Buôn bán ma túy gia tăng ở biên giới Thái Lan-Miến Điện

  • Steve Sandford

Dân làng trồng cây thuốc phiện tại bang Shan ở Miến Ðiện.

Theo một phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc, các vụ thu giữ các loại ma túy tổng hợp trái phép methamphetamine khắp thế giới đã gia tăng lên một mức độ mới hồi năm ngoái do nguồn cung, cầu các loại ma túy trái phép ở khu vực Đông và Đông Nam Á gia tăng. Thông tín viên Steve Sandford tường trình từ biên giới Thái Lan và Miến Điện, nơi giới hữu trách địa phương đã tận mắt chứng kiến sự gia tăng này.

Dọc theo biên giới Thái Lan và Miến Điện, thương mại tại khu vực này đã gia tăng vì các quốc gia giảm thuế và gỡ bỏ các rào cản thương mại để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng việc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á thực thi các sách lược thúc đẩy việc mở cửa biên giới cũng đồng nghĩa với tình trạng buôn bán ma túy gia tăng.

Cảnh sát tịch thu gần 4.5 triệu viên thuốc methamphetamine ở Bangkok vào năm ngoái.


Theo một phúc trình về tình trạng buôn bán các loại ma túy tổng hợp trên toàn cầu, mới được Liên Hiệp Quốc công bố, chỉ riêng tại Thái Lan, việc bắt giữ các vụ mua bán ma túy tổng hợp methamphetamine đã tăng tới 4 lần kể từ năm 2008.

Và những con số đó gây quan ngại cho Giám đốc Ban Kiểm soát Ma túy khu vực 5 của Thái Lan, ông Suchip Kotcharin nói:

“Tại Thái Lan, chúng tôi quan ngại về việc mở cửa biên giới vì nó cũng đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng tiếp cận với các loại công việc trái phép, đặc biệt là tình trạng buôn bán ma túy sẽ là một vấn đề lớn vì chúng được đưa qua các cửa khẩu này để tới các nước khác ở Đông Nam Á.”

Buôn bán ma túy không phải là điều lạ ở vùng được gọi là "Tam giác vàng" này. Việc sản xuất và vận chuyện thuốc phiện và các loại ma túy tổng hợp đã phát triển mạnh nhiều thập kỷ qua tại vùng biên vô luật lệ ở Miến Điện nằm dưới sự kiểm soát của các đội quân thiểu số.

Một số nhà phân tích, trong đó có tác giả Bertil Lintner, nói rằng sự gia tăng sản xuất ma túy gần đây một phần là do chiến dịch tìm cách kiểm soát các vùng này của chính phủ Miến Điện.

Ông Bertil Lintner cho biết: “Kể từ năm 2011, chính phủ đã tìm cách khuyến dụ nhiều nhóm nổi dậy, nhiều nhóm vũ trang trở lại điều họ gọi là khuôn khổ pháp luật, căn bản nhắm vô hiệu hóa một mối đe dọa từ các nhóm này đối với chính phủ trung ương. Nhưng để làm được điều ấy, họ phải đề nghị một điều gì đó để đổi lấy sự nhượng bộ.”

Người dân Miến Điện không có việc làm dẫn đến buôn bán ma túy để kiếm sống.


Giới hữu trách hy vọng rằng việc mở cửa và phát triển thương mại tại các khu vực sắc tộc của Miến Điện sẽ gia tăng cơ hội việc làm. Nhưng nhiều người sống ở đó hiện lại có ít cơ hội việc làm.

Người sáng lập hãng tin Shan Herald Kuesai Jaiyen từng bỏ chạy khỏi Miến Điện năm 1996. Ông nói rằng cách duy nhất để giảm bớt tình trạng sản xuất ma túy là chấm dứt xung đột và tạo công ăn việc làm.

Ông Jaiyen nói: “Dĩ nhiên thách thức lớn nhất là trước hết chúng ta phải thiết lập hòa bình và pháp quyền. Và để đạt được hòa bình, cần phải có một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính tới việc là không thể cưỡng ép để có hòa bình."

Trong khi các vùng thiểu số Miến Điện vẫn tiếp tục đàm phán với chính phủ, nước này và các quốc gia láng giềng hiện đối mặt với một vấn đề ngày càng lớn, đó là trở thành một điểm đến của các loại ma túy tổng hợp.