Một bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa những hành động không cố ý trên Biển Đông, có phần chắc sẽ né tránh những quan ngại có thể xúc phạm Trung Quốc, nước lớn nhất đòi chủ quyền ở Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Tại các hội nghị thượng đỉnh ở Manila trong tháng này, Trung Quốc và 10 nước Đông Nam Á đồng ý khởi sự đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên, nơi sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên khoảng 90% vùng biển trải dài từ bờ biển phía Nam Trung Quốc tới đảo Borneo. Từ năm 2010 tới nay, với các công trình xây đảo nhân tạo có khả năng đón máy bay chiến đấu và thiết đặt hệ thống radar, Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các nước tranh giành chủ quyền khác, trong đó có Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.
Các nước có chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc đánh giá cao đầu tư và hỗ trợ phát triển từ nền kinh tế Trung Quốc trị giá 11,2 nghìn tỷ đô la, khiến các nước này khó lên tiếng chỉ trích hoặc chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, nhận định:
"Cuộc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử nên xoay quanh vấn đề cơ bản, là phòng ngừa và quản lý khủng hoảng. Tôi không nghĩ cuộc thảo luận sẽ bao gồm những chi tiết cụ thể."
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đồng ý khởi động quá trình đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông.
Ý tưởng này được xúc tiến sau hơn một năm xây dựng niềm tin và thiện chí giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm những cam kết của Trung Quốc viện trợ cho Philippines, và đào sâu hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Theo giới phân tích, Trung Quốc kỳ vọng sẽ không có bên nào thách thức tuyên bố chủ quyền của họ. Giáo sư Oh Ei Sun, giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại trường Đại học Nanyang, nhận định, các nhà thương thuyết sẽ đảm bảo tài liệu này trên thực tế, sẽ "không có hệ quả nào liên quan tới những nghi vấn về vấn đề chủ quyền."
Ông Sun nói những “chuyên gia” từ nhiều quốc gia đang cố gắng nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, để bảo đảm không có điều gì bất lợi cho họ",
Các nước tranh giành chủ quyền ở Biển Đông muốn bộ Quy tắc Ứng xử trên biển giúp ngăn tránh những vụ xung đột có thể xảy ra giữa hơn 1 triệu tàu đánh cá, tàu tuần tra và tàu hải quân qua lại trên Biển Đông.
Việt Nam và Trung Quốc đã chạm trán ít nhất ba lần. Nhiều thủy thủ đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ hải quân xảy ra vào năm 1974 và 1988. Việc Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển trong vòng tranh chấp đã đưa đến sự cố đâm chìm tàu vào năm 2014.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng bộ quy tắc mới có lẽ sẽ duy trì một số điều khoản hiện hữu, không có tính ràng buộc pháp lý, đã được thỏa thuận từ trước.
Ông Koh nói Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển mới có thể mượn ngôn ngữ trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á năm 2002. Tuyên bố kêu gọi giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, thông báo trước các cuộc diễn tập quân sự, và đối xử nhân đạo đối với những người đang gặp nạn trên biển.
Các bên cũng có thể vay mượn một số điều khoản từ bộ Quy tắc Chạm trán Bất ngờ trên biển 2014 (CUES), một thỏa thuận tự nguyện thiết lập các quy định cụ thể ... về các quy tắc hành xử để đảm bảo An toàn khi chạm trán trên không và trên biển mà Hoa Kỳ và Trung Quốc tuân thủ.
Hồi năm ngoái,Trung Quốc và các nước ASEAN đồng ý tuân thủ quy định này để cải thiện "an toàn hoạt động của tàu bè và máy bay của hải quân trên không và trên biển".
Tài liệu thứ ba mà các bên có thể tham khảo là Công ước LHQ về Luật Biển, bao gồm các quyền của thương thuyền, quyền của tàu bè được đi ngang qua vùng biển quốc tế, và "quyền đi lại vô hại".
Theo trông đợi, quy tắc ứng xử sẽ chính thức hóa tiếp tục sử dụng đường dây nóng giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á để Bộ Ngoại giao sử dụng trong các tình huống xảy ra các vấn đề trên biển.
Các nhà phân tích tin rằng bộ quy tắc có phần chắc sẽ bỏ qua, không nhắc đến những khu vực cụ thể đang trong vòng tranh chấp, như các bãi cạn, đảo nhỏ đang bị chiếm đóng, và có thể, cũng sẽ không nhắc đến quyền tự do hàng hải, hoặc dùng các phương tiện bên ngoài để giải quyết tranh chấp.
Bắc Kinh tỏ ra bất bình về việc tàu Mỹ thường xuyên đi ngang qua vùng biển nơi họ tuyên bố chủ quyền, và vào năm 2016, bị tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng. Một số quốc gia lo ngại Trung Quốc sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên vùng biển liên hệ để hạn chế máy bay nước ngoài.
Trung Quốc vẫn muốn giải quyết vấn đề một cách song phương thay vì nhờ tới các cơ chế quốc tế chính thức dể giải quyết tranh chấp.