Một trong những blogger nổi tiếng của Việt Nam vừa bị bắt vì điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, trường hợp mới nhất trong loạt bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động khiến hồ sơ nhân quyền của Hà Nội tiếp tục bị lưu ý.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị công an khám xét nhà, thu giữ một số tài sản, và giải đi trưa nay từ nhà riêng ở Nha Trang.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, cho VOA Việt ngữ biết:
'11giờ rưỡi trưa nay, chúng tôi vừa dọn cơm ăn thì rất đông công an ập vào. Họ khám nhà và đọc lệnh bắt con tôi theo khoản 1, điều 88, tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, lệnh tạm giam đầu tiên 4 tháng. Họ lấy đi điện thoại, iPad, máy vi tính, kể cả đầu ổ cứng camera an ninh của gia đình.’
Blogger Mẹ Nấm bị bắt khi đang đấu tranh cho mẹ một tù nhân lương tâm được thăm gặp con mình.
Bà Lan cho hay trước khi lên xe công an, cô Quỳnh nhờ bà liên lạc với luật sư và nói rằng cô sẽ giữ quyền im lặng đến khi được gặp luật sư.
Bà Lan nói con bà bị nhắm mục tiêu trấn áp, đe dọa kể từ khi công khai thể hiện quan điểm trái chiều với nhà nước về vấn đề chủ quyền biển đảo, và lệnh bắt cô Quỳnh hôm nay có liên quan đến các hoạt động đòi xử lý minh bạch thảm họa ô nhiễm môi trường miền Trung do Formosa gây ra.
Bà Tuyết Lan:
‘Điều làm họ khó chịu nhất là con tôi đòi họ phải nói lên sự thật, phải công bố cho mọi người biết biển nhiễm độc bao nhiêu, bao giờ biển sạch. Đòi hỏi của con tôi là chính đáng cho mọi người, mà ngược lại, họ đánh con tôi, họ ép xe, họ không từ một thứ gì từ dằn mặt, dọa chết, cho tới gọi điện tới nhà hăm bắt cóc…Chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng này từ ngày 2/9/2009 tới nay khi con tôi kêu gọi bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa và không khai thác bauxite Tây Nguyên.’
Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam không xa lạ với giới bất đồng chính kiến trong nước và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới với rất nhiều bản án hạ uy tín nhân quyền của Hà Nội.
Theo các nhà quan sát, vụ bắt giữ Như Quỳnh có thể là một tín hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang vực dậy các điều luật bị chỉ trích lâu nay như 88 hay 79 sau vài năm tạm ngưng do áp lực quốc tế.
Một nhà vận động xã hội dân sự trong nước nói chiến thuật này của Hà Nội chẳng thể làm nao núng những tiếng nói khao khát tự do.
Anh Hoàng Dũng, thành viên phong trào Con đường Việt Nam:
‘Với những người hoạt động như chị Quỳnh, họ cảm thấy chuyện bị bắt thế này là chuyện hết sức bình thường. Tất nhiên sẽ đến, chậm hay sớm mà thôi, chẳng hạn mai mốt tôi bị bắt, tôi cũng chẳng thấy có gì lạ. Chuyện bắt bớ này chỉ sẽ dừng lại khi Việt Nam thay đổi, tức là cộng sản độc tài không còn nữa. Nhân vụ việc này, tôi nghĩ rằng những nhà hoạt động trong nước cần tiếp tục tập trung yêu cầu xóa bỏ những điều luật bất công trong Bộ luật Hình sự chuyên dùng để bắt người. Chính vẫn là thức tỉnh những người trong nước và lan tỏa tinh thần đấu tranh cho càng nhiều người càng tốt. Những áp lực bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ.’
Mẹ của Như Quỳnh nói nguyện vọng của bà lúc này cũng chính là trăn trở của người dân Việt Nam về một xã hội tôn trọng nhân quyền:
‘Tôi chỉ mong thế giới hãy giúp cho chúng tôi được quyền làm con người thật sự, chứ đừng bắt chúng tôi phải sống câm nín, chịu nhục nữa. Hãy cho chúng tôi được quyền nói. Chúng tôi không làm gì phạm luật hết. Những gì chúng tôi nói là ích lợi cho mọi người. Xin hãy giúp chúng tôi được làm người, được phát biểu những suy nghĩ của mình. Xin đài VOA chuyển những lời khẩn thiết của tôi đến với mọi người trên thế giới để họ biết rằng chúng tôi đang sống trong sự sợ hãi và khủng bố.’
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một thành viên chủ chốt trong Mạng lưới Blogger Việt Nam, năm ngoái được tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vinh danh vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.
Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.