Hiện tượng Nguyễn Đức Kiên

Your browser doesn’t support HTML5

Video: Các dự án giao thông BOT ở Việt Nam có mờ ám?

Trân Văn

Câu chuyện liên quan đến việc khai thác các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT vẫn còn nóng. Giao thông trên một số tuyến đường như quốc lộ 1 (xuyên Việt), quốc lộ 5 (nối Hà Nội với Hải Phòng) liên tục bị nghẽn ở đoạn chạy ngang huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vì giới cầm lái xe bốn bánh (bao gồm cả những người chọn lái xe làm sinh kế lẫn chủ các xe bốn chỗ, bảy chỗ) nhất loạt dùng tiền lẻ trả phí cho chủ đầu tư. Tuần qua, hết trạm thu phí cho tuyến tránh Biên Hòa, tới trạm thu phí Văn Lâm cho quốc lộ 5 tự nguyện tạm ngưng hoạt động để vãn hồi trật tự giao thông…

Trong bối cảnh dân chúng đang sôi sùng sục vì sự áp đặt phi lý của hệ thống công quyền – buộc toàn bộ phương tiện giao thông từ bốn bánh trở lên phải trả phí cho các chủ đầu tư bất kể họ có sử dụng các công trình giao thông vận hành theo hình thức BOT hay không - các viên chức Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo chính quyền các tỉnh, kể cả chủ đầu tư đều đã thôi ti toe. Phân bua, biện giải khi Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã chính thức xác định các công trình giao thông được đầu tư và khai thác theo hình thức BOT có nhiều điểm bất minh và bất ổn rõ ràng chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa…

Hiện chỉ còn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, tả xung hữu đột, bảo vệ chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo phương thức BOT cũng như bảo vệ chủ đầu tư những công trình giao thông đang được khai thác theo phương thức này…

***

Hồi trung tuần tháng 8, khi giới cầm lái bắt đầu dùng tiền lẻ làm công cụ phản kháng sự phi lý của việc đặt trạm thu phí cho tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trên quốc lộ 1, ông Kiên là một trong những người đầu tiên chỉ trích họ. Theo ông Kiên, việc một số tài xế bỏ tiền lẻ vào các chai đựng nước là bằng chứng cho thấy “văn hóa ứng xử đang có vấn đề”. Ông Kiên nhận xét, văn hóa ứng xử của giới chủ đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT “cao hơn” giới tài xế!

Nhận xét của ông Kiên lập tức giúp ông Kiên “nổi như cồn”. Thiên hạ thi nhau bình luận về “văn hóa ứng xử”. Ông Trần Đăng Tuấn, một nhà báo đã nghỉ hưu, nêu thắc mắc trên facebook, không lẽ cách thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, “quây, tóm, buộc người ta phải móc túi ra” là “văn hóa ứng xử”? Nếu đó là “văn hóa ứng xử” thì việc gì Quốc hội phải lập đoàn giám sát, cử ông Kiên làm phó của đoàn giám sát này? Ông Tuấn đề nghị, thôi, đừng nói về văn hóa với ứng xử nữa mà hãy nói về “đồng tiền, bát gạo”. Hãy cho biết anh đứng về “đồng tiền, bát gạo” của ai thì tôi sẽ rõ “văn hóa ứng xử” của anh. Thắc mắc của ông Tuấn có tới 4.400 người “thích”. Trong 250 ý kiến bình luận có khá nhiều ý kiến mà tính chất giống như ý kiến của Nguyễn Duy Long: “Thằng ăn cướp chê thằng chống cự không có văn hóa”

Tuy bị chỉ trích kịch liệt nhưng Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam vẫn chưa chịu ngừng phát biểu, thượng tuần tháng 9, khi trạm thu phí Cai Lậy đã tạm ngưng hoạt động, cả công chúng lẫn báo giới liên tục lập đi, lập lại yêu cầu kiểm tra các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức BOT vì có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy phương thức này đang bị lạm dụng, ông Kiên tuyên bố chắc nịch, BOT không ảnh hưởng đến người nghèo vì người nghèo chỉ đi xe hai bánh. Đáng chú ý là dù Bộ Kế hoạch – Đầu tư chưa có bất kỳ phản hồi nào về ý kiến của ông Đặng Huy Đông, một Thứ trưởng của bộ này (các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam có quá nhiều điểm “tù mù”, dễ nảy sinh tham nhũng) nhưng ông Kiên vẫn lớn tiếng lưu ý cả công chúng lẫn báo giới rằng, nhận định của ông Đông chỉ có tính chất cá nhân, không phải quan điểm của Bộ Kế hạch – Đầu tư, nơi phê duyệt các dự án BOT và cấp giấy phép đầu tư.

Lần này chỉ trích bùng lên thành bão. Bão không chỉ quét qua mạng xã hội mà còn làm hệ thống truyền thông chính thống dậy sóng. Các chuyên gia, doanh nhân thi nhau phân tích, phí phải trả cho chủ đầu các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khiến giá thành tăng, tất nhiên làm giá bán tăng, giới đầu tiên lãnh đủ chính là người nghèo. Thậm chí Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện Nghiên cứu Chính sách - pháp luật - Phát triển (Viện PLD) còn tổ chức một buổi tọa đàm về “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” để khẳng định, đừng nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo.

Hoàng Tư Giang, một nhà báo kể trên facebook là ông ta bị ông Kiên mắng “quá dân túy” khi nêu thắc mắc: Căn cứ vào quy định pháp luật nào để BOT hóa các con đường huyết mạch và các con đường mà nhà nước đã đầu tư, doanh nghiệp chỉ trải nhựa lại rồi thu phí? Giang chú thích thêm, lẽ ra dân phải được lựa chọn, thích thì đi những con đường được đầu tư theo hình thức BOT, không thích thì đi những con đường do nhà nước làm. Hà cớ gì lại cho tư nhân hóa quốc lộ 1 (đường xuyên Việt) mà “vốn đầu tư” chỉ vỏn vẹn có 1,3 tỉ Mỹ kim - con số chỉ chừng 1/10 tổng vốn đầu tư công mỗi năm? Thế thì quyền lựa chọn ở đâu? Đọc xong câu chuyện này, Phạm Quang Vinh nêu nhận xét rằng “hình như các anh ấy ‘đếch’ hiểu ‘dân túy’ là gì thì phải”. Facebooker có nickname Bụt Bụt giải thích: Tuý là say, dân tuý nghĩa là dân say, say cũng có thể hiểu là choáng váng, có nghĩa là dân nghe xong thì dân choáng váng! Lý do gì dân choáng váng? Chắc chắn là dân hết tiền nên thấy choáng ấy mà!

Cuối cùng thì dường như trận bão chỉ trích bắt đầu có tác dụng, đầu tuần này, ông Kiên chủ động “nói lại cho rõ” là BOT chỉ liên quan đến ba bên: nhà nước - nhà đầu tư - doanh nghiệp vận tải, do vậy phải quản lý giá cả để BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, báo chí không nên viết chung chung rằng “người dân phản đối BOT” mà chỉ có các doanh nghiệp vận tải, giới tài xế phản ứng thôi. Nếu thượng tuần tháng 9, ông Kiên chỉ chỉ trích ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư thì trung tuần tháng này, ông Kiên đòi xem lại “đạo đức công chức” của lãnh đạo các tỉnh, thành phố vì “đề xuất làm đường” nhưng khi “người dân phản ứng thì lại bảo không đề xuất BOT”. Chưa rõ “người dân” mà ông Kiên khuyến cáo báo chí đừng dùng khi đề cập đến hiện tượng “phản đối BOT” khác biệt thế nào với “người dân” làm lãnh đạo các tỉnh, thành phố lo ngại tới mức phải phân bua không “đề xuất BOT”? Cũng chưa rõ tại sao “đề xuất làm đường” lại tương đồng với “đề xuất BOT” và khi không chịu nhìn nhận đề nghị xây dựng công lộ chính là đề nghị làm đường để thu phí thì bị xem là có vấn đề về “đạo đức công chức”?

Sau khi ông Kiên nói lại cho rõ, giống như được góp thêm gió, bão chỉ trích trở thành siêu bão. Tờ Người Lao Động đăng ý kiến của ông Đoàn Quang Huy, một kỹ sư xây dựng, nhắc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam rằng “Ông nói càng ngày càng khó nghe đấy ông Nguyễn Đức Kiên”. Ông Huy nêu ra sáu vấn đề và mong ông Kiên trả lời. Cả sáu vấn đề mà ông Huy nêu ra dưới dạng câu hỏi cho thấy Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam ngụy biện một cách hết sức ngờ nghệch. Có ít nhất 500 độc giả tán thưởng “Ông nói càng ngày càng khó nghe đấy ông Nguyễn Đức Kiên” của ông Huy. Họ bày tỏ mong muốn ông Kiên trả lời một cách rạch ròi sáu vấn đề mà ông Huy nêu ra, đặc biệt là hàng trăm độc giả nhấn mạnh họ “nghi ngờ học vị tiến sĩ” của ông Kiên.

Phải lưu ý rằng facebook là nơi thật giả lẫn lộn, rất khó có thể xác định thực hư. Chẳng riêng BOT mà ông Kiên cũng đã trở thành đề tài nóng. Có lẽ đã đến lúc Quốc hội Việt Nam cần minh định, những phát biểu của ông Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam là quan điểm cá nhân hay quan điểm chính thức của Quốc hội. Khi công chúng đã nghi ngờ về học vị của ông Kiên, những nghi ngờ này không chỉ được nêu trên mạng xã hội mà còn xuất hiện cả trên hệ thống truyền thống. Sự minh định cần thiết này cũng là để bảo vệ phẩm giá của ông Kiên, bảo vệ uy tín của Quốc hội, đồng thời đập tan “ý đồ xuyên tạc của kẻ xấu.”