Belarus, đồng minh của Nga, ngày 7/12 loan báo đang di chuyển quân đội và thiết bị quân sự để chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa khủng bố, giữa những dấu hiệu rằng Moscow có thể gây sức ép buộc Minsk mở một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, người đã dựa vào quân đội Nga để dập tắt một cuộc nổi dậy của quần chúng hai năm trước, đã cho phép đất nước của ông làm bàn đạp cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cho đến nay, ông không cho quân đội của mình tham chiến nhưng những tuần gần đây ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Moscow đang can dự vào Belarus. Hôm 3/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới thủ đô Minsk không báo trước. Ông và người đồng cấp Belarus, Viktor Khrenin, đã ký các tu chính đối với thỏa thuận hợp tác an ninh của hai nước mà không tiết lộ các điều khoản mới.
Ukraine cho hay hàng ngàn binh sĩ Nga đã triển khai tại Belarus kể từ tháng 10 và chính quyền Belarus ngày càng nói về mối đe dọa “khủng bố” từ các dân quân hoạt động từ bên kia biên giới. Ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội trước cuối năm phải tổng hợp thông tin về lực lượng trừ bị.
Ngày 7/12, Hội đồng An ninh Belarus, được hãng thông tấn nhà nước Belta trích dẫn, cho biết quân đội và khí tài sẽ được dịch chuyển trong hai ngày tới, với vũ khí giả được sử dụng để huấn luyện.
Hãng thông tấn không đưa ra thông tin chi tiết về số lượng binh lính hoặc loại khí tài sẽ được di chuyển, địa điểm nào hoặc bản chất của các cuộc tập trận ra sao. Tại Minsk, cư dân cho biết không có dấu hiệu bên ngoài về hoạt động bất thường ở đó.
Thay đổi chiến lược?
Trước đây, một số nhà ngoại giao phương Tây đã hoài nghi về việc Belarus sẽ tham chiến, lưu ý rằng nước này có quân đội tương đối nhỏ và Moscow sẽ cảnh giác với việc khơi dậy sự phản đối của công chúng đối với ông Lukashenko, sẽ khiến ông ta suy yếu chỉ vì lợi ích nhỏ, hai năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ mà ông đã dập tắt một cách thô bạo.
Ông Franak Viacorka, cố vấn của lãnh đạo phe đối lập lưu vong Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, nói với Reuters rằng ông nghĩ việc ông Lukashenko đưa quân Belarus vào Ukraine là “tự sát chính trị”.
“Những người lính sẽ không tuân theo, giới tinh hoa sẽ chia rẽ, các cuộc biểu tình mới sẽ bắt đầu. Ông ấy (Lukashenko) biết điều này. Người Belarus sẽ không chấp nhận điều này và toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ”, ông nói.
“Đối với ông Lukashenko, nguyên trạng là mong muốn nhất: ông ta tăng cường đàn áp, không còn ai chú ý đến (những người bất đồng chính kiến) nữa, và ông ta nhận được sự hỗ trợ của ông Putin với tư cách là một đồng minh độc quyền.”
Các quan chức Ukraine cũng cho biết họ nghi ngờ Nga có đủ quân ở Belarus để tấn công từ đó và thay vào đó, hành động gần biên giới có thể được coi là mồi nhử.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong tháng này rằng họ tin Belarus đang tiến hành một “chiến dịch thông tin nhằm cầm chân lực lượng Ukraine ở biên giới.”
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các hoạt động rầm rộ trong những tuần gần đây cũng có thể là một dấu hiệu xác thực rằng Belarus có thể gửi quân đến.
“Belarus thực sự đã chuẩn bị tham chiến cùng phía Nga trong vài tháng. Mọi khả năng mà họ cần để tham chiến đều đã được thử nghiệm”, ông Konrad Muzyka, một chuyên gia về Belarus của tổ chức cố vấn quốc phòng Rochan Consulting có trụ sở tại Ba Lan, nói với Reuters. Ông mô tả các cuộc diễn tập về huy động quân đội.
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng Belarus đã có quyết định tham chiến... Từ quan điểm chỉ số quân sự, mọi thứ đang hướng tới việc các lực lượng vũ trang Belarus có lập trường hiếu chiến hơn.”
Bên trong Ukraine, các quan chức ngày 7/12 đang nỗ lực để khôi phục điện sau thiệt hại từ một loạt các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga phát động vào ngày 5/12, vài giờ sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào hai căn cứ không quân sâu bên trong Nga.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhưng đã ăn mừng về khả năng mới đạt được để thâm nhập hàng trăm km vào hệ thống phòng không của Nga.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 7/12 rằng Hoa Kỳ đã nói rõ với Ukraine những lo ngại của họ về bất kỳ sự leo thang chiến tranh nào với Nga và không khuyến khích Ukraine tấn công hai căn cứ không quân.
Nhưng “không giống như người Nga, chúng tôi tôn trọng chủ quyền của Ukraine”, bao gồm các quyết định về cách Kyiv sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp, ông John Kirby nói với các phóng viên ở Washington.
Nga đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm nay, nói rằng mối quan hệ chặt chẽ của Ukraine với phương Tây đặt ra một mối đe dọa an ninh. Kyiv và các đồng minh nói rằng hành động của Nga là một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 tuyên bố quân đội của ông có thể chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài, nhưng ông thấy “không hợp lý” khi huy động thêm binh sĩ vào thời điểm này, sau khi huy động 300.000 quân trừ bị vào tháng 9 và tháng 10.
Ông Putin hiếm khi nói về thời gian có thể kéo dài của cuộc chiến, trong khi Nga đã buộc phải thực hiện một loạt các cuộc rút lui đáng kể kể từ tháng 7.
Ông Putin cũng cho biết nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đang gia tăng - đây là động thái mới nhất trong một loạt các cảnh báo như vậy của Nga nhằm ngăn chặn những nước phương Tây ủng hộ Kyiv can thiệp mạnh mẽ hơn - nhưng Nga sẽ không đe dọa sử dụng vũ khí như vậy một cách liều lĩnh.
Ở miền đông Ukraine ngày 7/12, cuộc pháo kích của Nga đã giết chết ít nhất sáu người ở thị trấn Kurakhove, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết trên ứng dụng Telegram dưới đoạn video ghi lại cảnh các tòa nhà bốc cháy.
Kurakhove nằm ở khu vực phía đông Donetsk, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Nga phủ nhận cố ý tấn công dân thường nhưng các thành phố trên khắp Ukraine đã bị lực lượng Nga tấn công dồn dập.
Hàng chục ngàn người đã chết trong chiến tranh, trong đó có ít nhất 6.700 thường dân thiệt mạng, theo thống kê của Liên hiệp quốc.
Trong tài liệu quốc tế mới nhất về những cáo buộc như vậy, văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc công bố một báo cáo hôm 7/12, nêu chi tiết 441 thường dân mà họ cho là đã bị lực lượng Nga giết chết trong các vụ hành quyết và tấn công vào đầu cuộc chiến ở các vùng phía bắc Kyiv, Sumy và Chernihiv.
Bộ ngoại giao và quốc phòng Nga không hồi đáp yêu cầu bình luận. Nga đã phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn sát trên lãnh thổ chiếm đóng.