Các luật lệ mới về bầu cử của Miến Điện cấm không cho những ai đã bị tòa án kết tội tham gia bầu cử và buộc các chính đảng phải khai trừ tất cả các thành viên đang bị cầm tù thì mới được coi là hợp pháp.
Giới hoạt động cho nhân quyền nói rằng những quy định này nhắm vào Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đối lập NLD và lãnh tụ của đảng này là bà Aung San Suu Kyi. Bà đã bị quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên vừa qua.
Ông Aung Din là giám đốc điều hành tổ chức Vận động cho Miến Điện của Hoa Kỳ.
Ông Din cho biết: “Đây là một luật bầu cử rất vô lý, luật đăng ký đảng phái. Thực ra, nó nhằm buộc đảng NLD phải giải thể, nó nhằm để buộc đảng NLD phải bãi chức bà Aung San Suu Kyi và các thành viên khác trong đảng đang bị cầm tù.”
Chính phủ quân nhân Miến Điện đang giam giữ hơn 2,100 tù nhân chính trị, nhiều người là thành viên của NLD.
Các quy định mới, vừa công bố hôm nay, bao gồm việc đăng ký chính đảng cho các cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Miến Điện từ 20 năm nay.
Liên Hiệp Quốc nói rằng Miến Điện phải phóng thích tất cả tù nhân chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi thì các cuộc bầu cử đó mới có tính hợp pháp.
Ông Aung Din nói các quy định mới là một sự bác bỏ trắng trợn các yêu cầu đó.
Ông Din nói: "Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nói rằng nếu không có sự tham gia của bà Aung San Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị quan trọng thì các cuộc bầu cử này sẽ không có tính bao quát. Nay chính quyền Miến Điện đáp lại yêu cầu của ông bằng cách công bố quy định bầu cử vô lý này. Vậy tôi mong rằng ông Ban Ki-moon hãy kiên quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế không thừa nhận cuộc bầu cử giả hiệu này.”
Các quy định về đăng ký còn đòi phải tuân thủ hiến pháp năm 2008 gây nhiều tranh cãi. Hiến pháp này dành 1/4 số ghế trong quốc hội cho quân đội và cấm bà Aung San Suu Kyi không được ra tranh cử vì bà kết hôn với một người nước ngoài.
NLD đã tìm cách thay đổi hiến pháp và giới lãnh đạo đảng đang thảo luận cách thức phản ứng với các quy định về đăng ký. Đảng chưa quyết định có đưa ra các ứng cử viên hay không.
Luật bầu cử còn cấm công chức và các thành viên thuộc các hàng giáo phẩm gia nhập các chính đảng.
Cũng cần nhắc lại rằng NLD đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng quân đội đã không chịu công nhận kết quả và bỏ tù hay buộc nhiều người lãnh đạo NLD phải đi sống lưu vong.
Chính phủ Miến Điện chưa loan báo ngày bầu cử.
Miến Điện đã công bố các luật lệ khắt khe cho các cuộc bầu cử lịch sử, trong đó có điều khoản đòi hỏi các chính đảng phải khai trừ bầt kỳ thành viên nào đang bị cầm tù, kể cả lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi. Giới hoạt động cho nhân quyền lên án các luật lệ này là một mưu toan bịt miệng phe đối lập. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.