Hôm 4/7, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ người tị nạn và người bảo vệ nhân quyền Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên tiếng trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Thái Lan từ chối việc dẫn độ ông ấy và từ chối bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng này phải hồi hương giữa lúc ông đang mong được bảo vệ ở đất nước này”.
Các chuyên gia LHQ kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không đẩy trả lại (non-refoulement) theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc tra tấn, bị đối xử hoặc bị trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, cưỡng bức mất tích và những tác hại không thể khắc phục khác như tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện hoặc phủ nhận công lý.
Ông Y Quynh Bdap sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy LHQ về Người tị nạn công nhận là người tị nạn và đang chờ tái định cư sang nước thứ ba.
Ông bị kết án vắng mặt về tội “khủng bố” được cho là có liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 6/2023. Trong vụ án này, ông Y Quynh bị kết án 10 năm tù sau phiên tòa di động xét xử 100 bị cáo. Các chuyên gia LHQ cho rằng phiên tòa này “ không đáp ứng các bảo đảm xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế”.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm: “Chúng tôi tin rằng, nếu bị dẫn độ, ông Y Quynh Bdap sẽ có nguy cơ bị cưỡng bức mất tích, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc hoặc trừng phạt khác, vi phạm nguyên tắc không hoàn trả này”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố ngày 4/7 của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhưng chưa được phản hồi.
Your browser doesn’t support HTML5
Bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về những người bảo vệ nhân quyền, một trong 13 chuyên gia ký tên trong tuyên bố hôm 4/7, trước đó viết trên trang X rằng nếu Thái Lan trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, Thái Lan sẽ không đủ tiêu chuẩn để được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC).
Tương tự, ông Y Phic Hdok ở California, Mỹ, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công Lý (MSFJ), một tổ chức ủng hộ quyền của người bản địa ở Việt Nam, nêu quan điểm với VOA: “Nếu bắt giữ ông Y Quynh và giao cho chính phủ Việt Nam, Thái Lan sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền, tham dự vào đàn áp xuyên biên giới, và không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà quốc gia này đang muốn ứng cử trong khoá tới”.
Về tuyên bố của các báo viên LHQ, ông Y Phic nói: “Tuyên bố của các báo viên LHQ về trường hợp của ông Y Quynh Bdap là một bước tiến quan trọng, nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế. Đây là thời điểm cấp bách đòi hỏi hành động cụ thể, không chỉ lời nói”.
Như VOA đã đưa tin, các quan chức Thái Lan cho VOA biết rằng ông Y Quynh Bdap đã bị bắt ở Thái Lan hồi tháng 6 theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam và một tòa án ở Thái Lan sẽ đưa ông ra xét xử vào ngày 15/7 tới.
Cũng trong tuyên bố hôm 4/7, các báo cáo viên LHQ còn kêu gọi Thái Lan công nhận tình trạng tị nạn của những người tị nạn theo luật trong nước, đặc biệt là theo Cơ chế sàng lọc quốc gia, hợp lý hóa tình trạng cư trú của họ và bảo vệ họ trước sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền nước ngoài.
Ngoài ra, 13 chuyên gia nhân quyền còn cho hay họ đã bày tỏ sự quan ngại với cả chính phủ Việt Nam và Thái Lan về các rủi ro của những người thiểu số Tây Nguyên đang lánh nạn tại Thái Lan.