Biểu tình tiếp tục ở Mỹ

Ngườ biểu tình chặn một ngã tư ở trung tâm thủ đô Washington trong một cuộc biểu tình, ngày 6 tháng 12, 2014.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp nước Mỹ phản đối việc các cảnh sát viên da trắng làm thiệt mạng những người da đen không vũ khí mà không bị đại bồi thẩm đoàn truy tố. Các cuộc biểu tình đã diễn ra hôm thứ Bảy tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, trong đó có New York, Washington, Chicago, Detroit, Los Angeles, Houston và Seattle.

Nhiều người biểu tình đã nằm trên sàn nhà của các cửa hàng lớn, chặn các con đường chính và hô khẩu hiệu “mạng người da đen là quan trọng.”

Cuộc biểu tình tại thành phố Berkeley ở miền bắc tiểu bang California đã biến thành bạo động khi những người biểu tình mang mặt nạ xô xát với cảnh sát, đập bể cửa kính và hôi của tại các cửa hàng. Hai nhà ga trung chuyển đã đóng cửa khi tình hình lộn xộn diễn ra.

Tổng thống Barack Obama hứa sẽ giải quyết điều ông gọi là “sự mất lòng tin bị kìm nén” giữa các sắc dân thiểu số với cảnh sát.

Các vụ biểu tình mới nhất bắt đầu từ hôm thứ Tư khi một đại bồi thẩm đoàn ở New York quyết định không truy tố cảnh sát viên Daniel Pantaleo đã siết cổ khiến ông Eric Garner chết. Ông Garner, 43 tuổi, có sáu đứa con. Trong băng video chiếu cảnh ông Garner bị bắt, ông thều thào “tôi không thở được” khi ông bị cảnh sát quật xuống đất.

Quyết định đó được loan báo chín ngày sau khi một đại bồi thẩm đoàn khác ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri phán quyết không truy tố cảnh sát viên Darren Wilson đã bắn chết Michael Brown, 18 tuổi, hồi tháng 8.

Mục sư Al Sharpton, một nhà hoạt động cho dân quyền, loan báo kế hoạch biểu tình tại thủ đô Washington vào thứ Bảy tới. Ông kêu gọi tham gia Cuộc tuần hành toàn quốc chống bạo động của cảnh sát để phản đối việc giết hại ông Garner, Borwn và những người khác.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về các vấn đề của các sắc dân thiểu số, bà Rita Izsak, đề nghị xem xét lại hoạt động cảnh sát của Mỹ. Bà nói hai quyết định của đại bồi thẩm đoàn “đã để lại nhiều sự lo ngại chính đáng liên quan đến kiểu miễn tố khi nạn nhân của hành động sử dụng vũ lực thái quá là người Mỹ gốc Phi châu hoặc thuộc các cộng đồng thiểu số khác.