Gần một triệu tỷ đang được ép phải bơm vào trong nền kinh tế trong tháng này, mà thực chất chỉ còn khoảng 20 ngày.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ tín dụng của toàn bộ hệ thống chỉ mới tăng 8,38%. Cho nên để đạt được kế hoạch tăng trưởng 14.5% trong năm nay, thì hệ thống Ngân hàng còn phải giải ngân hơn 735 ngàn tỷ đồng trong tháng này.
Ngoài ra, cho đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 65,1%, chiếm 461 ngàn tỷ đồng. Nghĩa là trong tháng 12 cần phải giải ngân 35% còn lại, tức khoảng 247 ngàn tỷ đồng.
Chính phủ đã rất quyết liệt để ép phải bơm được càng nhiều tiền càng tốt vào nền kinh tế trong những ngày còn lại. Đây một là quyết định duy ý chí và bất khả thi nhưng cũng là chút thành tích cuối cùng mà Chính phủ của cựu tổng cục trưởng tổng cục tình báo, Phạm Minh Chính, quyết tâm giành được.
Xông xáo và thô bạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quyết liệt và xông xáo cho nhiệm vụ này. Sáng ngày 7/12/2023, Ông đã chủ trì cuộc họp trực tiếp với 38 Ngân hàng thương mại mà mục tiêu là thúc đẩy việc bơm tiền vào nền kinh tế. Tại hội nghị được gọi là “Diên Hồng” này ông Chính đã nói “Lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường”.
Ý của ông Chính là trong khi kinh tế đang tăng trưởng chậm lại thì phải “linh hoạt” để đẩy mạnh cho vay và bơm tiền vào nền kinh tế nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế 6,5% như quốc hội đã phê duyệt trước đó.
Mục đích cuối cùng là bản tổng kết trong năm 2023 phải sáng sủa, đáp ứng các chỉ tiêu Quốc hội giao, nhằm tạo lá bùa che chắn cho những cú đánh hiểm của đối phương vào sự điều hành yếu kém của chính phủ trong năm qua.
Quyết định thúc ép tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch là sự can thiệp thô bạo và bất bình thường của Đảng và chính phủ vào hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là tuyên bố thiếu cơ sở khoa học của một viên tướng công an trước hàng chục chuyên gia kinh tế lão luyện đến từ chuyên ngành ngân hàng. Nhưng tất cả chỉ biết ngồi nghe.
Mâu thuẫn với Ngân hàng Nhà nước
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà từng nhận định rằng: do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã trở nên yếu hơn; doanh nghiệp sản xuất khó khăn, tiêu thụ sản phẩm kém, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm sút; các doanh nghiệp nhỏ và tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi nên chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn ngân hàng; nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn nên nhu cầu tín dụng trong ngành sụt giảm... Chính phủ biết điều đó nhưng thủ tướng vẫn coi đây như là một nhiệm vụ chính trị phải thực hiện.
Rõ ràng việc giảm lãi suất cho vay, đẩy tiền ra lưu thông có thể phục vụ tăng trưởng nhất thời nhưng chắc chắn sẽ tạo ra lạm phát, phá vỡ ổn định tỷ giá và làm đảo lộn kinh tế vĩ mô. Quyết định nóng vội này sẽ làm nguy hại cho toàn bộ nền kinh tế sau này và cuối cùng người tiêu dùng là đối tượng bị bóc lột nhiều nhất.
Nhưng đây là quyết định của Đảng và một chính phủ “có phốt” đang khao khát một thành tích nhỏ nhoi cho nên ai đứng ra cản đường sẽ bị trả giá không thương tiếc.
Quả thật, ngày 26/11 thủ tướng đã ký công điện để yêu cầu các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng và yêu cầu Ngân hàng nhà nước rút kinh nghiệm trong việc điều hành.
Sau đó 4 ngày, phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu thanh tra Ngân hàng nhà nước về công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Hiện nay hoạt động thanh tra đang ráo riết được thực hiện vì thủ tướng yêu cầu phải báo cáo kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.
Lý do chính của việc thừa vốn thiếu tiền
Thực tế, nghịch lý “thừa tiền thiếu vốn” này xuất phát từ việc yếu kém nội tại của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp hiện nay đã phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân, giảm bớt công ăn việc làm rất nhiều. Điều này không phải là do không có vốn mà bây giờ nếu có vốn thì cũng “không biết để làm gì”.
Tỷ lệ lạm phát, chi phí đầu vào cao, giá nguyên vật liệu đều tăng, đặc biệt giá điện tăng lên là một cú đấm bồi rất lớn vào các doanh nghiệp sản xuất, làm cho hàng hoá trở nên khó cạnh tranh trên trường quốc tế, đơn hàng giảm mạnh.
Theo báo cáo của S&P Global thì chỉ số người quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục giảm xuống dưới mức trung bình và số đơn hàng mới giảm lần đầu tiên trong 4 tháng.
Một lý do quan trọng khác là nền kinh tế Việt Nam dựa quá sâu vào ngành kinh doanh bất động sản. Sau khi một loạt đại gia vỡ nợ và rơi vào vòng lao lý, thị trường BĐS Việt Nam hầu như tê liệt.
Để giải cứu Bất động sản, Chính phủ đã ra Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm “tháo gỡ và thúc đẩy” thị trường Bất động sản trong đó hy vọng quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi); Luật kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); và Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)…” Thế nhưng trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi Hai đạo luật lớn và quan trọng nhất đối với nền kinh tế là Luật đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đã không được thông qua.
Điều này làm cho tình hình càng thêm bế tắc và chính phủ càng nóng ruột.
Tiền sẽ được tuôn ra vội vàng
Thông thường vốn đưa ra nền kinh tế thì chỉ có 2 con đường là giải ngân cho các dự án đầu tư công và qua các ngân hàng thương mại.
Hiện nay chuyện trao thầu và giải ngân vốn đầu tư công đang có vấn đề rất lớn vì chiếc “lò đốt củi” và cỗ máy bị “khô dầu”. Do cơ chế xin cho và thiếu minh bạch trong chuyện chọn thầu và thực thi dự án công cho nên “đụng đâu sai đó”. Bởi vậy, cán bộ công chức ngại va chạm và không tiến hành triển khai công việc. Giải ngân vốn đầu tư công bao giờ cũng gắn liền với % hoa hồng và lại quả mà giờ đây tai mắt thì đầy rẫy xung quanh.
Chính vì vậy tháng cuối năm này lại là dịp để các doanh nhiệp thi công vội vàng làm gấp gáp, kiểu “no dồn đói góp”. Suốt cả năm cứ nhởn nhơ rồi cuối năm tăng tốc đột ngột để thúc đẩy khối lượng công việc hoàn thành, thường là dẫn đến chất lượng kém, điều sau này thường đổ lỗi cho việc bị “ép” tiến độ.
Đối với hệ thống Ngân hàng thì đã chia lại Room tín dụng để ráo riết đẩy tiền ra lưu thông. Suốt cả năm nay, các Ngân hàng đã phải đỏ mắt tìm khách hàng mà vẫn không thấy nhưng khi Thủ tướng đã đã chỉ đạo “phải đảm bảo cung cấp đủ vốn phục vụ nền kinh tế và tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, ách tắc…” .
Điều này buộc các Ngân hàng vội vàng “linh hoạt” để nghĩ các chiêu lắt léo nhằm bơm tiền ra lưu thông, bất chấp hậu quả sau này.
Bến đỗ cuối cùng là Bất động sản và Thị trường CK
Như vậy cuối cùng tiền lại được bơm ra và rồi kiểu gì nó cũng “lòng vòng” một cách đầy ảo diệu trước khi chạy vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Đây là hai kênh luôn luôn khát vốn nhưng không tạo ra lao động vật chất và sản phẩm hữu hình, mà đang chủ yếu phục vụ việc đầu cơ.
Và rồi, cuối cùng khi hết chu kỳ tín dụng sẽ lại xảy ra lạm phát và nợ xấu. Nền kinh tế duy ý chí và ưa chuộng thành tích của đảng cộng sản lại tiếp tục một vòng quay luẩn quẩn mới. Bóp vào thật chặt, xong lại buộc phải nhả phanh và tăng tốc thật nhanh, sau đó lại bóp vội, mặc cho sự xáo trộn cuối cùng đổ lên đầu người dân.
Việc chạy theo thành tích, muốn thắng lợi là ngay trong nhiệm kỳ của mình, thậm chí trong năm mình cầm quyền, để có các chỉ số đều có thể vừa lòng một vị nào đó sẽ gây ra một vòng rủi ro mới cho nền kinh tế, làm cho nó đột ngột “bùng lên” rồi “tắt ngấm” sau đó.
Đã một thời người dân Việt Nam kỳ vọng về một chính phủ kỹ trị với những gương mặt có học vấn và trình độ chuyên môn cao, nhưng giờ đây bức tranh đầy hy vọng đó đã không còn nữa. Lúc này là hình ảnh một chính phủ tràn ngập những gương mặt tướng ngầm tướng nổi từ công an, nội chính hay hoạt động đoàn đang lên. Họ đang chạy đôn đáo để bơm những liều thuốc bổ vào cơ thể kinh tế lờ đờ nhiễm bệnh thay vì tổ chức những cuộc hội chẩn chuyên môn rồi tiến hành phẫu thuật và thay đổi động cơ.
Đó là điều rất không lành cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.