Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngỏ lời cảm ơn “chính quyền Việt Nam và những người dân Việt Nam tuyệt vời” đã tiếp đón ông hôm 15/4, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho hay. “Chúng tôi hơn bao giờ hết cam kết nâng tầm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cùng hợp tác để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", vẫn lời ông Blinken.
Đại sứ quán Mỹ đăng kèm lời cảm ơn là một số bức ảnh chụp vị ngoại trưởng Mỹ, bao gồm một bức cho thấy ông và các quan chức tháp tùng ăn cơm trong một quán ở Hà Nội, họ uống bia 333 và bia Sài Gòn.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, trong khi đông đảo người xem ảnh tỏ ý khen ngợi phong cách “khiêm tốn”, “gần gũi”, “dễ mến”, “bình dân” của một ngoại trưởng Mỹ, cũng có một số người bày tỏ “ngậm ngùi” vì loại bia ông uống giờ do doanh nhân Thái quản lý, và sâu xa hơn là mối lo khi người Thái thôn tính dần các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Thái Lan, ThaiBev, của một tỷ phú gốc Hoa đã chi gần 5 tỷ đô la hồi năm 2017 để thâu tóm xấp xỉ 53,6% cổ phần hãng bia Sài Gòn, Sabeco, nơi sản xuất ra các thương hiệu bia như 333, Sài Gòn…
Các số liệu của hãng công bố cho thấy lũy kế cả năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế gần 5 nghìn 500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021, và đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Sabeco kể từ khi về tay người Thái cuối năm 2017.
Lợi nhuận gia tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc vị chủ người Thái thụ hưởng số tiền cổ tức khủng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, nói với VOA rằng việc Sabeco – hãng sở hữu những thương hiệu uy tín và rất có lãi – nay thuộc sự sở hữu nắm quyền chi phối của doanh nhân Thái là điều “đáng tiếc”.
Trong nhiều năm trở lại đây, chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc tư nhân hóa một phần hoặc toàn phần các doanh nghiệp nhà nước, được gọi là “cổ phần hóa”, để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đó, đồng thời giảm bớt gánh nặng quản lý, điều hành lẫn sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.
“Những doanh nghiệp nhà nước có tính chiến lược quan trọng thì nhà nước Việt Nam sẽ giữ cổ phần đủ lớn để kiểm soát. Còn những doanh nghiệp nào nhà nước đánh giá là không quan trọng thì có thể để các nhà đầu tư nước ngoài mua, dần dần mua lại”, tiến sĩ Doanh nói.
Báo chí Việt Nam dẫn lại dữ liệu của Bộ Tài chính cho hay trong giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi hãng có quy mô lớn là Sabeco được bộ đánh giá là “đạt hiệu quả cao”, tương tự là các thương vụ với Vinamilk, Vinaconex, v.v…
Trong khi Bộ Tài chính dường như có cái nhìn tích cực về việc Sabeco nằm dưới sự chi phối của người Thái, báo chí và dư luận Việt Nam bày tỏ lo ngại khi thấy các doanh nhân Thái đẩy mạnh các hoạt động thâu tóm, thôn tính các doanh nghiệp ở Việt Nam trong một loạt các lĩnh vực gồm bán lẻ, nước giải khát, bao bì, chăn nuôi và năng lượng thời gian qua.
Một số thương vụ đình đám là Central Group thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi, thâu tóm chuỗi siêu thị Big C rồi đổi tên thành GO!.
TCC mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam và đổi tên thành MM Mega Market.
Tập đoàn Siam Cement Group mua lại 70% vốn tại hãng sản xuất nhựa Duy Tân, đồng thời cũng quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng-vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Super Energy Corporation sở hữu 10 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió tại Việt Nam.
Những người am hiểu kinh tế đưa ra quan sát rằng khi người Thái nói riêng và các chủ doanh nghiệp nước ngoài nói chung nắm quyền sở hữu chi phối các doanh nghiệp Việt, họ có lợi thế đưa hàng hóa từ nước họ vào tiêu thụ ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội ngày càng bị thu hẹp hoạt động, thậm chí phải “khai tử”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích với VOA rằng tình hình kể trên diễn ra vì Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, cũng như mở rộng cửa cho các nhà đầu tư ngoại, trong khi các doanh nghiệp nội “chưa lớn mạnh đủ nhanh để cạnh trạnh”. Ông nói thêm:
“Vì vậy, [nhà nước] Việt Nam sẽ phải xem xét lại những lĩnh vực nào phải đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm quyền kiểm soát của Việt Nam vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân và của quốc gia”.
Hôm 12/4, chính phủ Việt Nam ban hành nghị quyết trong đó nêu mục tiêu đến năm 2025 “phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp” và “tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”.
Một số bài báo ở Việt Nam cho rằng đó là mục tiêu rất tham vọng, khó đạt được nếu xét đến thực tế là kinh tế của đất nước “lịm đi” trong thời gian gần đây, số doanh nghiệp “chết đi” nhiều hơn số doanh nghiệp mới ra đời.
Nhiều nhà kinh doanh ở Việt Nam nói trong các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí chính thống hoặc bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ không thể hoặc không muốn làm ăn lớn do bị nhũng nhiễu hoặc vướng phải nhiều quy định luật pháp có tính chất trói buộc, theo quan sát của VOA.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đồng ý về thực trạng đó và nêu lên ví dụ điển hình là thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng trưởng rất thấp.
Về lối thoát cho điều kể trên, tiến sĩ Doanh nói: “Liên đoàn Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam VCCI đã có kiến nghị để tạo điều kiện cởi trói để các doanh nghiệp có thể phát triển. Tp.HCM nói riêng muốn có những giải pháp, những chính sách đặc thù để Tp.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân”.
Số liệu của Việt Nam hồi tháng 1 năm nay cho thấy kinh tế tư nhân có phần đóng góp chiếm 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.