Nhóm BRICS tiến tới việc thành lập một ngân hàng phát triển chung

  • Kurt Achin

Lãnh đạo của 5 quốc gia lớn có nền kinh tế phát triển được gọi tắt là BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi

Các nhà lãnh đạo của một số nền kinh tế đang phát triển lớn nhất – còn được gọi là BRICS – đang tiến tới việc thành lập một ngân hàng phát triển chung. Khối gồm 5 quốc gia này đã kết thúc cuộc họp thượng đỉnh trong ngày hôm nay tại New Delhi, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Kurt Achin.

Hôm nay, các nhà lãnh đạo của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, còn được gọi là nhóm BRICS, kêu gọi thành lập một cơ chế tài chính quốc tế có tính đại diện hơn. Người chủ trì hội nghị, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, nói các nước đang tiến gần hơn đến một bước chủ yếu trong việc thúc đẩy đầu tư chung.

Ông Singh nói: “Chúng tôi đã đồng ý cứu xét chi tiết hơn một đề nghị thành lập một ngân hàng phát triển Nam Nam do khối BRICS đứng đầu với sự tài trợ và quản lý của BRICS và các nước đang phát triển khác.”

Ngân hàng được gọi là Ngân hàng BRICS này sẽ giúp che chắn cho thế giới đang phát triển trước các vụ khủng hoảng tài chính phát sinh từ các nước giàu hơn. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hôm nay cho biết các nhà lãnh đạo Phi châu hoan nghênh ngân hàng được đề nghị này.

Ông Zuma cho biết: “Ngân hàng này sẽ hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên cũng như các cơ hội đầu tư và thương mại với các đối tác BRICS. Một ngân hàng như vậy có tiềm năng lớn giúp chúng tôi tạo dựng công ăn việc làm tốt tại các nước đang phát triển.”

Các quốc gia BRICS chiếm gần phân nửa dân số thế giới và gần 1/4 nền thương mại toàn cầu. Hôm nay, các ngân hàng xuất nhập khẩu của 5 quốc gia đã ký một thỏa thuận riêng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước mua bán với nhau bằng chỉ tệ địa phương. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói trong những năm sắp tới, các quốc gia BRICS sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong việc cải tổ quản trị toàn cầu.

Tổng thống Nga nói hệ thống tài chính thế giới đã lỗi thời, và cần phải cải cách. Ông cho rằng hệ thống này không tính tới vai trò đáng kể của các nước BRICS.

Các nhà lãnh đạo BRICS nói chung một tiếng nói về Syria hôm nay, và cho rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết qua “các cuộc đối thoại dân tộc rộng rãi,” với sự tôn trọng nền độc lập và chủ quyền của nước này. Về Iran, nhóm này nói họ thừa nhận quyền của Tehran được sử dụng năng lượng hạt nhân cho múc đích hòa bình và cảnh báo về “các hậu quả tại hại” nếu vụ tranh chấp về các chương trình vũ khí hạt nhân bị cáo buộc leo thang thành bạo động.

Hội nghị thượng đỉnh trong một ngày ở thủ đô Ấn Độ đã diễn ra trong tình trạng an ninh được bảo vệ một cách khác thường, tiếp theo vụ một người Tây Tạng lưu vong tự thiêu trước đó trong tuần. Người biểu tình này đã qua đời vì những vết bỏng hồi hôm qua.

Cảnh sát Ấn Độ đã câu lưu mấy chục người Tây Tạng sống lưu vong và công bố nhiều khu vực không được lui tới, và lập nhiều chốt kiểm soát dọc theo các con đường gần địa điểm hội nghị. Hôm nay, một nhóm nhỏ người Tây Tạng lưu vong đã tìm cách phất một lá cờ Tây Tạng gần khách sạn nơi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang ở. Những người này đã bị bắt.

http://www.youtube.com/embed/FqQZUCCQVKU