Cả tuần nay làng báo Việt Nam dậy sóng với chuyện hàng ngàn học sinh trung học ở Nghệ An và cả các lãnh đạo báo chí, kiểm sát và giáo dục bị “lừa” bởi một người tự xưng là nhà báo quốc tế.
Chữ lừa trên đây được để trong ngoặc kép vì chả chắc gì những người có mặt tại buổi tri ân của ông Lê Hoàng Anh Tuấn như phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo hay viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An… đã bị lừa thật.
Ông Tuấn tự nhận là tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế và cũng còn là tiến sỹ danh dự được Vương quốc Anh công nhận. Ông về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 để cảm ơn trường cũ và chia sẻ với các học sinh hiện tại của trường.
Ngoài trường trung học phổ thông này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã từng mời ông Lê Hoàng Anh Tuấn tham gia giảng dạy vì các nhãn mác ông tự dán cho bản thân.
Vậy có cách nào để nhận biết một nhà báo quốc tế rởm không? Thực ra có rất nhiều cách và chỉ cần trình độ trung học là đã có thể kiểm tra được rồi.
1. Nhà báo quốc tế ấy có thạo tiếng mẹ đẻ không? Thứ nhất hãy xem nguyên văn băng rôn mà chính ông Tuấn được cho là tự thiết kế và mang về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 trong đó phần giới thiệu nhân vật ghi ‘NHÀ BÁO QUỐC TẾ. THẠC SĨ LUẬT HỌC. LÊ HOÀNG ANH TUẤN, TIẾN SĨ’. Tiếp theo đó là ‘TIẾN SĨ DANH DỰ TỪ VƯƠNG QUỐC ANH’ và ‘TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CHỐNG THAM NHŨNG & HỢP TÁC QUỐC TẾ. Chỉ nhìn cách sử dụng mấy dấu chấm, dấu phẩy cùng với việc sắp xếp thứ tự chức danh là đã thấy nhà báo này tiếng Việt cũng chẳng thạo.
Trước khi về trường cũ, mà sau người ta tra ra không thấy có học sinh nào là Lê Hoàng Anh Tuấn cả, nhà báo quốc tế đã xuất hiện tại một sự kiện khác trong đó ông chém gió về cách mạng 4.0. Ông nói: “Chúng ta phải làm gì với Cách mạng Công nghiệp 4.0? Đó chính là, chúng ta phải thách thức nó, phải gây chiến với nó. Tại sao? Là bởi vì, một cá nhân, một tập thể, một quốc gia muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu sự thành công trong đối nội và đối ngoại, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội, mà chính sách của đối ngoại chính là gây chiến, là thách thức, để thách thức được thì phải có "thế" và "lực". Đọc hiểu chết liền thế này mà cũng có trang mạng đăng và những người khác không chịu khó Google tên ông mà đọc để hiểu sự thông thái của nhà báo quốc tế thì thật lạ. Tôi cũng có gửi email cho nhà báo quốc tế theo địa chỉ trên danh thiếp – eagle@eafer.eu từ hôm 7/5 và giờ vẫn đợi hồi âm.
2. Trình độ tiếng Anh của nhà báo quốc tế thế nào? Một bài báo mà nay có vẻ đã bị xoá trên trang nguoilambao.vn nhưng vẫn được thế giới mạng lưu giữ cho biết ông Tuấn thông thạo tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan. Bài báo được đăng nhân dịp ông Tuấn được giải thưởng báo chí tại châu Âu trích lời nhà báo quốc tế nói: “Và từ trái tim, tôi xin cảm ơn “sự cố tồi tệ” của quá khứ, bởi “pain past is pleasure”, tạm dịch là “sự đau đớn của quá khứ thì hiện tại là hạnh phúc”. Tôi sống ở Anh gần 20 năm nay chưa bao giờ nghe thấy người ta nói tiếng Anh như thế. Và khả năng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thế này thì có lẽ người Việt cũng không hiểu nhà báo muốn nói gì. Bài báo cũng từng được một trang mạng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải nhưng nay cũng đã bị gỡ bỏ. Tìm tên nhà báo xem có sản phẩm báo chí nào bằng tiếng Anh không thì kết quả là không có bài nào cả.
3. Địa chỉ email của nhà báo có đáng tin không? Thứ nhất địa chỉ eagle@eafer.eu nghe rất kỳ. Eagle tiếng Anh là con đại bàng còn eafer là viết tắt của European Association for External Relations, tức Hiệp hội đối ngoại châu Âu. Thường những người làm cho các công ty nước ngoài thường có địa chỉ email là tên.họ@têncôngty.co.tênnướcviếttắt, chẳng hạn khi tôi còn làm cho BBC email của tôi là hung.nguyen@bbc.co.uk.
4. Nhà báo quốc tế có trang web nào không? Vào trang eafer.eu chỉ thấy vỏn vẹn 15 dòng ngắn ngủi giới thiệu Hiệp hội đối ngoại châu Âu, không thấy ảnh hay bất cứ tài liệu nào khác.
5. Hiệp hội đối ngoại châu Âu có thật không? Nghe tên hiệp hội người ta cứ nghĩ đó là một tổ chức đối ngoại của Liên minh châu Âu EU nhưng thực ra không phải vậy. Trang web eafer.eu của hội mới được đăng ký ngày 23/10/2017 bởi một người có email pavel@janasek.eu và có địa chỉ ở Praha. Trang web được đặt tại máy chủ ở Cộng hoà Séc. Hiệp hội tự nhận xuất bản Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế. Rồi chính người có email đăng ký trên, ông Pavel Janasek lại là người đứng tên trao cái gọi là “giải thưởng báo chí” cho ông Tuấn hồi tháng 8/2018. Như vậy ông Chủ tịch Hiệp hội đứng ra xuất bản tạp chí kia lại trao giải cho ông tổng biên tập tạp chí nhà trồng được. Thật là màn hề mà chỉ có những ai ngớ ngẩn mới có thể tin được.
6. Tạp chí của nhà báo quốc tế có thật không? Thời buổi này cái gì thuộc về lĩnh vực xuất bản mà Google không ra thì khó có của thật. Cái gì không có trên mạng xã hội cũng khó có thật. Và một tạp chí quốc tế không có nổi một trang web là đáng ngờ. Trong thời buổi thông tin số mà lãng phí ba cơ hội để người ta tìm đọc mình – trang mạng riêng, công cụ tìm kiếm, và mạng xã hội – thì không đáng gọi là tạp chí quốc tế. Tôi có tìm ra duy nhất hình ảnh của tạp chí trên một trang mạng của Cộng hoà Séc. Trang này cũng nói tạp chí đã xuất bản được 13 số. Tôi đã email đề nghị được xem hình chụp vài trang của tạp chí và đang đợi họ trả lời.
7. Bằng Tiến sĩ danh dự của nhà báo quốc tế có thật không? Đọc bài đã bị xoá trên trang của Hội Nhà báo nhưng vẫn còn bản sao đã có thể thấy màn lừa đảo quen thuộc lại được lặp lại. Người ta lại thấy người thay mặt Đại học Leeds của Anh trao bằng chính là ông Pavel Janasek. Chỉ cần vào trang web của Đại học Leeds là thấy danh sách 15 người được trao bằng Tiến sỹ danh dự trong năm 2018, đứng đầu là cây piano tài ba người Trung Quốc Lang Lang. Trường cũng có danh sách tất cả những người đã từng được trao bằng danh dự từ năm 1904. Tôi tìm xem kể từ khi tôi sang Anh năm 2000 đã có người Việt nào trong danh sách chưa và kết quả là chưa có ai.
Mọi sự đã rõ ràng thế mà ông nhà báo quốc tế vẫn còn tiếp tục nói đã gửi hồ sơ tới tổ chức quốc tế để họ gửi công hàm sang Việt Nam làm rõ trắng đen. Khi được phóng viên Tiền Phong hỏi đó là tổ chức nào, ông Tuấn trả lời: “Đó là Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại châu Âu -cơ quan chủ quản của Tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế mà tôi đang phụ trách, có chỉ số ISSN quốc tế, trung tâm tại Pháp cấp, có giấy phép xuất bản của Bộ văn hóa Cộng hòa Séc.”
Mong nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn nghĩ ra trò gì mới hơn được không? Trò chủ tịch rởm của hiệp hội rởm mới chưa đầy hai năm tuổi đó nhàm quá rồi.