Cách đây hơn một tháng, một loạt tờ báo “lề đảng” đã đưa tin về một sự kiện đáng chú ý: Tàu container liên vận Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu hoạt động.
Theo thông tin trên các tờ báo, đoàn tàu gồm 33 container 40 feet chứa các loại hàng hoá như nội thất văn phòng, thực phẩm, phụ tùng linh kiện ô tô... xuất phát từ Nam Xương, Giang Tây ngày 22/11 và đến ga Yên Viên, Hà Nội ngày 25/11. Sau khi đến Việt Nam, đoàn tàu quay về cùng các hàng hóa như nông sản, khoáng sản, sản phẩm điện tử... Việc tổ chức chạy tàu giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ 15 ngày bằng đường biển xuống còn 4 ngày; cước phí vận chuyển chỉ bằng một nửa so với đường bộ. Dự kiến, hai bên sẽ tiến hành chạy đều đặn với tần suất 1 chuyến/tuần, rồi nâng dần lên 3 chuyến/tuần.
“Ý đảng” trái “lòng dân”
Nếu sự kiện nói trên là bằng chứng cho thấy sự tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế láng giềng nào đấy thì chắc chắn đó là tin vui cho cả lãnh đạo lẫn nhân dân hai nước.
TBT Nguyễn Phú Trọng cứ việc vô tư hợp tác với Bắc Kinh để họ đào tạo cán bộ cấp cao cho Việt Nam
Tuy nhiên, điều này lại không đúng với hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” Việt Nam - Trung Quốc. Và trong khi một số cơ quan truyền thông nhà nước đưa tin về sự kiện này với thái độ hồ hởi (một số khác tỏ ra bình thản) thì công chúng Việt Nam lại đón nhận thông tin trên vừa bất ngờ, vừa không khỏi âu lo.
Vì sao vậy?
Câu trả lời tưởng không có gì khó hiểu. Đối với ban lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc là một đối tác như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, theo đường lối ngoại giao “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy” của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, đối với phần lớn người Việt, hai chữ Trung Quốc lại đồng nghĩa với hiểm hoạ, mà bằng chứng là từ lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, cũng như từ những vấn nạn “made in China” trên khắp Việt Nam hiện nay. Nghĩa là với họ, Trung Quốc là một “đối tượng” cần thường xuyên đề cao cảnh giác.
Từ “bá quyền”, “xâm lược” đến “4 tốt”, “16 chữ vàng”
Mối quan hệ Việt - Trung dưới thời cộng sản cũng lúc thăng lúc trầm giống như lịch sử hàng ngàn năm trước. Dù vậy, bất kể mối quan hệ đó đang thăng hay trầm, nồng ấm hay lạnh nhạt thì thực tế không bao giờ thay đổi là: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam – một “chân lý” đã được “kiểm nghiệm” qua hàng ngàn năm lịch sử.
“Đỉnh cao” của “chân lý” ấy là việc Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam suốt 10 năm liền, từ năm 1979 đến 1989. Xen giữa quãng thời gian đó là sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 chiến sỹ QĐND Việt Nam và chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988. Hệ quả là trong Lời nói đầu Hiến pháp Việt Nam 1980, Trung Quốc bị vạch mặt, chỉ tên là một quốc gia “bá quyền”, “xâm lược”.
Cuối thập niên 1980, cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội trầm trọng đã dẫn đến sự sụp đổ của một loạt nước XHCN ở Đông Âu. Lo sợ cho số phận của mình, một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo CSVN đã quay sang cầu cứu lãnh đạo Trung Nam Hải. Và từ Hội nghị Thành Đô ngày 3/9/1990, hai nước từng bước bình thường hoá quan hệ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 25/2 đến 2/3/1999 của TBT Lê Khả Phiêu, phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” lần đầu tiên được đưa vào Tuyên bố chung của hai nước. Từ đấy về sau, “16 chữ vàng” ấy luôn xuất hiện trong các bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi quốc gia láng giềng phương bắc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, là “đối tượng” mà người Việt không được phép lơ là, mất cảnh giác.
Chưa hết, trong chuyến công du Việt Nam từ ngày 31/10 đến 2/11/2005 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã được đưa vào Tuyên bố chung Việt - Trung. Và kể từ đó, “16 chữ vàng” và “4 tốt”, những mỹ từ mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia, đã trở thành “một phần tất yếu” của các bản tuyên bố chung Việt - Trung.
Từ “đối tượng” đến “đối tác”
Ngược dòng lịch sử, trong bang giao với quốc gia láng giềng phương Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam thường áp dụng kế sách “trong đế ngoài vương”, một sách lược ngoại giao mềm dẻo và sáng suốt.
Ở trong nước, các vị vua Việt Nam vẫn lên ngôi hoàng đế nhằm thể hiện tinh thần độc lập và bình đẳng với hoàng đế Trung Hoa, song bên ngoài họ lại để cho hoàng đế Trung Hoa phong vương và chấp nhận chế độ triều cống như một nước chư hầu. Những lời lẽ nhún nhường trong các tờ biểu mà hoàng đế Việt Nam dâng lên hoàng đế Trung Hoa hoàn toàn không ảnh hưởng đến vị thế độc lập của Việt Nam trước Trung Quốc, mà chỉ giúp cho các hoàng đế của “vương quốc trung tâm” tự mãn với danh hiệu “thiên triều”, để không có cớ gây sự với Việt Nam.
Trong khi đó, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi quốc gia láng giềng phương bắc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, tức là “đối tượng” mà người Việt không được phép lơ là, mất cảnh giác.
Dưới thời cộng sản, cho dù các nhà lãnh đạo Việt Nam mô tả mối quan hệ Việt - Trung bằng những mỹ từ cao đẹp đến đâu đi nữa, họ cũng không thể che lấp được một sự thật là Trung Quốc vẫn luôn rình rập nhằm phá hoại và thôn tính Việt Nam.
Thậm chí, ngay trong những ngày tháng mặn nồng nhất của “mối tình cộng sản” Việt - Trung, Bắc Kinh đã đưa quân sang “giúp” Việt Nam làm đường theo kiểu “rất Tàu” như thế này: đặt mìn tiêu huỷ “hòn đá Liễu Thăng” tại Lạng Sơn; ở Côn Sơn, nơi ẩn cư của Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi, họ đã đào xuyên ngang dọc quả núi thành đường hầm và bít cửa vào, không ai biết họ làm gì trong đó; nhiều di tích như An Sinh, nơi gần đây mới xây đền thờ các vị vua Trần, hết thảy tượng đá thời Trần đều bị phạt cụt đầu hoặc bắn vào bụng; ở Ngọa Vân am, tháp Phật Hoàng đựng xá lị Trần Nhân Tông và tháp Đoan Nghiêm cổ kính bị đào rỗng ruột, toàn bộ bài vị trong tháp bị đập nát, tấm bia do Trịnh Căn lập bị đập thành ba bảy mảnh, 13 ngọn tháp đứng thành một hàng chạy xuống phía Tây Nam đều bị phạt ngang, phía dưới có một đường hầm lộ thiên đào thông tháp nọ với tháp kia (nhằm phá long mạch nhà Trần lừng lẫy chiến công chống giặc phương Bắc, tức là phá long mạch Việt Nam chăng?); khai thác trộm của cải, thăm dò ngầm tài nguyên, địa thế...
Mặc dù “16 chữ vàng” và “4 tốt” đã được lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc xác định là “kim chỉ nam” cho mối quan hệ giữa hai bên, song suy cho cùng thì đó cũng chỉ là ngôn ngữ ngoại giao. Chúng chẳng khác gì mấy so với tinh thần của những tờ biểu mà các hoàng đế Việt Nam ngày xưa vẫn dâng lên hoàng đế Trung Hoa, hay những bức “điện mừng” mà nguyên thủ hai quốc gia láng giềng thù nghịch Toracanxi và Hopantomola vẫn cấp tập gửi cho nhau ngay trước khi lao vào nhau để quyết một phen sống mái. Và kể từ năm 1979 đến nay, Việt Nam vẫn bố trí một lực lượng quân sự hùng hậu và tinh nhuệ thường trực tại các tỉnh biên giới phía bắc, mà lý do chủ yếu là để đề phòng đội quân xâm lược từ bên kia biên giới.
Vậy điều gì đã góp phần quyết định khiến các bản tuyên bố chung Việt - Trung thời gian sau này luôn kèm theo những thoả thuận hợp tác cụ thể và nguy hại, dẫn đến thực trạng báo động đỏ hiện nay là đâu đâu trên khắp Việt Nam người ta cũng thấy bàn tay lông lá của Tàu cùng những hiểm hoạ “made in China” lơ lửng trên đầu dân tộc?
Thật trớ trêu, thủ phạm hoá ra lại là “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới” do Hội nghị Trung ương 8 khóa IX thượng tuần tháng 7 năm 2003 đề ra và Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” do Hội nghị Trung ương 8 khoá XI ban hành. Chính xác hơn, đó là sự mơ hồ, ngây thơ và chủ quan khi định nghĩa khái niệm “đối tượng” và “đối tác”, cũng như chủ trương biến đối tượng thành đối tác, trong hai văn kiện đóng vai trò “kim chỉ nam” cho hệ thống chính trị liên quan đến nhiệm vụ tối quan trọng là bảo vệ Tổ quốc.
Khi dẫn ra câu “không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn” trong hai nghị quyết nêu trên, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã (cố tình) bỏ qua điểm quan trọng nhất: người đầu tiên phát ngôn câu đó – Lord Palmerston – là một ngoại trưởng và về sau trở thành thủ tướng Anh, chứ không phải là một hoàng đế Việt Nam, và địa chính trị nước Anh hoàn toàn khác với địa chính trị Việt Nam. Tiền đề sai lầm đó đã dẫn đến hàng loạt sai lầm trong việc định nghĩa “đối tượng” và “đối tác”, cũng như sự ngây ngô, duy ý chí trong chủ trương biến đối tượng thành đối tác.
Và kết cục tất yếu
Việc “đối tượng” Trung Quốc được ban lãnh đạo Việt Nam phù phép thành “đối tác” đã mở đường cho việc hai nước ký kết hàng loạt thoả thuận hợp tác nguy hại cho Việt Nam, đặc biệt là mỗi dịp lãnh đạo nước này thăm viếng nước kia, vốn diễn ra với tần suất xoành xoạch. Kết quả là vô số người Tàu lũ lượt theo chân hàng trăm “dự án kinh tế” – đến 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – trên khắp Việt Nam, từ một Hà Nội ồn ào náo nhiệt đến những cánh rừng đầu nguồn biên giới xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng.
“Đối tượng” Trung Quốc đã trở thành “đối tác” nên TBT Nguyễn Phú Trọng cứ việc vô tư hợp tác với Bắc Kinh để họ đào tạo cán bộ cấp cao cho Việt Nam hay phó thác cho họ nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho một loạt tỉnh biên giới.
Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam còn đang đứng trước làn sóng xâm lăng kinh tế mới của “đối tác tốt” Trung Quốc thông qua những phương thức như “tàu container liên vận”, thương mại điện tử, mua bất động sản hay thâu tóm doanh nghiệp… bất chấp thực tế những gì mà các doanh nghiệp Trung Quốc đem đến cho người dân Việt Nam luôn “lợi bất cập hại”.
Không còn nghi ngờ gì, chủ trương biến đối tượng thành đối tác trên thực tế đã trở thành sai lầm chiến lược vô cùng nguy hiểm của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam.