Nếu không xảy ra một thay đổi lớn về quan điểm từ ‘xử lý nội bộ’ sang ‘ăn đất ói ra’ của chính quyền trung ương, còn lâu mới có chuyện chính quyền TP.HCM - từ những quan chức lãnh đạo được xem là trung dung phe phái như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đến những quan chức từng chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau của ‘bố già’ Lê Thanh Hải như Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong và một số cấp phó chủ tịch cùng cấp lãnh đạo sở ngành - chịu họp báo vào giữa tháng 8 năm 2019 để ‘nhận sai’ vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.
Tấm bản đồ vẫn mất tích
Hai tháng sau khi Thanh tra chính phủ chính thức ban hành bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm, trong đó đặc biệt xác định các vụ cưỡng chế giải tỏa trước đây của chính quyền TP.HCM đã giải tỏa lố đến 4,3 ha, và đòi chính quyền này phải hoàn trả ngân sách trung ương số tiền 26.300 tỷ đồng sai phạm trong công tác bồi thường giải tỏa, đến tháng 8 năm 2019 cả hai thế hệ chóp bu mới và cũ trong khối đảng và chính quyền TP.HCM đã lâm vào thế tối hậu thư: đã đến lúc không còn lờ được hàng núi đơn thư khiếu nại tố cáo của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm, nhưng căn cứ đầu tiên để dập tắt đống lửa khiếu tố đó là tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 thì lại vẫn kiên định… mất tích.
Vào tháng 5 năm 2018, trong một cuộc họp báo về vụ Thủ Thiêm, các quan chức chính quyền TP.HCM chợt như bật ngửa khi nhận được câu hỏi từ một phóng viên báo nhà nước: ‘Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ở đâu?’.
Tưởng như đó chỉ là một câu hỏi cắc cớ và ‘hỏi cho có’ chứ không đến mức nghiêm trọng, người phát ngôn của chính quyền TP.HCM khi đó là Võ Văn Hoan (hiện đã được thăng chức lên phó chủ tịch thành phố) vội trả lời qua quýt và lấp liếm rằng bản đồ trên chỉ là ‘chưa tìm thấy’ chứ không phải không tìm thấy.
Thế nhưng câu hỏi cắc cớ của phóng viên nọ đã châm ngòi nổ khiến thùng thuốc súng Thủ Thiêm nổ tung trong suốt hơn một tuần sau đó trên phần lớn trong số hơn 800 tờ báo quốc doanh. Lần đầu tiên sau hai chục năm khiếu kiện ròng rã và không ít máu đổ lẫn xác người của Thủ Thiêm, vụ kinh thiên động địa này được xới tung ở gần như mọi khía cạnh khuất tất đen tối của nó, kể cả bắt đầu mấp mé về trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự của nhóm quan chức ‘ăn đất’ thời kỳ đó như ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhựt - tức Lê Thanh Hải), Hai Quân - tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang…
Độ dài thời gian biến mất của bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm đã lâu đến mức khiến dư luận xã hội không thể không bật lên dấu hỏi: liệu đã có một bàn tay hay thế lực bí ẩn nào cố ý đánh cắp bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và phi tang nó nhằm một mục đích đen tối nào đó?
Hàng chục tỷ USD vào túi những kẻ nào?
‘Không công bố bản đồ quy hoạch’ là một trong rất nhiều nội dung khiếu tố của nhiều hộ gia đình trong số 15000 dân ở Thủ Thiêm. Các cấp chính quyền từ Quận 2 đến Ủy ban nhân dân thành phố TP.HCM đã có quá nhiều dấu hiệu giấu biệt bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm trong suốt một thời gian dài và cho đến tận hôm nay.
Theo tố cáo có cơ sở rất rõ ràng của dân oan Thủ Thiêm, trong khi bản đồ người dân trưng ra thực tế diện tích đất chỉ hơn 500 ha thì bản đồ 650 ha của chính quyền tính luôn diện tích nhà đất của người dân.
Có nghĩa là diện tích ‘giải tỏa thêm’ có thể đến 150 ha và do đó đã đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường đã vọt đến 150 - 200 triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 150 ha đất giải tỏa lố - mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 250 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 11 tỷ USD!
Không công khai quy hoạch và bản đồ quy hoạch lại là một thứ bệnh ung thư của chế độ độc đảng và các nhóm lợi ích, khi luôn tìm cách bưng bít thông tin quy hoạch và đền bù giải tỏa để trục lợi khủng với giá bán đất ra thị trường cao gấp 10 - 20 lần, thậm chí hàng trăm lần so với mức giá đền bù cho dân.
Vậy trách nhiệm hành chính và cả trách nhiệm hình sự phải thuộc về cơ quan nào - Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường hay Ủy ban nhân dân TP.HCM - mà đã khiến Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm biến mất từ nhiều năm qua?
Vậy là đã xảy ra một vụ việc bi hài trong buổi họp báo giữa tháng 8 năm 2019 của chính quyền TP.HCM: giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM là Nguyễn Thanh Nhã đã cho trình chiếu ranh giới khu 4,3 ha nằm ngoài quy hoạch, tức sở này đã ‘kiến tạo’ một tấm bản đồ hoàn toàn mới, thay cho bản đồ gốc đã biến mất.
Thế nhưng ý kiến của dân oan Thủ Thiêm ra sao?
Những thủ đoạn bẫy dân
“Người ta chưa nói thì mình cũng biết người ta nói cái gì rồi, tự nhiên nghĩ ra một cái bản đồ nào đó rồi nói khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch 367, mà bản đồ 367 mất rồi thì căn cứ vào đâu để xác định 4,3 này nằm ngoài ranh, điều hết sức phi lý. Không có bản đồ không có cái gì hết thì căn cứ vào đâu mà bản đồ 367 là mấu chốt thì người ta dấu đi thì giờ căn cứ vào bản đồ nào mà toàn bản đồ họ tự vẽ ra, tự thêu dệt, tự áp đặt là điều không thể chấp nhận được.” - ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế và phải khiếu kiện trong nhiều năm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện vừa phẫn nộ vừa mỉa mai khi trả lời đài RFA Việt ngữ.
Ông Ca cho biết thêm là khi Chính phủ xác định khu 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch thì theo đúng lời ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy thành phố HCM có nói rằng nếu xác định ngoài ranh thì người dân có quyền quay về làm nhà. Tuy nhiên trên thực tế thì “ngoài ranh người ta vẫn bắt buộc dân phải đi, đi chỗ khác là đi chỗ nào là chỗ người ta thu hồi một loạt quy hoạch của thủ tướng chính phủ theo quyết định 367 coi như ăn cướp rồi rồi giờ lấy đất ăn cướp được bố trí lại cho dân, sai chồng sai mà sai sau lớn hơn trước nữa.”
Đây không phải là người đầu tiên và lần đầu tiên dân oan Thủ Thiêm phản ứng với Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trước đó còn khiến nhiều người dân nơi đây bị ăn ‘quả lừa’ với những hứa hẹn ngon ngọt nhưng đầy bất nhất và bất xứng.
Đã có ít nhất hai hình ảnh cực kỳ tương phản của Nguyễn Thiện Nhân với ‘đồng bào Thủ Thiêm’: nếu trong lần ‘thực địa’ vào ngày 20/6/2018, ông Nhân ‘tay bắt mặt mừng’ với dân oan và được các tờ báo nhà nước bám theo mô tả như một vị ‘cứu tinh’ đối với những người dân đã khô mòn nước mắt bồi thường và niềm tin chế độ cầm quyền, thì đến lần thứ hai đi Thủ Thiêm vào ngày 16/7/2018, quan chức bí thư thành ủy này đã được đến vài chục nhân viên công an ‘nối vòng tay lớn’ bảo vệ, và Nguyễn Thiện Nhân cứ thế dạo bước trong cái nhà tù thu nhỏ đó để né tránh làn sóng dân oan xô tới đòi hỏi ông Nhân phải cụ thể hóa những hứa hẹn của ông ta chứ không thể ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’.
Khi đó, hứa hẹn đắt giá nhất của Nguyễn Thiện Nhân là “những hộ ngoài ranh quy hoạch sẽ không phải di dời nữa”.
Nhưng chẳng bao lâu sau, người dân lại ngớ ra: làm thế nào để xác định ‘ngoài ranh quy hoạch’, trong khi cho đến lúc đó toàn bộ chính quyền TP.HCM vẫn cố tình lấp liếm vụ ‘tấm bản đồ gốc biến mất’, còn Bí thư Nhân chỉ chăm chăm ý đồ làm sao tống dân oan Thủ Thiêm vào các khu chung cư tái định cư xây theo kiểu ‘chuồng heo’ để họ không còn kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện nữa?
Thông đồng âm mưu ‘hiện trường’ giả?
Tại sao các cơ quan chức năng của TP.HCM lại không tìm ra, hoặc cố tình không chịu tìm ra tấm bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm - đã bị một bàn tay đen đúa nào đó cho biến mất suốt nhiều năm qua - không những không tìm thấy ở TP.HCM mà còn không hề được tìm ra ở các bộ ngành liên quan như Văn phòng chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…?
Sự thật rất hiển nhiên là trong trường hợp bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 biến mất hay bị phi tang, những kẻ ‘ăn đất’ trong chính quyền TP.HCM và các bộ ngành liên đới sẽ có khả năng thoát tội vì cơ quan thanh tra và điều tra không có cơ sở để đối chiếu và làm rõ con số 150 -160 ha đất ‘giải tỏa thêm’ so với quy hoạch cũ.
Nếu tấm bản đồ xấu số trên bị phi tang, mà khả năng này là rất gần với những dấu hiệu trong thực tế, phải chăng đã có một âm mưu thông đồng tập thể giữa nhiều quan chức ở nhiều cơ quan - từ chính quyền TP.HCM đến những bộ ngành trung ương, từ nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ và có thể cả những quan chức đương nhiệm kế thừa ‘truyền thống cách mạng’ đó, ngụy tạo ‘hiện trường’ giả nhằm lừa bịp dân oan Thủ Thiêm, công luận xã hội và Bộ Chính trị đảng - một hành vi hoàn toàn xứng đáng trở thành một vụ đại án với ít nhất một tội danh ‘cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng’?