Để hạn chế sự ảnh hưởng của địa phương lên các quyết định phân bổ ngân sách của Trung Ương, thì bản thân nhà nước Trung Ương phải mạnh, không chỉ về ý chí chính trị mà còn về (1) khả năng phân tích và ra các quyết định kỹ trị và (2) sức “chống đỡ” của bộ máy nhà nước Trung Ương trước các hoạt động lobby của các địa phương.
Hạn chế sự ảnh hưởng của địa phương như thế nào?
Thứ nhất, các tiêu chí để phân bổ các hỗ trợ ngân sách từ trung ương về địa phương cần phải thực sự rõ ràng. Một hệ thống tiêu chí như vậy có thể bao gồm các chỉ tiêu khách quan để phân loại các địa phương thành các nhóm khác nhau tùy theo trình độ phát triển của họ. Trên cơ sở đó, nhà nước trung ương có thể quyết định địa phương nào cần hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu, và địa phương nào không cần sự hỗ trợ từ trung ương.
Hệ thống chỉ tiêu phân loại và phân cấp này càng minh bạch, công khai, và dễ hiểu bao nhiêu thì khả năng bị địa phương thao túng trong các quyết định phân bổ của nhà nước trung ương càng ít đi bấy nhiêu. Ông Trần Du Lịch trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây cũng có đề xuất tương tự khi cho rằng “với những địa phương nghèo, ngân sách Trung ương sẽ đài thọ toàn bộ chi phí các dịch vụ công. Địa phương nào khá hơn thì đầu tư một vài mảng, phần còn lại địa phương buộc phải tính toán để tự lấy thu bù cho đầu tư năm tới. Còn địa phương nào mạnh thì thôi, tự lo lấy các phương án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tiêu chí nghèo, khá hay không cần đến ngân sách NH do Quốc hội quyết định.”
Thứ hai, liên quan tới câu chuyện đầu tư công, nhà nước trung ương cần có một bộ máy kỹ trị đủ mạnh để thực sự xây dựng được bộ các tiêu chuẩn và công cụ phân tích kỹ thuật có khả năng định lượng và so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư công. Bộ máy này không nhất thiết phải là 100% của nhà nước mà có thể là sự kết hợp giữa các cơ quan ban ngành của nhà nước với các think tanks và các công ty tư vấn có chuyên môn cao trong và ngoài nước.
Năng lực phân tích kỹ thuật và việc xét duyệt các dự án dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, mặc dù không hoàn hảo, nhưng chắc chắn sẽ minh bạch hơn rất nhiều so với các quyết định dựa trên sức ảnh hưởng chính trị hoặc các yếu tố khác. Sự kết hợp giữa công và tư trong việc xét duyệt, nếu làm được, cũng sẽ đem lại một diện mạo mới mẻ và tính minh bạch cao hơn so với tình trạng hiện nay.
Thứ ba, và có lẽ khó khăn nhất, là hạn chế các động tác “chạy ngân sách chạy dự án” – theo cách nói của ông Trần Du Lịch. Điều này cần đến quyết tâm chính trị của nhà nước trung ương liên quan đến câu chuyện chống tham nhũng. Hiện không có bất cứ một báo cáo, phân tích, hoặc số liệu công khai nào về tình trạng “chạy dự án” ở các địa phương, nhưng đây là một sự thật không thể không nhìn nhận.
Việc “chạy dự án” trở nên phức tạp vì nó không đơn thuần chỉ là việc các chính quyền địa phương lobby Trung Ương phân bổ ngân sách nhiều hơn cho địa phương mình, mà nó còn bao gồm cả việc các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) có các mối quan hệ với lãnh đạo ở Trung Ương và tìm cách lôi kéo các dự án đầu tư công về một địa bàn nào đó để họ làm.
Phức tạp hơn nữa trong câu chuyện này là chính các lãnh đạo trên Trung Ương nhiều khi cũng cố gắng lôi kéo một số dự án đầu tư công về cho địa phương nơi họ xuất thân, bất chấp hiệu quả kinh tế của dự án như thế nào. Điều này một phần do tư tuy cục bộ - địa phương, một phần do nhu cầu tự nhiên của bất cứ lãnh đạo nào là tìm cách duy trì sự ủng hộ bền vững của địa phương mình – nơi các phiếu bầu được coi là dễ kiếm nhất.
Thứ tư, và có lẽ là quan trọng nhất, có lẽ là triển khai một hệ thống quy định pháp lý theo đó hiệu quả của các dự án đầu tư công ở địa phương phải gắn với trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các địa phương. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án này, nếu được triển khai, đúng theo các nghiên cứu khả thi mà họ nộp lên trung ương khi xin dự án. Làm được điều này sẽ ít nhiều gây sự nản lòng ở các lãnh đạo địa phương khi đi xin các dự án đầu tư công ít hiệu quả chỉ với mục đích trục lợi cá nhân.
Giải quyết được bài toán phân chia hỗ trợ ngân sách trung ương về địa phương và bài toán đầu tư công, dù chỉ một phần, chắc chắn sẽ làm những ai quan tâm đến câu chuyện hiệu quả kinh tế của nước nhà an lòng hơn. Nó cũng sẽ là một thành công lớn của Nghị quyết 11 nói riêng và của nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế của nhà nước nói chung.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.