Biển Đông là ao nhà của Trung Quốc?

Ảnh chụp ngày 20/7/2012 cho thấy đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc gần Bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa. Ði kèm với đoàn tàu cá là tàu hộ tống có trọng tải 3.000 tấn, và một tàu làm công tác bảo vệ.

Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã tái khẳng định ý muốn giải quyết những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các cuộc thương thuyết. Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ 6 (07-09-2012) ở Vladivosktok, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói với người tương nhiệm phía Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng Hà Nội sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh để giải quyết vụ tranh chấp thông qua các cuộc hiệp thương hòa bình và hữu nghị. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không có nhiều hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua đàm phán vì sự chênh lệch quá lớn giữa sức mạnh của Trung Quốc với các nước láng giềng và mục tiêu của Trung Quốc là làm cho mọi nước trong khu vực chấp nhận vị thế lãnh đạo của Trung Quốc, chứ không giới hạn ở chỗ đòi chủ quyền biển đảo.

Your browser doesn’t support HTML5

Biển Ðông là ao nhà của Trung Quốc


Hôm thứ 6 (07-09-2012), Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, trong khi đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Nga, đã có một cuộc họp riêng với người tương nhiệm phía Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Theo tin của Tân Hoa Xã, tại cuộc họp này ông Trương Tấn Sang nói với ông Hồ Cẩm Đào rằng Việt Nam “sẵn sàng làm việc với Trung Quốc dựa trên lợi ích chiến lược của cả hai nước để thực thi nhận thức chung của các nhà lãnh đạo Việt-Trung và sẽ cố gắng để nhanh chóng giải quyết những vụ tranh chấp ở Biển Đông thông qua hiệp thương hòa bình và hữu nghị.” Về phần mình, ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận quan hệ hai nước hồi gần đây đã gặp phải một số khó khăn vì những vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và đề nghị đôi bên “tránh thực hiện những hành động đơn phương làm cho vụ tranh chấp bị khuyếch đại hóa, phức tạp hóa và quốc tế hóa.” Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói rằng đôi bên nên tìm kiếm giải pháp chính trị cho vụ tranh chấp, tiến hành đàm phán song phương và hiệp thương hữu nghị, và kiên quyết theo đuổi chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác.” Tân Hoa Xã không cho biết ông Hồ Cẩm Đào có nhắc tới tiền đề “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” của chủ trương “cùng nhau khai thác” hay không.

Hai ngày trước đó, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã nhắc lại lập trường “đàm phán trực tiếp và hiệp thương hữu nghị” để giải quyết những vụ tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà ông nói rằng Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng biển lân cận. Ông Dương Khiết Trì đã gián tiếp bác bỏ đường lối đàm phán đa phương mà Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á cổ xướng, trong lúc báo chí nhà nước Trung Quốc tố cáo Washington “khuấy động những vụ tranh chấp” ở Biển Đông để đạt mục tiêu “đục nước béo cò.” Ông Dương Khiết Trì tuyên bố như sau:

"Vụ tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo thuộc quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và những đòi hỏi chồng chéo nhau về quyền lợi hải dương đối với một số vùng biển ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) nên do các nước có liên hệ trực tiếp giải quyết với nhau, thông qua đàm phán trực tiếp và hiệp thương hữu nghị, dựa trên cơ sở của sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế."

Về phần mình, Ngoại trưởng Clinton đã nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp, nhưng các bên liên hệ cần phải giải quyết vụ tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình.

Bà nói: "Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực nên hợp tác với nhau để giải quyết các vụ tranh chấp mà không có sự cưỡng ép, không có sự hăm dọa, không có sự đe dọa và dứt khoát là không có sự sử dụng vũ lực."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng một lần nữa thúc giục Trung Quốc đàm phán với khối ASEAN để ký kết một bộ qui tắc ứng xử nhằm xử lý vụ tranh chấp. Sau đây là phát biểu của Ngoại trưởng Clinton:

"Lợi ích của chúng tôi nằm ở chỗ duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hải hành, và hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở. Và với tư cách là một nước bạn của các quốc gia có liên hệ trong vụ tranh chấp, chúng tôi thật tâm tin rằng việc Trung Quốc và ASEAN cùng nhau tiến hành các hoạt động ngoại giao để tiến tới mục tiêu chung là một bộ qui tắc ứng xử là phù hợp với lợi ích của tất cả các nước."

Ông Dương Khiết Trì đã lập lại lời hứa mà ông đưa ra với bà Clinton hồi tháng 7 là Trung Quốc “rốt cuộc” sẽ đồng ý thương thảo với các nước thành viên ASEAN về một bộ qui tắc ứng xử.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tình hình Á châu cho rằng không có nhiều hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua đàm phán. Ông Robert Kaplan, một nhà nghiên cứu chiến lược ở Washington, nói rằng Trung Quốc hiện đang nắm trong tay mọi lá bài và việc thương thuyết khó lòng mang lại kết quả mong muốn vì “các vấn đề liên hệ quá phức tạp trong khi sự mất cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc với mỗi nước láng giềng của họ lại quá lớn.”

Ông Tăng Nhuệ Sinh (Steve Tsang), Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc của Đại học Notingham ở Anh, cũng có một nhận định tương tự. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:

"Điều mà Trung Quốc đang thật sự theo đuổi chẳng phải là chủ quyền lãnh thổ mà là làm thế nào để cho khu vực này chấp nhận đó là khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, để tất cả các nước trong khu vực chấp nhận vị thế lãnh đạo, ngôi vị bá chủ của Trung Quốc. Và khi họ đã chấp nhận như vậy, họ sẽ không muốn Hoa Kỳ can dự vào công việc trong khu vực, và như thế khu vực này sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc."

Các nhà quan sát tình hình Biển Đông cho biết giữa lúc việc thương thuyết chưa được khởi sự, những cuộc khẩu chiến giữa các bên -- nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, đã trở lên kịch liệt hơn trong thời gian gần đây và đã xảy ra những vụ đối đầu của tàu bè vũ trang trong vùng biển có tranh chấp. Ông David Arase, giáo sư chính trị học của Đại học Pomona ở California, nói “Vấn đề là hai bên đang tiến gần hơn tới những lằn ranh đỏ đã được vạch, nên không gian cho phép lầm lẫn đang thu hẹp dần.” Ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy ở Australia, cho rằng mối rủi ro xảy ra xung đột quân sự đang mỗi ngày một tăng, mặc dù rất khó tưởng tượng là sẽ có một cuộc chiến tranh toàn diện vì vấn đề Biển Đông.

Ông Medcalf nói: "Có một mối rủi ro nhỏ và tôi nghĩ rằng đây là một mối rủi ro ngày càng tăng là một vụ việc trên biển có thể leo thang thành một vụ xung đột giữa Trung Quốc với một trong các lân bang của họ. Và đây chính là điều khiến cho mọi người ai nấy cũng đều cảm thấy lo ngại."

Ông Ian Storey, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho đài VOA biết rằng những sự mâu thuẫn về quyền đánh cá và khai thác dầu khí có thể dẫn tới một vụ đụng độ quân sự. Ông nói: “Phát sinh từ việc tính toán lầm, cảm nhận lầm hoặc việc liên lạc tiếp xúc không hiệu quả, sớm muộn gì thì một trong những vụ đụng độ này sẽ đưa tới thiệt hại nhân mạng.”

http://www.youtube.com/embed/spR432_eWcc