Bộ Quốc phòng Việt Nam bắt 2 sĩ quan cấp tá dính líu vào bê bối Việt Á

Ông Phan Quốc Việt (trái), chủ hãng Việt Á; và ông Hồ Anh Sơn (phải) thuộc Học viện Quân y tại họp báo về bộ xét nghiệm Covid của Việt Á, tháng 3/2020.

Một đại tá và một thượng tá của Học viện Quân Y vừa bị Bộ Quốc phòng Việt Nam bắt giữ vì dính líu đến vụ bê bối “thổi giá, hối lộ” của hãng vật tư y tế Việt Á, báo chí trong nước loan tin hôm 8/3.

Tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, Lao Động, Đại Đoàn Kết và một số báo khác cho hay Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam Đại tá Nguyễn Văn Hiệu và Thượng tá Hồ Anh Sơn vì hai ông này vi phạm Bộ luật Hình sự.

Ông Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư của Học viện Quân Y, hiện đối diện với tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, cũng thuộc Học viện Quân Y, bị cáo buộc về 2 tội gồm “tham ô tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Việc bắt giữ hai sĩ quan cấp tá này là một phần trong kết quả điều tra của cơ quan tư pháp quân đội về sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y cả trong chương trình chế tạo bộ sinh phẩm để xét nghiệm về COVID-19, lẫn trong việc mua vật tư y tế từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Tin tức từ báo chí Việt Nam cho thấy Bộ Quốc phòng dường như chưa dừng lại với vụ bắt hai ông Hiệu và Sơn, vì các bản tin nói rằng “Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội khẩn trương mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm” những cá nhân, tổ chức có sai phạm liên quan đến vụ bê bối Việt Á.

Như VOA đã đưa tin, vụ bê bối vỡ lở ra hồi tháng 12/2021 khi công an Việt Nam bắt giữ ông Phan Quốc Việt, lãnh đạo của công ty Việt Á với cáo buộc “thổi giá”, “trục lợi” từ việc bán các bộ xét nghiệm trong đại dịch.

Vụ này gây phẫn nộ to lớn trong dư luận Việt Nam vì các nhà điều tra thu thập được những bằng chứng cho thấy Việt Á câu kết với nhiều cơ quan nhà nước để “thổi giá” bộ xét nghiệm bán cho các bệnh viện và các đơn vị phòng chống dịch trên khắp cả nước, thu về ít nhất khoảng 4.000 tỷ đồng và chia chác tiền phần trăm hợp đồng có thể vào khoảng 800 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng, Tiêu cực của Việt Nam xác định “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian cả nước đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19”, và ban này đã chỉ đạo các bộ y tế, quốc phòng cùng các cơ quan liên quan phải điều tra, xác minh về các sai phạm tại các bộ, các cơ quan đó.

Trước khi hai ông Đại tá Nguyễn Văn Hiệu và Thượng tá Hồ Anh Sơn bị bắt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra kết luận rằng không chỉ riêng hai ông này ở Học viện Quân y là có sai phạm liên quan đến Việt Á, mà cả các cấp trên của hai ông cũng vậy.

Theo Ủy ban, đó là Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy của Học viện; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; ngoài ra là một số lãnh đạo, cán bộ của một vài đơn vị thuộc Học viện.

Ủy ban nói những người này phải “cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y”, bên cạnh đó là phải “chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Trước vụ bắt giữ hai sĩ quan cấp tá hôm 8/3, kể từ cuối tháng 12/2021 đến nay, nhà chức trách Việt Nam đã khởi tố, bắt giam hàng chục người dính líu vào vụ Việt Á, trong đó có các lãnh đạo trung tâm phòng chống dịch bệnh của một số tỉnh và lãnh đạo một số bệnh viện, cùng với các cán bộ khác có liên quan.