Những tin tặc hoạt động từ một trường đại học ưu tú của Trung Quốc đã sục sạo các công ty Mỹ và các cơ quan chính phủ Mỹ để tìm kiếm cơ hội gián điệp sau khi một phái đoàn thương mại Mỹ đến Trung Quốc hồi đầu năm nay, các nhà nghiên cứu an ninh tiết lộ với Reuters.
Công ty an ninh mạng Recorded Future cho biết nhóm này đã sử dụng máy tính tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc để nhắm mục tiêu vào các công ty năng lượng và truyền thông ở Mỹ, cũng như chính quyền bang Alaska, trong những tuần trước và sau chuyến công cán của phái đoàn thương mại Alaska tới Trung Quốc. Dẫn đầu bởi Thống đốc Bill Walker, các đại diện các công ty và các cơ quan phát triển kinh tế đã ở Trung Quốc một tuần vào tháng 5.
Các tổ chức tham gia chuyến công cán thương mại bị các tin tặc Trung Quốc săm soi. Sự việc này càng nêu bật căng thẳng quanh một cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc là đối tác thương mại nước ngoài lớn nhất của Alaska trong năm 2017, với hơn 1,32 tỉ đôla xuất khẩu.
Recorded Future nói trong một báo cáo công bố sau đó trong ngày thứ Năm rằng các website của các công ty cung cấp dịch vụ Internet và văn phòng chính phủ của Alaska đã bị các các máy tính ở trường đại học Thanh Hoa sục sạo hồi tháng 5 để tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật. Những lỗ hổng này có thể bị các tin tặc lợi dụng để đột nhập các hệ thống thường được khóa và giữ kín.
Chính phủ Alaska một lần nữa bị tin tặc rà quét các lỗ hổng phần mềm vào tháng 6, chỉ 24 giờ sau khi ông Walker nói ông sẽ nêu lên những lo ngại với Washington về thiệt hại kinh tế do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung gây ra.
Một quan chức Đại học Thanh Hoa, khi được Reuters tiếp xúc qua điện thoại, nói các cáo buộc là sai trái.
Đại học Thanh Hoa, được gọi là "MIT của Trung Quốc," có liên hệ mật thiết với Công ty Khống cổ Thanh Hoa, một công ty do nhà nước hỗ trợ tập trung phát triển các công nghệ khác nhau, bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận, Reuters nói.
Recorded Future nói họ đã đưa ra một bản báo cáo của mình cho các cơ quan chấp pháp của Mỹ. FBI từ chối bình luận.
Không rõ liệu các hệ thống bị nhắm mục tiêu có bị tổn hại hay không, nhưng hoạt động rà quét rất tập trung độ, trên diện rộng và kì lạ cho thấy một "mối quan tâm nghiêm túc" tới việc xâm nhập, Priscilla Moriuchi, giám đốc phát triển mối đe dọa chiến lược tại Recorded Future và từng là giám đốc văn phòng nguy cơ mạng Đông Á và Thái Bình Dương của Cơ quan An ninh Quốc gia, nói.
“Sự tăng mạnh hoạt động rà quét vào lúc kết thúc các cuộc thảo luận thương mại về các chủ đề liên quan cho thấy rằng hoạt động này có thể là một nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn về quan điểm của Alaska về chuyến đi và lợi thế chiến lược trong các cuộc đàm phán sau chuyến thăm,” Recorded Future nói trong báo cáo.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Thống đốc Alaska cho biết “Hàng ngày, Bang Alaska, giống như hầu hết các chính quyền bang, có hoạt động nặc danh diễn ra ở ngoài rìa các mạng lưới của chúng tôi để kiểm tra xem cửa có bị khóa không. Hoạt động được nhắc tới ở đây không phải là duy nhất,” Reuters cho biết.
Các mục tiêu khác không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.