Các nhà giáo và học sinh/sinh viên tụ tập hôm thứ Sáu 5/2 để tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự giữa lúc một phong trào chống đối đảo chính được sự tán thành của nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Tăng cường các biện pháp để chấm dứt phản ứng bất bình trong công chúng, cảnh sát bắt giữ một trong các phụ tá lão thành của bà Aung San Suu Kyi, cùng với hàng chục người đã hưởng ứng các cuộc biểu tình ồn ào để phản đối cuộc đảo chính hôm thứ Hai.
Áp lực quốc tế tăng lên đối với tập đoàn quân nhân Myanmar, kêu gọi họ trả tự do cho những người bị giam cầm, và Washington cân nhắc các biện pháp cấm vận đối với các tướng lãnh cầm quyền.
Các nhà giáo là nhóm mới nhất tham gia phong trào bất tuân dân sự, một số giảng viên từ chối làm việc hoặc hợp tác với chính quyền để phản đối cuộc đảo chính đã đình chỉ một cuộc chuyển tiếp sang dân chủ kéo dài và không đồng bộ.
“Chúng tôi muốn vụ đảo chính quân sự thất bại,” giảng viên Nwe Thazin Hlaing nói tại Đại học Sư phạm Yangon.
Reuters không liên lạc được với chính quyền để yêu cầu bình luận.
Phong trào bất tuân dân sự, vốn khởi sự với các bác sĩ, giờ đã lan ra nhiều văn phòng chính phủ, và hôm thứ Sáu, được sự tán thành chính thức của đảng NLD của bà Suu Kyi.
Trong một tuyên bố, đảng NLD lên án cuộc đảo chính và việc bắt giữ bà Suu Kyi, nói rằng đây là một chuyện “không thể chấp nhận được”. NLD nói sẽ hỗ trợ những người bị bắt giữ, hoặc bị sa thải vì chống đối vụ chiếm quyền.
Tướng Min Aung Hlaing lên chiếm quyền, viện lẽ có nhiều bất thường trong cuộc bàu cử hồi tháng 11 năm 2020 mà đảng LND đoạt được chiến thắng áp đảo. Trước đó, Ủy ban bầu cử khẳng định rằng cuộc bầu cử này là công bằng.
Nhưng không thấy người dân ồ ạt kéo nhau xuống đường phản đối tại một đất nước từng có một quá khứ đẫm máu, đàn áp biểu tình- nhưng có dấu hiệu cho thấy những người trẻ tuổi đang trở nên bạo dạn hơn với hàng chục người trẻ tuổi tuần hành tại thành phố Dawei ở đông nam Myanmar.”
Tại Yangon, thành phố lớn nhất nước, những người ủng hộ bà Suu Kyi treo quần áo màu đỏ, ruy băng đỏ, hay bong bóng đỏ để bày tỏ sự ủng hộ của họ.
Nhưng chính quyền Myanmar cũng đã bắt đầu leo thang các hành động chống lại những người chống đối đảo chính. Tại Mandalay, thành phố lớn thứ nhì Myanmar, hơn 30 người bị bắt giữ vì đã khua nồi gõ chảo để phản đối đảo chính, điều đã xảy ra trong 3 đêm liên tiếp.
Người bị bắt được biết tiếng nhất là ông Win Htein, 79 tuổi, người ủng hộ kiên cường trung thành của bà Aung San Suu Kyi, đã từng bị giam cầm nhiều lần trong những thập niên ông và bà Su Kyi đấu tranh chống các tập đoàn quân sự cầm quyền trước.
“Tôi chưa bao giờ sợ họ bởi vì tôi đã không làm gì sai trái trong suốt cuộc đời mình,” ông nói với Reuters qua điện thoại trong khi bị bắt mang đi.
Reuters không liên lạc được với cảnh sát Myanmar qua điện thoại để yêu cầu bình luận vệ vụ bắt giữ ông Htien, và hỏi ông bị bắt về những tội danh gì.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố hôm thứ Năm, kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị bắt, và yêu cầu các lãnh đạo quân sự tôn trọng nhân quyền, các quyền căn bản, và pháp quyền.
Nhưng trước khi đạt được đồng thuận trong các thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Trung Quốc và Nga, hai nước có quan hệ mật thiết với quân đội Myanmar, bản văn của dự thảo tuyên bố đã được sửa đổi để loại bỏ tất cả những từ có liên quan tới cuộc đảo chính.
Chưa ai trông thấy bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, từ khi bà bị bắt giữ trước hừng đông hôm thứ Hai. Bà Suu Kyi bị cảnh sát buộc tội nhập khẩu và sử dụng bất hợp pháp máy bộ đàm (walkie-talkie) mà họ phát hiện tại tư gia của bà.