Bắt ông Tiến, ông Bình, là ‘phản bội người lao động’

Ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời nguyên là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU). Photo The 88 Project.

The 88 Project – tổ chức tranh đấu cho tự do biểu đạt ở Việt Nam – vừa loan báo: Ông Vũ Minh Tiến (Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã bị tống giam một cách bí mật vì “cố ý làm lộ bí mật nhà nước[1].

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, có tới hai viên chức mà hoạt động công vụ liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động bị công an Việt Nam bắt giữ. Cả hai bị cáo buộc cùng một tội danh là... “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Tháng trước (4/2024), công an Việt Nam bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội – LĐTBXH). Vụ bắt giữ ông Bình [2] đã khiến chính quyền Việt Nam bị chỉ trích kịch liệt vì gian và ác – đã cố tình trì hoãn còn trừng trị những người muốn chu toàn cam kết với cộng đồng quốc tế về việc để cho người lao động “tự do lập hội”. Đó có thể là lý do chuyện bắt giữ ông Tiến mới diễn ra theo kiểu bí mật, bất chấp việc giữ bí mật ấy vi phạm luật tố tụng hình sự của Việt Nam.

***

Một viên chức chuyên trách về pháp chế của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (Bộ LĐTBXH) có thể nắm giữ loại “bí mật” nào quan trọng đến mức sẽ bị xem là tội phạm khi “tiết lộ”? Tương tự, chẳng lẽ người phụ trách pháp chế và chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN - tổ chức được chính quyền lập ra để làm đại diện độc quyền của toàn bộ người lao động tại Việt Nam) cũng có thể nắm giữ “bí mật” gây nguy hại cho nhà nước?

Chưa kể chức vụ, công việc mà ông Vũ Minh Tiến và ông Nguyễn Văn Bình đảm nhiệm (vừa là chuyên viên, vừa phụ trách bộ phận pháp chế) cho thấy, chắc chắn họ rành rẽ luật pháp. Vì lẽ gì cả hai cùng... “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”?

Khoảng hai tháng trước khi ông Nguyễn Văn Bình bị bắt (2/2024), dựa vào một số nguồn thạo tin tại Việt Nam, Reuters loan báo: Có thể Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên cũng theo Reuters, khi phóng viên của họ thực hiện phối kiểm, cả Văn phòng Chính phủ, đại diện hữu trách của Bộ LĐTBXH, lẫn đại diện hữu trách của Tổng LĐLĐ VN đều từ chối trả lời và bình luận về tin vừa kể [3].

Cứ như tường thuật của Reuters thì Liên hiệp châu Âu (EU), Canada,... không hài lòng khi Việt Nam lần lữa phê chuẩn Công ước 87. Thậm chí, một số như Canada dự tính sẽ hành động, buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết về lao động...

***

Công ước 87 là một trong tám công ước căn bản của ILO. Tám công ước căn bản này chia thành bốn cặp, Công ước 87 và Công ước 98 đặt định các yêu cầu về bảo đảm hoạt động của công đoàn, Công ước 29 và 105 đặt định các yêu cầu nhằm xóa bỏ và ngăn ngừa cưỡng bức lao động, Công ước 138 và Công ước 182 đặt định các yêu cầu nhằm xóa bỏ và ngăn ngừa việc sử dụng trẻ em, Công ước 100 và Công ước 111 đặt định các yêu cầu nhằm thực thi đối xử bình đẳng trong lao động.

Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 công ước căn bản của ILO, riêng Công ước 87 – trao quyền tổ chức công đoàn cho tất cả các giới của lực lượng lao động, kể cả công chức, tôn trọng tự do liên kết... liên tục bị trì hoãn.

Không phải tự nhiên mà cộng đồng quốc tế đề cao các công ước của ILO, đặc biệt là tám công ước căn bản, xem đó là điều kiện để ký kết những hiệp định tự do thương mại (FTA) và đề ra biện pháp ràng buộc các bên tham gia FTA tuân thủ cam kết về lao động.

Các quốc gia văn minh quan niệm, kinh tế chỉ có thể phát triển ổn định khi lực lượng lao động được tôn trọng và đối xử tốt. Tuy nhiên các nỗ lực nhằm hỗ trợ lực lượng lao động thăng tiến trong đời sống sẽ khiến chi phí sản xuất, dịch vụ gia tăng. Vì vậy sự đồng nhất trong chính sách bảo vệ, chăm sóc lực lượng lao động không đơn thuần là nhân đạo mà còn nhằm tạo lập sự công bằng trong quá trình cạnh tranh toàn cầu. Không thực thi chính sách chung về lao động không chỉ bị coi là bất nhân mà còn là bất chính.

Cũng không phải tự nhiên mà cộng đồng quốc tế không tin chính quyền Việt Nam chân thành khi cam kết sẽ phê chuẩn và nghiêm túc thực thi tám công ước căn bản của ILO để có thể trở thành một bên trong các FTA. Ai cũng biết, hệ thống toàn trị ở Việt Nam chỉ nhắm đến tăng trưởng kinh tế, không bận tâm đến cá nhân người lao động. Việc phê chuẩn và thực thi các công ước căn bản của ILO sẽ khiến lực lượng lao động trở thành... “khó dạy” và “mức độ hấp dẫn của môi trường sản xuất, kinh doanh” suy giảm.

Song biến báo, tráo trở khi thực thi các cam kết về lao động không dễ dàng vì hàng hóa của Việt Nam có thể trở thành đối tượng bị chế tài bởi các biện pháp trừng phạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả “môi trường sản xuất, kinh doanh” lẫn “thu hút đầu tư”.

***

Tháng 11 năm ngoái, Tổng LĐLĐ VN tổ chức “Hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ”. Theo đó, Đoàn Chủ tịch của Tổng LĐLĐVN quyết định điều động ông Vũ Minh Tiến (Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn) đến nhận công tác tại Ban Chính sách - Pháp luật với vai trò Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật của Tổng LĐLĐ VN trong năm năm (2023 – 2028) vì ông Tiến là Tiến sĩ Luật, hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật về công nhân và công đoàn.

Khi ấy, ông Nguyễn Đình Khang (Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN), giải thích: Việc điều động và bổ nhiệm ông Tiến làm Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật của Tổng LĐLĐ VN vì trong thời gian là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, ông Tiến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông và tập thể cán bộ, công chức Viện Công nhân và Công đoàn đã tham mưu rất tốt cho Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN về những vấn đề liên quan đến đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn [4] ...

The 88 Project cho biết: Giống như ông Bình, ông Tiến đang dẫn đầu các nỗ lực đưa Luật Lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Với vai trò tại Tổng LĐLĐ VN, ông Tiến có nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, theo dự kiến sẽ trình để Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào cuối năm nay... Những vụ bắt giữ này là ví dụ khác về sự thất bại của các tổ chức quốc tế trong việc huyên thuyên về việc bảo vệ những người cải cách lao động rồi cuối cùng họ bị tống vào tù...

Nếu chịu khó liên kết các dữ liệu lại với nhau hẳn có thể phán đoán vì lẽ gì hai viên chức mà hoạt động công vụ liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động cùng bị cáo buộc là... “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Một số tổ chức quốc tế bất bình vì họ tin rằng, ông Tiến và ông Bình bị bắt chỉ vì muốn thúc đẩy việc thực thi Công ước 87 tại Việt Nam! Việc bị tống giam có thể tiết lộ với cả hai ông một “bí mật” khác liên quan đến nhà nước mà họ cùng phục vụ, đó là nhà nước ấy vừa gian, vừa ác!

Chú thích

[1] /a/du-an-88-vn-bat-giam-cuu-vien-truong-vien-cong-nhan-va-cong-doan-vu-minh-tien/7620418.html

[2] https://tienphong.vn/bat-tam-giam-vu-truong-vu-phap-che-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-post1635631.tpo

[3] https://www.reuters.com/business/vietnam-plans-union-reform-avert-trade-woes-risking-foreign-firms-unease-2024-02-27/

[4] https://laodong.vn/cong-doan/ong-vu-minh-tien-duoc-bo-nhiem-lam-truong-ban-chinh-sach-phap-luat-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-1262290.ldo