Con corona mới này đã hé lộ chân lý xưa như trái đất – tin chính trị gia thì chỉ có đổ thóc giống ra mà ăn. Chẳng thế mà người ta từng nói ‘đừng tin bất cứ điều gì cho tới khi nó được chính thức bác bỏ’.
Chuyện Trung Quốc hơn một lần thay đổi số người chết vì dịch corona thì ai cũng rõ và cũng chỉ có ai sống trên sao Hoả mới tin vào thống kê của Trung Quốc. Không biết chừng Bắc Kinh sẽ lại có thêm thay đổi nữa về con số thống kê này trong những tháng tới đây.
Thế nhưng ở một đất nước hàng đầu về dân chủ và tự do như ở Anh thì sao? Đáng tiếc là Anh cũng lại có những nét giống Trung Quốc.
Thứ nhất, số người tử vong, 16.500 người tính tới ngày 20/4/2020, chỉ bao gồm những người chết ở bệnh viện. Còn những người chết trong các nhà dưỡng lão ngay cả khi vì vi-rút corona mới cũng không được tính. Bởi vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau này Anh đưa ra con số chính thức khác về tổng số người chết trong đợt dịch này. Nó có thể cao hơn con số hiện nay tới vài chục phần trăm. Anh không che giấu chuyện họ không thống kê những người già yếu chết tại các trại dưỡng lão thế nhưng các quan chức lại lấy thống kê chính thức của Anh để so với Pháp, nước gộp số tử vong vì Covid-19 ở những trung tâm chăm sóc người già vào tổng số. Nói như người Anh thì vậy khác gì ‘so táo với lê’.
Nhưng điều nẫu ruột nhất là bức ảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson vẽ mắt cho rồng khi tham dự lễ mừng tết âm lịch hôm 24/1, do đại sứ Trung Quốc ở Anh chủ trì. Ông Johnson, người về sau này nhiễm vi-rút có gốc từ Trung Quốc tới mức sự sống và cái chết có cơ ngang nhau như lời ông tự nhận, theo điều tra của báo Times, đã bỏ cuộc họp bàn về dịch bệnh corona mới để đi tới sự kiện mà có lẽ ông cho là quan trọng hơn cả việc đảm bảo sức khoẻ cho hàng chục triệu người Anh. Lúc đầu ông thủ tướng dường như cũng định chấp nhận trả cái giá về nhân mạng khá cao. Ông Johnson hiện vẫn đang hồi phục tại dinh thự thôn quê của thủ tướng và không thể tự thân điều hành chính phủ đã vài tuần nay. Đương nhiên ông dại gì mà nhận rằng nếu ông cảnh giác hơn thì số người Anh chết vì dịch bệnh có thể sẽ giảm đi được vài ngàn người. Cũng may cho ông vì còn vài năm nữa mới tới mùa bầu cử nên ông còn có dịp sửa chữa những sai lầm trong đợt chống dịch này.
Báo Times nói thủ tướng Anh còn không tham dự bốn cuộc họp quan trọng khác để bàn về đại dịch, điều mà phủ thủ tướng nói rằng chuyện thủ tướng giao cho bộ trưởng chủ trì họp cobra, tức các cuộc họp để giải quyết khủng hoảng và những chuyện cấp bách, là điều bình thường. Theo Times, phải tới ngày 2 tháng Ba ông Johnson mới tham gia cuộc họp đầu tiên về vi-rút corona mới, điều mà báo nói “gần như chắc chắn là quá muộn”.
Bài điều tra của Times cũng dẫn nghiên cứu của Đại học Southampton mà theo đó có tới 190.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán và các thành phố có nguy cơ lây nhiễm khác của Trung Quốc bay tới Anh trong khoảng thời gian từ tháng Một tới tháng Ba năm nay. Đại học Southampton ước tính khoảng 1.900 người trong số đó mang trong mình vi-rút corona mới. Hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Anh là khách Trung Quốc trong cùng gia đình ở York. Họ được phát hiện hôm 29/1, chỉ năm ngày sau khi ông Johnson bỏ họp về dịch bệnh để đi mừng năm con chuột. Hơn một tuần sau, doanh gia người Anh 53 tuổi Steve Walsh xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng của Anh vì là người “siêu lây nhiễm” sau khi truyền Covid-19 cho năm người ở Anh và sáu người ở nước ngoài. Ông Walsh nhiễm vi-rút trong chuyến đi tới Singapore tham dự hội nghị.
Anh tiếp tục chính sách tìm những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 trong tháng Hai nhưng đã từ bỏ chính sách này vào tháng Ba khi họ cho rằng số ca lây nhiễm đã quá nhiều và không còn có thể tiếp tục tìm hết được những người từng tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Tuy nhiên chính sách này đang bị chỉ trích vì có những vùng ở Anh số ca nhiễm còn ít và họ vẫn có thể tiếp tục chính sách tìm người có khả năng đã nhiễm bệnh để cách ly. Nếu làm vậy một số vùng ở Anh có thể không bị đóng cửa vì họ vẫn cách ly được những người đã hoặc có nguy cơ sẽ nhiễm corona mới. Một số chuyên gia cũng nói Anh sẽ lại phải tiếp tục tìm và cách ly những người nhiễm và nghi nhiễm nếu muốn mở cửa trở lại.
Hiện chính quyền Anh cũng đang từ chối cung cấp cho báo chí bản báo cáo về đợt diễn tập chống đại dịch hồi năm 2016 mà các nguồn tin nói đã phát hiện các lỗ hổng trong chiến lược chống đại dịch. Báo Telegraph yêu cầu chính quyền công bố báo cáo theo Luật Tự do Thông tin mà theo đó các cơ quan phục vụ công chúng phải cung cấp thông tin khi được yêu cầu nếu không được miễn trừ theo luật. Chính quyền Anh đưa lý do “bảo vệ thông tin liên quan tới việc hình thành và phát triển chính sách nhà nước” để không công khai báo cáo. Tờ Telegraph nói họ đang khiếu nại trong khi Đảng Lao động đối lập cũng ủng hộ việc công bố báo cáo.
Cả Telegraph và Times đều nói các nước châu Á như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc hay ngay cả Hong Kong đều chống dịch tốt hơn nước Anh. Báo Times thậm chí dẫn lời một chuyên gia nói rằng Singapore thực ra đã sao chép kế hoạch chống dịch của Anh nhưng chỉ có điều họ thực hiện kế hoạch đó còn Anh thì không. Con vi-rút mới cũng tạo ra những điểm sáng mới trên thế giới về đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng cho người dân trước đại dịch. Tiếc rằng điểm sáng đó lại không nằm ở những nơi từng được đánh giá là chuẩn bị tốt cho đại dịch như Anh và Hoa Kỳ.