Hôm 11/11, khi bị chất vấn về việc người Trung Quốc nắm giữ 162.000 ha đất trên phạm vi cả nước, trong đó có 63.000 ha là đất ở vị trí “nhạy cảm”, sát biên giới và đất ven biển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng nói ông “chưa có điều kiện nắm sát tình hình” và “sẽ nghiên cứu”.
Trang Thanh Niên loan tin rằng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “xin khất” trả lời về 162.000 ha đất người Trung Quốc sở hữu, sau khi vấn đề này được Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim của tỉnh Quảng Nam nêu ra trong phiên chất vấn ở Quốc hội chiều ngày 11/11.
Trang Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Dũng nói tại kỳ họp thứ 2 Khóa XV đang diễn ra: “Đầu tư núp bóng, sở hữu đất là vấn đề lớn và thực sự chúng tôi chưa có điều kiện để nắm rõ sát tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao. Với trách nhiệm của Bộ chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ”.
Một số người dân trong nước bất bình về cách trả lời này của Bộ trưởng Dũng.
Ông Võ Ngọc Lục, một cử tri ở Đak Lak, nêu nhận định với VOA:
“Qua việc né tránh này cho thấy nhận thức và trách nhiệm của họ rất là thấp. Chuyện đã sờ sờ như vậy mà khi ĐBQH chất vấn thì họ lại thoái thác.
“Họ không những vô trách nhiệm mà còn xem thường người dân. Họ luôn tìm cách trả lời qua loa, lấy lệ, chữa cháy cho vấn đề, rồi sau đó họ cho chìm xuồng.”
“Có một thế lực ngầm mà làm mưa làm gió như vậy thì rất nguy hiểm,” ông Lục nói, đồng thời đưa ra kiến nghị:
“Tôi mong muốn rằng nhà cầm quyền có chính sách, đường lối rõ ràng minh bạch về đất đai, tạo điều kiện cho người dân dân chủ hóa đất nước, cho người dân tham gia vào việc quản lý đất đai, giám sát việc thực thi pháp luật. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề đất đai và an ninh chủ quyền quốc gia.”
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Trần Ngọc Tuấn, một nhà báo độc lập quê ở Quảng Ngãi, hiện đang làm tại cộng hoà Czech, nêu nhận định với VOA về cách trả lời của Bộ trưởng Dũng:
“Không thể có việc hoãn lại, chưa trả lời được. Đây là thói quen, bản chất của quan chức Việt Nam. Nó đã trở thành một hệ thống từ trên xuống dưới rồi.
“Có thể là ông tạm hoãn để chờ người cấp cao hơn ông, cho ông một kịch bản trả lời để làm sao yên được lòng dân mà giữ được mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc!”
“Những mảng đất biên giới, biển ở Đà Nẵng có Trung Quốc chiếm giữ rất nhiều, và họ làm gì trong đó không ai biết. Dân ở vùng đó cũng rất bức xúc,” ông Trần Ngọc Tuấn nói với VOA sau khi có dịp về Việt Nam quan sát và tìm hiểu.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đất do người Trung Quốc sở hữu được bàn cãi tại Quốc hội.
Trước đó, vào tháng 5/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, việc người nước ngoài núp bóng mua đất ở những khu vực nhạy cảm, trọng yếu đã được chất vấn trước Quốc hội.
Khi ấy ông Kim cho rằng cần phải có việc tổng rà soát trên toàn quốc, đặc biệt là những tỉnh thành biên giới, những vị trí trọng yếu; làm rõ việc người Trung Quốc, người có yếu tố Trung Quốc “núp bóng” sở hữu đất đai ở khu vực nhạy cảm ở Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết người Trung Quốc đang sở hữu hơn 162.000 ha đất tại Việt Nam, trong đó có khoảng 63.000 ha đất biên giới, ven biển.
Tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam, cũng theo Bộ Quốc phòng.
Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo 2020 của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng: thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.
Tại kỳ họp tháng 5/2020, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Luật Đầu tư hiện hành có ngăn chặn việc người nước ngoài thuê, mua đất đai hay không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết luật hiện hành chưa có chính sách cụ thể và vấn đề này chính quyền địa phương phải quản lý, chứ Bộ không không thể quản lý được toàn bộ ở dưới cơ sở.
Trong khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói “chưa thấy gì”. Ông Hà nói với báo chí trong nước: “Họ mua, thuê không liên quan đến nội dung Luật Đất đai quy định. Theo Luật Đầu tư, theo Luật Nhà ở, họ hoàn toàn được làm. Còn Luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài”.
Còn Bộ Quốc phòng cho biết: “Các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc, quá trình hoạt động cơ bản chấp hành đúng pháp luật Việt Nam”.
Từ tháng 5 năm ngoái, báo cáo về tình hình người Trung Quốc “thâu tóm” đất đã làm nóng diễn đàn Quốc hội, với nhiều đại biểu cho rằng cần điều chỉnh các luật Đầu tư và Đất đai để ngăn chặn nguy cơ.
“Câu hỏi đó muôn đời khó có câu trả lời và cũng chẳng bao giờ họ thèm trả lời đâu”, ông Trần Ngọc Tuấn nhận định về cách phản ứng của quan chức Việt Nam trước câu hỏi chất vấn của các Đại biểu Quốc hội và cử tri Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn trước đây với VOA, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng chính quyền Việt Nam có thể “khó xử lý” về mặt pháp lý khi người Trung Quốc “đội lốt” người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam.