40 năm sau bom đạn thời chiến tiếp tục gây tử vong cho người dân Việt Nam

Chiến dịch dội bom của Mỹ ở miền bắc Việt Nam thàng 12 năm 1972 đã bắt đầu sau khi cuộc hòa đàm Paris bị bế tắc

Trong lúc Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Hoa Kỳ thực hiện chiến dịch dội bom Lễ Giáng Sinh năm 1972 trong thời chiến tranh Việt Nam, một nhà hoạt động chống mìn bẫy nêu bật những mối nguy hiểm của bom mìn còn sót lại đối với dân chúng Việt Nam hiện nay.

Vào ngày 18 tháng 12 năm 1972, hàng loạt máy bay B 52 của Mỹ bay tới Hà Nội và Hải Phòng để bắt đầu thực hiện chiến dịch dội bom dữ dội nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vụ dội bom dưới thời Tổng thống Nixon đã bắt đầu sau khi cuộc hòa đàm Paris bị bế tắc. Cuộc oanh tạc kéo dài gần 2 tuần và gây tử vong cho hơn 1,600 thường dân Việt Nam.

Gần 300 người chết trong vụ dội bom ở Phố Khâm Thiên ở Hà Nội vào khoảng 10 giờ sáng ngày 26 tháng 12. Ông Nguyễn Văn Cầu, năm nay 81 tuổi, đang làm việc khi vụ đó xảy ra. Khi ông về nhà vào giữa khuya, nhà cửa của ông đã trở thành những đống gạch vụn, vợ và một người con trai của ông bị thiệt mạng.

Bà Đỗ Thị Viên năm đó là một thiếu nữ 20 tuổi. Bà cho biết khu phố đó rất nhộn nhịp đông đúc vì gần nhà ga. Những người ở đó không tin là Mỹ sẽ dội bom vào khu vực dân cư như vậy. Nhiều người đã về nhà mừng lễ Giáng sinh và kiếm tiền ăn Tết. Nhiều người đã quyết định ở lại khu phố này mặc dù sau vụ oanh tạc nơi này đã trở thành bình địa.

40 năm sau, các đoàn ca múa ở Hà Nội đã tập dượt cho những buổi trình diễn để đánnh dấu ngày kỷ niệm này. Ông Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, nói rằng đây là một cơ hội để giới trẻ Việt Nam nhớ tới tinh thần bất khuất của cha ông mình. Nhưng ông nói thêm rằng còn có nhiều việc cần phải làm để bảo vệ cho người dân ngày nay trước mối nguy hiểm của bom đạn còn sót lại từ thời chiến tranh.

Ông Searcy là đồng sáng lập viên của Dự Án Renew, một tổ chức chuyên giúp các cộng đồng ở miền trung Việt Nam quản lý công tác dọn sạch mìn bẫy. Ông nói rằng các giới chức Bộ Quốc phòng Việt Nam thường nói rằng phải mất tới 100 năm và tốn hàng tỉ đô la để dọn sạch bom mìn. Ông cho rằng cách nói như vậy cần phải thay đổi.

"Không phải mất tới 100 năm. Không phải mất tới 1.000 năm. Bởi vì việc dọn sạch sẽ không bao giờ hoàn tất và không cần phải hoàn tất. Những thứ thật sự nguy hiểm có thể được quản lý tốt hơn, và cách ứng phó cần thiết để xử lý những thứ đó, cộng với việc dạy dỗ cho trẻ em và người lớn về cách thức xử lý an toàn khi tìm thấy những loại đạn dược này."

Theo Dự án Renew, trong số 15 triệu tấn bom đạn mà Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh, 10% không phát nổ. Trong những thập niên sau đó, những loại bom chùm, mìn, lựu đạn, bom và những loại đạn dược khác đã làm cho hơn 100.000 người hoặc chết hoặc bị thương.

Mới đây, 4 trẻ em ở tỉnh Vĩnh Long đã thiệt mạng khi một quả đạn súng cối còn sót lại từ thời chiến phát nổ. Hai em bé khác cùng với 3 người lớn bị thương.

Tỉnh Quảng Trị, nơi hoạt động của Dự án Renew, là nơi bị dội bom nhiều nhất trong thời chiến. Ông Searcy nói rằng hơn 80% tỉnh này vẫn còn ô nhiễm bom mìn, so với tỉ lệ 20% của những phần còn lại trên cả nước.

"Trước khi chúng tôi bắt đầu dự án, dường như có một sự chấp nhận đáng buồn là người ta có thể sẽ tiếp tục bị chết hoặc bị thương bởi các loại bom mìn. Họ nghĩ rằng đó chỉ là một thực tế của cuộc sống."

Họ nghĩ rằng vì không may mà họ phải sống ở khu vực bị dội bom nhiều trong thời chiến tranh. Nhưng trong những năm qua, khi chúng tôi thúc đẩy cho việc giáo dục công chúng, thực hiện những chương trình tăng cường nhận thức về mìn bẫy và dạy cho các em bé và người lớn là có những cách thức để có thể được an toàn và họ có thể tránh được tai nạn và những vụ việc gây thương vong.

Từ khi Dự án Renew bắt đầu cách nay hơn 10 năm, số tai nạn đã giảm từ khoảng 50 vụ xuống còn 10 vụ mỗi năm.

Ông Searcy cho biết mô hình của dự án sử dụng những định chế hiện có ở Việt Nam như Hội Phụ nữ và các cơ sở y tế. Họ cũng phối hợp với quân đội để mô hình có thể được sử dụng ở những tỉnh khác. Vào thời điểm này chỉ có vài tỉnh có khả năng để xử lý bom mìn chưa nổ.

Trong lúc Việt Nam đánh dấu kỷ niệm vụ oanh tạc dữ dội nhất trong lịch sử của mình, ông Searcy nói rằng đây là một cơ hội tốt để nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của bom mìn chưa nổ mà dân chúng trên khắp nước phải đối mặt hàng ngày. Ông nói rằng 40 năm là một khoảng thời gian quá dài nhưng vẫn chưa trễ.


http://www.youtube.com/embed/WjZ2bxFIeck?list=UURdD55JrlRDzHeec3bKrH4g&hl=en_US