Báo cáo viên Đặc biệt LHQ đến Việt Nam vào tháng 11

Ông Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền phát triển. Photo ohchr.org

Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền phát triển sẽ có chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 6-15 tháng 11 năm 2023, theo thông cáo của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (OHCHR). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Báo cáo viên Đặc biệt kể từ năm 2017, sau nhiều lần Việt Nam từ chối đề nghị viếng thăm của các chuyên gia phụ trách lĩnh vực nhạy cảm.

Ông Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền phát triển hy vọng sẽ xác định những thách thức hiện tại về quyền phát triển ở Việt Nam nhằm đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ và các bên liên quan khác đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển, thông cáo cho biết.

OHCHR cho biết chuyến đi của ông Deva được thực hiện theo lời mời của chính phủ Việt Nam. Chuyến thăm quốc gia này sẽ là chuyến thăm thứ tư của cơ chế này kể từ khi thành lập vào năm 2017 và là chuyến thăm đầu tiên của cơ chế được tiến hành ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Một số các chuyên đề sẽ được ông Deva trao đổi tại Việt Nam bao gồm Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hiệp định thương mại và đầu tư, các biện pháp giải quyết sự bất bình đẳng, quyền được phát triển của những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội như trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người di cư, người khuyết tật và người bản địa…

Từ nay đến ngày 30/10, ông Deva sẽ thu thập ý kiến và đề xuất từ các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự liên quan đến các chuyên đề mà ông sẽ làm việc tại Việt Nam, trong đó có xem xét khía cạnh nhân quyền và môi trường nên được lồng vào như thế nào khi áp dụng các chính sách và chương trình phát triển, liệu các đánh giá về tác động nhân quyền, quyền của người lao động có được tiến hành không? Và cả đề xuất ông nên gặp những ai trong các tổ chức chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, đại diện cộng đồng và giới học thuật?

Truyền thông trong nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa loan tin về chuyến công tác tại Việt Nam của ông Deva.

Theo các tài liệu của LHQ và tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từ trước đến nay Việt Nam từ chối đề nghị làm việc của những chuyên gia đảm nhận các thủ tục đặc biệt bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.

Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có 7 trong số họ đến được đất nước này. Trong khi đó, các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn thì được Hà Nội chấp thuận viếng thăm như nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực, y tế…

Năm 2017, bà Hilal Elver, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền lương thực, có chuyến thăm Việt Nam để thu thập thông tin trực tiếp về tình hình lương thực của quốc gia, bao gồm cả các tác động của biến đổi khí hậu.

Trước đây, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã đến thăm Việt Nam hai lần. Chuyến thăm đầu tiên là vào năm 1998 và điều này dẫn đến sự hồi sinh của một số tôn giáo trong nước. Lần thứ hai là vào tháng 7/2014, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt vào làm việc tại Việt Nam khi quốc gia này soạn thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Báo cáo viên Đặc biệt là cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Khi họ đến thăm một quốc gia, họ tập trung đến các vi phạm nhân quyền, các trường hợp cá nhân, các vấn đề về luật pháp và chính sách. Họ cũng đưa ra khuyến nghị về những gì chính phủ và các chủ thể khác có thể làm để cải thiện tình hình.

Thủ tục đặc biệt này, cơ quan chuyên gia độc lập lớn nhất trong hệ thống Nhân quyền của LHQ, là tên gọi chung của các cơ chế giám sát và tìm hiểu thực tế độc lập của Hội đồng nhằm giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các nơi trên thế giới.

Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tự nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương cho công việc của mình. Họ độc lập với bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào và phục vụ với tư cách cá nhân.

Một chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt là cơ hội để LHQ đưa ra báo cáo về lĩnh vực họ phụ trách với các khuyến nghị cho chính phủ của quốc gia mà họ thăm viếng nếu đó là chuyến thăm chính thức, cho nạn nhân được lên tiếng và gặp trực tiếp với đại diện của LHQ, nâng cao nhận thức về vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế.

Hội đồng Nhân quyền, trong nghị quyết 14/33 ngày 29/9/2016, đã thiết lập nhiệm vụ của Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền phát triển.

Ông Surya Deva đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển vào ngày 1/5/2023. Ông là Giáo sư Trường Luật Macquarie và Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường thuộc Đại học Macquarie, Australia.