Doanh nghiệp Trung Quốc phát đạt tại Miến Điện nhưng dân Miến Điện lo ngại

Tòa nhà dùng làm trụ sở của Phòng Thương mại Trung Quốc tại Rangoon

Cải tổ chính trị tại Miến Điện đã bao trùm các hàng tít lớn trong năm ngoái, nhưng cũng có dự đoán trước về nhiều cải tổ kinh tế. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf tường thuật rằng sự cạnh tranh của Trung Quốc gây lo ngại cho các doanh nhân ở Miến Điện.

Ngôi chùa Qing Fu Gong do người Hoa xây dựng ở Rangoon năm nay kỷ niệm 150 năm và không khi nào thiếu người tới lễ.

Dòng người Hoa đều đặn tiến vào ngôi chùa này, thắp hương và cầu xin được khỏe mạnh và thành công. Một phụ nữ lắc ống xin xâm trước bàn thờ sơn son thiếp vàng.

Đã từ lâu, ngôi chùa này là biểu tượng của cộng đồng người Hoa ở Rangoon, từ nhiều thế kỷ nay đã tham gia giao dịch thương mại giữa hai nước.

Ngôi chùa này có lớp dạy tiếng Quan thoại, một bệnh viện miễn phí, và trợ cấp cho một vài người, như ông U Htay Myint, 80 tuổi. Mang cặp kính tròn lớn và đội chiếc mũ thể thao, ông nói người Hoa có các bang hội tại những thành phố và thị trấn trên khắp Miến Điện.

Ông cho biết, có nhiều doanh nhân người Hoa tại Rangoon làm chủ các công ty và nhà máy.

Gần ngôi chùa có nhiều cửa hàng bán vàng và nữ trang, khách hàng bao quanh tủ kính sáng trưng, trưng bày đủ món trang sức.

Phố Tầu ở Rangoon nằm ở trung tâm Rangoon, nơi đã từ lâu các thương gia Trung Quốc thống lãnh nghề vàng. Và cũng giống như nhiều nơi trên khắp thế giới, đa số các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, áo quần và đồ chơi tại đây đều sản xuất tại Trung Quốc.

Chính phủ Miến Điện sẽ bắt đầu cải tổ kinh tế bằng cách từ từ giảm bớt những luật lệ và những xí nghiệp độc quyền không hiệu quả, và mở rộng các cơ hội doanh nghiệp.

Trong tháng này, Miến Điện mở Hội Chợ Triển Lãm Hàng Hóa Quảng Đông, giới thiệu những sản phẩm đủ loại, từ những tấm thâu năng lượng mặt trời tới những con búp bê bơm hơi.

Du Phương Phương là quản lý thương mại của Công ty điện tử Longtron, có trụ sở tại Quảng Châu. Bà cho biết công ty của bà bán điện thoại di động và máy vi tính, rất mong được tiếp cận với 60 triệu người tiêu dùng Miến Điện.

Bà Du nói Miến Điện có tiềm năng to lớn và sản phẩm của công ty bà chưa xâm nhập được nhiều vào Đông Nam Á. Bà muốn nhân cơ hội này để biết về thị trường Miến Điện để rồi tham gia.

Ông Myat Kyaw Kyaw làm nghề môi giới, sử dụng sự quen biết của ông để giúp các nhà xuất nhập khẩu giải quyết thủ tục hành chánh và xin giấy phép.

Đối với ông, nếu doanh nghiệp nước ngoài chú ý thêm đến Miến Điện thì ông sẽ có thêm cơ hội.

Nhưng ông lo ngại là các doanh nghiệp Miến Điện sẽ không đủ khả năng cạnh tranh với những công ty mới tới.

Ông nói khi có một nền kinh tế Miến Điện mở rộng thì sẽ cần chính phủ có chính sách để hỗ trợ các doanh nhân Miến Điện. Ông cho biết, người Miến Điện chưa có nhiều kinh nghiệm trong doanh nghiệp và cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dầu đang hành nghề môi giới, ông Myat Kyaw Kyaw hy vọng một ngày kia sẽ lập được một công ty riêng cho mình.