Bloomberg: TT Trump không thắng Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Hình ảnh ông Trump và ông Tập hồi tháng 8/2019 khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nổi tiếng với một ý kiến đăng trên Twitter năm 2018, trong đó, ông viết rằng “các cuộc chiến thương mại thì tốt và dễ thắng”. Khi đó, ông bắt đầu áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la. Thực tế cho thấy ông Trump đã sai về cả hai mặt, theo Bloomberg.

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu từ trước thời ông Trump, song ông đã mở rộng cuộc chiến với các mức thuế và lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có đối với các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, "Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, không thể nghĩ rằng ta có thể cắt nó ra như cắt một đồ chơi bằng giấy được. Chính quyền của ông Trump đã nhận được một lời cảnh tỉnh", Mary Lovely, giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, nói trong bản tin của Bloomberg.

Dưới đây là những điểm chính mà Bloomberg tổng kết về cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động.

Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng

Ông Trump tuyên bố khi vận động bầu cử 2016 là ông sẽ rất nhanh chóng "bắt đầu đảo ngược" thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thâm hụt với Trung Quốc đã tăng lên kể từ đó, đạt 287 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2020, theo dữ liệu của Trung Quốc.

Mức thâm hụt có giảm vào năm 2019 so với năm trước, do các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, nhưng vẫn cao hơn mức thâm hụt 254 tỷ đô la của năm 2016. Một phần nguyên nhân là Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 110 tỷ đô la, làm giảm lượng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, và tình hình chỉ bắt đầu phục hồi trong vài tháng cuối năm 2020.

Trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký một năm trước, Bắc Kinh hứa sẽ nhập khẩu hàng hóa Mỹ trị giá lên tới 172 tỷ đô la vào năm 2020, nhưng đến cuối tháng 11, họ mới chỉ mua lượng hàng bằng 51% của mục tiêu đó.

Tình trạng thâm hụt dai dẳng cho thấy các công ty phải phụ thuộc ra sao vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, điều này càng được đại dịch Covid-19 làm rõ hơn. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng tăng sản lượng trên quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các hàng hóa như máy tính để làm việc ở nhà và thiết bị y tế.

Cỗ máy xuất khẩu của TQ vẫn tiến đều

Thực tế cho thấy cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc diễn ra cùng lúc Trung Quốc lại gia tăng xuất khẩu. Sau khi giảm liên tiếp trong hai năm 2015 và 2016, tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng đều đặn hàng năm sau khi ông Trump nhậm chức, kể cả vào năm 2019 khi xuất khẩu sang Mỹ giảm.

Khối 10 quốc gia Đông Nam Á đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019. Sự chuyển dịch sang châu Á có thể sẽ còn tiếp tục do các nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển trong thập kỷ tới. Những liên kết thương mại đó sẽ được củng cố hơn nữa nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào cuối năm ngoái, theo đó, 15 nền kinh tế khu vực sẽ dần dần giảm bớt một số thuế quan đối với hàng hóa của nhau.

Một cửa hàng của hãng Apple ở Hàng Châu, Chiết Giang, TQ

Các công ty Mỹ ở lại Trung Quốc

Ông Trump nói rằng thuế quan sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ chuyển nhà xưởng về nước và trong một bài đăng lên Twitter năm 2019, ông đã “ra lệnh” cho họ “ngay lập tức bắt đầu tìm nơi thay thế cho Trung Quốc”. Nhưng chẳng có mấy bằng chứng là có sự thay đổi nào như vậy.

Đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Trung Quốc tăng nhẹ từ 12,9 tỷ đô la năm 2016 lên 13,3 tỷ đô la vào năm 2019, theo dữ liệu của Rhodium Group.

Khi được khảo sát vào tháng 9/2020, hơn 3/4 trong số hơn 200 nhà sản xuất Hoa Kỳ ở Thượng Hải và vùng ven cho biết họ không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty Mỹ thường viện dẫn rằng thị trường tiêu dùng Trung Quốc có mức tăng trưởng nhanh kết hợp với năng lực sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc chính là lý do để họ mở rộng sản xuất, kinh doanh ở đó.

Cả Mỹ lẫn TQ đều chịu thiệt hại kinh tế

Theo Yang Zhou, một nhà kinh tế học tại Đại học Minnesota, Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức bằng hoặc hơn 6% trong cả năm 2018 lẫn 2019, trong tình cảnh thuế quan làm giảm mất khoảng 0,3% GDP vào hai năm đó. Vẫn theo ước tính của bà Yang Zhou, chiến tranh thương mại khiến Hoa Kỳ thiệt hại 0,08% GDP so với cùng kỳ. Người được hưởng lợi rõ ràng nhất là Việt Nam, cuộc chiến thuế quan (giữa Mỹ và Trung Quốc) giúp Việt Nam tăng gần 0,2 điểm phần trăm GDP vì các công ty di chuyển hoạt động sản xuất.

Thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ là chính

Ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng chính Trung Quốc phải trả tiền cho các mức thuế. Các nhà kinh tế phân tích các con số và ngạc nhiên thấy rằng nhìn chung các nhà xuất khẩu Trung Quốc không hạ giá để duy trì tính cạnh tranh cho hàng hóa của họ sau khi bị áp thuế. Điều đó có nghĩa là tiền thuế hầu hết đều do các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải nộp.

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, thuế quan đã dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại thu nhập 16,8 tỷ đô la vào năm 2018.

Trong khi đó, thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phần nào làm giảm xuất khẩu của Hoa Kỳ. Đó là vì khi chuỗi cung ứng được toàn cầu hóa, cũng có nghĩa là nhiều quốc gia cùng tham gia hoạt động sản xuất, thì Hoa Kỳ đã làm tăng chi phí sản xuất ra hàng hóa Mỹ khi đánh thuế đối với các cấu phần hay nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phân tích dữ liệu mật của các công ty và thấy rằng khối các công ty chiếm 80% lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ đã phải trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vì thế làm giảm xuất khẩu của Mỹ.

Trung tâm công nghiệp Mỹ không hồi phục

Hồi 2016, ông Trump vận động tranh cử với cam kết mạnh mẽ là sẽ hồi sinh Vành đai Gỉ sét, tức các bang từng là trung tâm công nghiệp nặng nhưng bị suy thoái trong nhiều năm. Giải pháp ông Trump đưa ra là đấu tay đôi với Trung Quốc và mang việc làm về nước Mỹ. Điều đó đã không có hiệu quả.

Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực chế tạo của Hoa Kỳ đi ngang trong năm 2019, một phần do xuất khẩu giảm. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Michael Waugh tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, ngay cả những khu vực có các ngành công nghiệp - như ngành thép chẳng hạn - là những nơi được bảo hộ rõ ràng nhờ việc ông Trump đánh thuế, thì công ăn việc làm vẫn sụt giảm, thực tế đó nói lên rằng chiến tranh thương mại dường như không làm thay đổi hướng đi của ngành chế tạo Mỹ.

Một lò thép bị bỏ hoang ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, thuộc Vành đai Gỉ sét (ảnh chụp tháng 4/2011)

Trung Quốc thay đổi theo nhịp độ riêng

Chính quyền ông Trump tuyên bố rằng thuế quan mang lại lợi thế đòn bẩy trong đối phó với Trung Quốc, nhờ đó, buộc Trung Quốc phải thực hiện cải cách làm lợi cho các công ty Mỹ.

Chiến thắng lớn nhất mà chính quyền ông Trump tuyên bố giành được trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại là việc Bắc Kinh hứa tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng điều đó có lẽ cũng nhằm phục vụ lợi ích của chính Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đã trả cho Mỹ số tiền kỷ lục 7,9 tỷ đô la cho các khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ vào năm 2019, tăng từ mức 6,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016. Tòa án của Trung Quốc cũng tuyên phạt với mức kỷ lục đối với vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ. Nhưng mức tăng đó chậm hơn so với các khoản tiền mà Trung Quốc trả cho toàn thế giới về sở hữu trí tuệ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, điều này cho thấy các khoản thanh toán của Trung Quốc dành cho Mỹ chỉ là một phần trong một xu hướng chung.

Washington cũng không thể buộc Trung Quốc phải có bất kỳ cam kết quan trọng nào về cải cách các doanh nghiệp nhà nước, vốn cũng được coi là một lý do chính cho việc đánh thuế.

Từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh công nghệ

Giờ đây, Tổng thống đắc cử Biden có quyền quyết định có tiếp tục cuộc chiến thương mại hay không. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Biden cho biết sẽ không xóa bỏ thuế quan ngay mà thay vào đó sẽ rà soát lại thỏa thuận giai đoạn 1.

So với chuyện thuế quan, Trung Quốc lo ngại hơn về cuộc xung đột công nghệ đang ngày càng leo thang. Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu do Washington áp đặt đã đe dọa khả năng tồn vong của các công ty công nghệ hàng đầu như Huawei Technologies và nhà sản xuất vi chip Semiconductor Manufacturing International. Đó là mối đe dọa hiện hữu đối với các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Hai nhà nghiên cứu tại một trường đảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, viết trong một bài báo rằng: “Nếu Mỹ tiếp tục gia tăng phong tỏa công nghệ, thì quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc để đạt đến mức độ cao cấp trong chuỗi công nghiệp toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.

(Bloomberg)