Nhiều báo nước ngoài liên tiếp đưa tin trong những ngày gần đây về việc chính phủ Việt Nam “xin” tiền người dân cho quỹ vắc-xin COVID-19. Trên mạng xã hội, không ít người Việt tỏ ý không đồng tình với việc chính phủ huy động tiền từ người dân như vậy.
Hãng thông tấn Pháp AFP đăng bài viết hôm 8/6 với hàng tít “Vietnam begs public for 'vaccine fund' donations after virus surge”, tạm dịch: “Việt Nam xin công chúng đóng góp cho ‘quỹ vắc-xin’ sau khi số ca nhiễm virus tăng mạnh”. Bản tin này được trang tin France24.com cũng của Pháp, i24 News của Israel, The Straits Times của Singapore và một số báo nước ngoài khác đăng lại trong cùng ngày.
Trước đó ít ngày, trang tin Anh Sky News và trang uk.finance.yahoo.com có các bài tường thuật với tít nói rằng “chính phủ Việt Nam gửi tin nhắn trên diện rộng tới các công dân để hỏi xin tiền mặt cho quỹ vắc-xin”.
Đến nay, Việt Nam, nước có khoảng 98 triệu dân, mới chỉ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho khoảng 1% dân số, bản tin của AFP cho hay, và chính quyền đang ngày càng lo ngại về số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian gần đây.
Từ một nước được xem là điển hình về kiểm soát đại dịch thành công, Việt Nam mới đây đã bắt đầu kêu gọi công chúng đóng góp tiền để mua vắc-xin giữa lúc đất nước phải vật lộn để kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới, tin của AFP viết.
Các bản tin của AFP và Sky News cho biết rằng kể từ tuần trước, người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam đã nhận được tới 3 tin nhắn thúc giục họ đóng góp cho quỹ vắc-xin, còn các công chức được khuyến khích nộp một ngày lương.
Theo AFP và Sky News, chính phủ Việt Nam nói rằng họ nhắm mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc-xin trong năm nay để tiêm cho 70% dân số, với chi phí là 1,1 tỉ đô la (25,2 nghìn tỉ đồng), nhưng mới chỉ có ngân sách là 630 triệu đô la (gần 14,5 nghìn tỉ đồng) được phân bổ.
Các trang web chính thức của chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cho biết quỹ vắc-xin được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập hôm 26/5 và chính thức ra mắt hôm 5/6.
Trang Facebook Thông tin Chính phủ cập nhật hôm 8/6 rằng tính đến 11 giờ sáng cùng ngày, đã có hơn 231.000 tổ chức và cá nhân đóng góp vào quỹ số tiền tổng cộng lên tới gần 4.170 tỉ đồng, ngoài ra, có các nhà tài trợ cam kết đóng góp hơn 3.200 tỉ đồng nhưng chưa chuyển tiền.
Dường như để trấn an dư luận, trang Thông tin Chính phủ cũng nhắc lại rằng hàng ngày Ban Quản lý của quỹ sẽ công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như VOA đã đưa tin, trong khi nhiều người bày tỏ ủng hộ và gửi tiền đóng góp vào quỹ, cũng có không ít người lên tiếng cho thấy họ “băn khoăn” hoặc thậm chí không ủng hộ.
Đưa ra ý kiến cá nhân về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh viết trên trang Facebook của riêng ông có khoảng 21.000 người theo dõi rằng việc chính phủ thành lập quỹ vắc-xin phòng COVID-19 là “một sự thừa nhận rằng ngân sách quốc gia hiện nay không đủ để trang trải chi phí mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vắc-xin. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, đây là biểu hiện của ‘thất bại chính phủ’ (government failure) về mặt ngân sách”.
Vị tiến sĩ phân tích rằng chính phủ Việt Nam đáng lẽ phải chuẩn bị trước ngân sách cách đây một năm để có thể chủ động triển khai kế hoạch vắc-xin nhưng đáng tiếc là trong dự toán ngân sách nhà nước 2021 lập vào năm 2020, không hề có khoản nào dành cho vắc-xin.
Vì vậy, dưới góc nhìn của tiến sĩ Tự Anh, việc chính phủ lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách - hiện đang diễn ra - để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp và người dân có thể được xem như là chính phủ sửa chữa “thất bại ngân sách” bằng phương thức xã hội hóa.
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, Facebooker thường xuyên có các bài viết phản biện về các vấn đề chính trị, xã hội, lịch sử với lượng người theo dõi lên đến khoảng 100.000, viết trên trang cá nhân rằng chính phủ “không nên đứng ra nhận quyên góp, kêu gọi cứu trợ từ chính người dân mà chỉ có thể kêu gọi quốc tế trợ giúp”.
Ông Chính cho rằng về bản chất, việc chính phủ kêu gọi trợ giúp từ người dân thực ra là “xin”, và khi làm như vậy, chính phủ “sẽ bị chồng chéo vai trò và trách nhiệm”.
“Việc chính phủ kêu gọi dân đóng góp quỹ vắc-xin bản chất y hệt như dân làm từ thiện cho chính phủ!”, Facebooker Dương Quốc Chính viết, đồng thời đưa ra quan sát của cá nhân ông rằng “việc thu tiền đóng góp này trên lý thuyết là tuỳ tâm nhưng thực tế gần như cưỡng bức … nên nhiều người phải miễn cưỡng mà đóng”.
Ông Toản, một người dân Hà Nội không muốn nêu đầy đủ danh tính, cách đây ít hôm than phiền với VOA rằng hàng ngày nhà nước gửi ra quá nhiều lời kêu gọi đóng gọi trên mọi phương tiện mà nhà nước quản lý, gồm cả thông điệp qua điện thoại di động lẫn trên các kênh truyền thông.
Nói về việc báo chí trong nước ca ngợi các tấm gương là những cụ già lấy tiền lo hậu sự hoặc trẻ em đập lợn đất để đóng góp tiền cho quỹ vắc-xin, ông Toản bình luận với VOA rằng: “Điều đó không chấp nhận được, các cụ già kia là đối tượng cần được hỗ trợ, trẻ em 4, 5 tuổi lại càng cần hơn. Những tuyên truyền như thế rất phản cảm, vô nhân tính”.