Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do (FTA) do Trung Quốc đứng đầu, đạt được dự thảo chung vào ngày 4/11. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tham gia nhiều hơn vào Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bản báo cáo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng sự tham gia của Hoa Kỳ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, và hai khu vực có liên quan rất chặt chẽ với khối lượng thương mại song phương lên tới 1,9 nghìn tỷ đô la.
Ngoài ra, báo cáo cho biết Hoa Kỳ đang tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác với các quốc gia có chung tầm nhìn, như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu ra trong báo cáo rằng Mỹ và các đồng minh đang đối phó với các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; bên cạnh đó, Mỹ ngày càng tăng cường hỗ trợ cho các đối tác trong khu vực chống lại các hoạt động nguy hại trên mạng của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga; và theo báo cáo, đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) do Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông là “không có căn cứ chắc chắn” và “phi pháp”.
Báo cáo này được xem là một nỗ lực để kiểm soát Trung Quốc, là mục đích chính của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Chiến lược của Mỹ tiên liệu rằng Trung Quốc sẽ lãnh đạo thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở là RCEP được ký kết.
Trung Quốc bị nêu tên về một loạt các hành vi xấu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bản báo cáo của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác định Trung Quốc là một mối đe dọa chính, lưu ý rằng quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân đang bắt đầu xuất khẩu sự đàn áp bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tôn giáo.
Những hành vi như vậy - được Bắc Kinh xuất khẩu sang các nước khác thông qua ảnh hưởng chính trị và kinh tế - làm suy yếu các điều kiện thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ, một trích đoạn trong báo cáo nhận định.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức mới đe dọa quyền tự chủ và độc lập kinh tế của họ, theo báo cáo. Những thách thức đó bao gồm: sự lệ thuộc vào nợ nần, một loạt các công trình xây dựng đập tập trung kiểm soát dòng chảy hạ lưu, kế hoạch phá đá ngầm và nạo vét lòng sông, tuần tra sông ở bên ngoài lãnh thổ, và một số bên thúc đẩy việc xây dựng các quy định mới để quản lý dòng sông theo cách làm suy yếu các định chế.
Bản báo cáo không nêu cụ thể nguyên nhân của những thách thức đó, nhưng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong một bài phát biểu tại một hội nghị về Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông ở Bangkok vào tháng 8, đã gọi Bắc Kinh là mối đe dọa đối với các nguồn tài nguyên sông Mê Kông.
Ông Pompeo nói rằng các quy định do Bắc Kinh chỉ đạo về việc quản lý sông Mê Kông có thể làm suy yếu Ủy hội sông Mê Kông, một tổ chức liên chính phủ thông qua đó Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam quản lý các nguồn tài nguyên của con sông.
Liên quan đến Đài Loan, báo cáo cho biết Mỹ đang tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với đảo quốc này, lưu ý rằng chính quyền Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán vũ khí trị giá hơn 10 tỷ đô la cho Đài Loan trong năm nay.
Báo cáo tuyên bố rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ không gian quốc tế của Đài Loan, và đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về “các chiến thuật bắt nạt” của Bắc Kinh, bao gồm các cuộc diễn tập quân sự và giành giật các đồng minh ngoại giao của đảo Đài Loan.
(Epoch Times, Business Korea)