần lớn những gì anh đã để lại cho tôi/chúng tôi. Nhưng điều này với tôi cũng chẳng quan trọng. Sách vở chỉ là những thứ vô hồn, chỉ có cái đọc mới mở ra sự hiện diện. Những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền là những dấu chỉ đường cho người đọc đi tìm sự hiện diện của Thanh Tâm Tuyền. Sự hiện diện đó hôm nay không còn nữa. Những kẻ viết văn học sử sau này sẽ chỉ căn cứ vào sách vở (may mắn còn lại?) của anh để khai thác, đưa ra những kiến thức với tiêu chí chính xác, nhằm hoàn tất một tiến trình đường thẳng, loại bỏ hẳn tình yêu là sức mạnh đẩy tới sự hoàn tất tác phẩm trong tương quan người viết/người đọc. Cho nên văn chương chỉ có ở cõi ngoài, một sự khả hữu của cái bất khả. Văn chương luôn gắn liền với thảm họa: nỗi ám ảnh không rời trong trí tưởng Thanh Tâm Tuyền.

*

Thảm họa chứ không phải một cái gì khác đã xô đẩy chúng tôi gần gũi nhau. Lần thứ nhất khi Thanh Tâm Tuyền phải rời Saìgòn để lên Đà Lạt: chúng tôi cùng là những sĩ quan trừ bị (bị động viên) phục vụ tại Trường Võ Bị Quốc Gia. Những buổi chiều chúng tôi cà phê thuốc lá rượu thuốc nhậu nhẹt trong những quán tiệm dốc hẻm. Những đêm trực ngồi xem phim cao bồi miền viễn tây mượn của Hội Việt Mỹ. Một cái Tết bị cấm trại anh chở con trai bằng xe Honda ra phố ghé tiệm tạp hóa mua kiếm nhựa để hai bố con lên Đồi Cù đấu kiếm (tôi nhớ Thanh Tâm Tuyền có cho Văn đăng bài thơ rất hay làm trong dịp này khoảng năm 1972). Lần thứ hai chúng tôi cùng đi tù ở Long Giao, ngay những ngày đầu giai đoạn tuổi trẻ Miền Nam vào tù. Tinh sương xe đến Long Giao. Những buổi tối sương ướt tóc ướt áo chúng tôi gặp nhau ngoài bãi chiếu phim. Chép bài thơ Hà Thượng Nhân ở trại cấp tá mới làm đưa cho tôi xem. Người nào chẳng có lòng. Chim nào không có cánh. Cánh nào không muốn bay... Ngày xưa chim hồng hộc. Bay chín từng mây cao... Anh nhớ em từng phút. Anh thương con từng ngày... Mấy hôm sau lại cho xem bản nhạc Vũ Đức Nghiêm mới viết. Và ngày thứ bảy không phải lao động Thanh Tâm Tuyền dịch thơ Đường. Hạ Trí Chương thất ngôn thành Thanh Tâm Tuyền bảy chữ. Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi. Ra đi lúc trẻ về đã già. Nhưng đến ba chữ "mấn mao suy" ở câu sau thì Thanh Tâm Tuyền nghi rằng những người dịch trước đây đã dịch không sát nghĩa. Tôi nhờ người học trò cũ gốc Hoa nay là bạn tù đã giảng cho anh “mấn mao” chính là tóc mai. Và bài Thơ Thuốc Lào anh chép cho tôi không lâu trước khi bị chuyển trại ra Bắc. Ngồi đây hút điếu thuốc lào. Quên đi mọi nỗi gian lao ưu phiền...Xá chi vợ dại con thơ. Tính chi chuyển cửa chuyện nhà mai sau. Và kỷ niệm cuối cùng của chúng tôi khi Thanh Tâm Tuyền sang Tiểu Sàigòn năm 1992. Sang đây tớ có hai cái khoái: bỏ được thuốc lá và cuối tuần lang lang đi xem các flea-market (chợ bán rau trái nông phẩm). Ở Sàigon chỉ có một thằng không biết sợ cộng sản là thằng Nguyễn Nhật Duật vì nó vẫn sinh con đều đều. Thằng Xung sau khi đi tù về bây giờ ở với vợ hai trên Đà Lạt nhưng đói rách lắm. Đó, một Thanh Tâm Tuyền đầm ấm bạn bè và bông đùa riễu cợt. Trong khi viết những giòng này, tôi tưởng như đang nói chuyện với anh. Như hôm nào.

*

bài ai điệu cho thanh tâm tuyền là những đoạn rời. Tôi không hiểu tại sao tôi đã chỉ có thể viết được những đoạn rời. Giữa những khoảng cách đứt lìa chia cách là lời thầm thì cõi ngoài. Cũng có thể coi đó là những viên đá đặt quanh một cái tên. Diễn ngôn đòi đoạn có là một lời hứa sẽ một ngày nào đó trở lại?

03/29/2006 - 03/24/2010