Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Đông, bố của công nhân Việt bị cảnh sát Đài Loan bắn chết, nói với VOA rằng ông “bức xúc” vì bị đại diện của chính phủ mà ông đã dùng chính xương máu cống hiến nhiều năm bỏ rơi trên xứ người.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã yêu cầu nhà chức trách Đài Loan giải quyết sự việc theo đúng pháp luật.
Ngày 19/9, trong cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nói “Chúng tôi đã tiếp xúc với chính phủ Đài Loan và yêu cầu họ giải quyết vụ việc theo pháp luật”.
Ông Trần Duy Hải nói thêm rằng ông vui mừng khi biết Cơ quan thanh tra của Đài Loan, Control Yuan, đang điều tra vụ này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Đông, bố của Nguyễn Quốc Phi, công nhân 27 tuổi bị cảnh sát Đài Loan bắn chết ngày 31/8, cho VOA biết trong nhiều tuần lễ ở Đài Loan để lo việc của con trai, ông không nhận được sự trợ giúp lẽ ra phải có từ phía đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Sau khi được công ty môi giới tại Việt Nam đài thọ qua tới Đài Bắc hôm 5/9, ông Đông cho biết ông đã tìm ngay đến đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam để nhờ hỗ trợ.
Người cựu chiến binh có nhiều năm tuổi Đảng nói ông đã thảo luận với đại diện của Việt Nam trong tư cách “đồng chí”:
“Là đồng chí với nhau, bây giờ các đồng chí là đại diện cho chính phủ ở bên này thì các đồng chí phải có trách nhiệm cùng đồng hành với gia đình để cùng với nhà nước Đài Loan và người chiến sĩ cảnh sát đã bắn đó để làm thế nào cho êm đẹp. Nếu không êm đẹp được bằng thỏa thuận thì rõ ràng chúng tôi phải ra tòa. Khi ra tòa thì các anh phải chịu trách nhiệm vì các anh quản lý con người bên này. Chứ không phải dửng dưng mà con tôi vượt ra, chạy thẳng qua bên này làm việc, mà phải qua hai nhà nước”.
Sau khi nói rằng con trai ông “có tội”, đại diện của Việt Nam khuyên ông nên hòa giải và “không nên tiến hành các bước khác”.
Ông Đông nói với VOA rằng dù rất mong mọi chuyện được “giải quyết êm đẹp”, nhưng phản ứng của đại diện Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam đã khiến ông thất vọng và bức xúc.
“Chúng tôi không đồng hành với quan điểm của Văn phòng đại diện ở Đài Bắc là anh Hải. Anh ấy có nói thế này: ‘Bác thỏa thuận đi, không nên làm các bước khác’. Tôi cũng đồng ý thỏa thuận vì cái gì đã mất rồi thì không lấy lại được. Nhưng tôi thấy đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, anh Hải, chỉ nói chuyện với tôi qua như thế thôi. Chứ thực chất không có người trực tiếp xuống động viên, đồng hành với chúng tôi để giải quyết sự việc”.
“Đáng lẽ ra các anh phải cùng với gia đình lo chỗ ăn chỗ ở cho chúng tôi. Thứ hai là phải hướng dẫn, giúp chúng tôi đi đến thỏa thuận, cùng với gia đình giải quyết. Còn bây giờ, [chúng tôi] sang đây lại bỏ như thế. Chỉ nói qua quýt thế rồi cuối cùng để cho cha con tôi tự bơi. Chẳng biết đường nào. Con út tôi mới sang đây 7, 8 tháng. Tôi thì ngôn ngữ không biết. Họ nói sao nghe rứa, mà không có sự đồng hành của đại diện Việt Nam tại Đài Loan. Tôi là một người Cộng sản chính thức. Nhưng tôi vẫn bức xúc chuyện này”.
Đài Loan nói anh Nguyễn Quốc Phi bị một cảnh sát quận Hsinchu bắn chết trong lúc bỏ trốn và tìm cách ăn trộm xe của cảnh sát. Ông Đông không đồng ý với lý lẽ của cảnh sát rằng bắn chết con ông chỉ là hành vi tự vệ của viên cảnh sát.
“Không phải là con người nữa. Rõ ràng nếu là con người thì bắn 1 phát thôi. Vô tình bắn 1 phát mà chết thì cái đó có ai xét đâu. Bắn dưới chân nhưng vô tình vượt lên bụng rồi nó chết, thì cái đó là khách quan. Bị lạc đạn. Nhưng đằng này mổ ra thấy rằng bắn liên tục 9 phát đạn vào con người. Cái đó không thể chấp nhận được. Rất đau xót!”
“Nếu cháu ra ngoài làm là sai thì khi bắt được, các anh phải xử theo tội. Thứ hai, họ nói cháu ăn trộm xe cảnh sát. Con tôi có biết lái xe đâu. Bằng lái đâu có đâu. Tại sao lại nói là ăn trộm xe? Vậy hiện trường như thế nào? Tất cả đều mù mờ”.
Ngày 14/9, Cục Cảnh sát Đài Loan mời ông Nguyễn Quốc Đông đến thương lượng về thỏa thuận bồi thường, nhưng hai bên đã không đạt được thỏa thuận.
Ông Đông cho biết thêm:
“Thỏa thuận không thành. Lý do là một mạng người chết bằng 9 viên đạn từ ngực đến rốn, mà họ nói chỉ đền bù về vấn đề vật chất là 80 vạn Đài Loan, tương đương 540 triệu đồng. 540 triệu đồng thì có thể chỉ trong khoảng 2 năm, em nó sẽ làm được chừng ấy, nhưng con người được sống mãi mãi”.
Sau cái chết của Nguyễn Quốc Phi, nhiều công nhân Việt Nam ở Đài Loan, dưới sự hỗ trợ của Liên Minh Gia Tăng Sức Mạnh Lao Động Di Dân Đài Loan, đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính phủ sở tại phải điều tra, trả lại công bằng cho công nhân Việt, và phải thay đổi các chính sách dẫn đến tình trạng lao động nước ngoài phải bỏ trốn.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, đại diện của tổ chức, nói sự việc khiến ông đặt câu hỏi liệu đây là lỗi của riêng cá nhân viên cảnh sát hay là lỗi của cả hệ thống đào tạo cảnh sát Đài Loan.
“Nếu là lỗi về hệ thống đào tạo cảnh sát, thì tôi không biết các trường đào tạo cảnh sát ở Đài Loan đã nói gì khi nhắc đến những lao động nước ngoài bỏ trốn. Khi gặp các lao động nước ngoài có hành vi như vậy, họ nghĩ gì trong đầu? Trong nội dung đào tạo, họ đã dạy dỗ cảnh sát như thế nào để họ có những hành vi như vậy?”
Theo ông, các chính sách liên quan đến lao động nước ngoài tại Đài Loan đang “có vấn đề”. Chẳng hạn, lao động sang Đài Loan làm việc không được trả lương đủ để trang trải các khoản nợ đã vay để trả cho môi giới. Khi gặp vấn đề với chủ lao động, họ không được tự do đổi chủ, dẫn đến chỉ có một lựa chọn duy nhất là bỏ trốn ra ngoài làm thêm.
Trả lời thông tấn Đài Loan ngày 19/9, ông Trần Duy Hải nói Việt Nam không cho phép môi giới thu quá 4.000 đôla để đưa công nhân sang Đài Loan làm việc, nhưng nhiều công nhân vẫn bị thu quá mức này. Ông cũng cho biết đã báo cáo về tình trạng này kể từ khi nhận nhiệm sở ở Đài Loan cách đây 2 năm.
“Tôi hy vọng vụ này không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương”, đại diện Việt Nam nói với Thông tấn Trung ương Đài Loan.
Theo thống kê của Bộ Lao động Đài Loan, tính đến cuối tháng 7, có 53.260 công nhân bỏ trốn ở nước này, trong đó có hơn 48% là công nhân Việt Nam.