Tổ chức Y sĩ Không biên giới nói rằng những người Rohingya vô tổ quốc tại Bangladesh đang phải chịu đựng các mức độ chưa từng có về bạo động và những mưu toan buộc họ quay trở về Miến Điện, còn gọi là Myanmar.
Hôm nay, tổ chức cứu trợ này nói kể từ tháng 10, 6,000 người Rohingya đã chạy trốn đến một trại tỵ nạn dựng tạm ở Kutupalong, gần biên giới giáp với Miến Điện, để tránh bị xách nhiễu và đánh đập.
Tổ chức Y sĩ Không biên giới có một chẩn y viện ở trại này và cho biết nhân viên của họ đã chữa trị cho những người Rohingya bị đánh đập dưới tay người Bangladesh, kể cả cảnh sát.
Ông Paul Critchley là người đứng đầu phái bộ của tổ chức này ở Bangladesh.
Ông Critchley nói: “Các bệnh nhân kể với chúng tôi rằng trong một số trường hợp họ đã bị giao cho đội Súng trường Bangladesh, là lực lượng biên phòng của nước này – họ bị đánh đập và buộc phải bơi qua sông để trở về Myanmar.”
Dự án Arakan, một tổ chức bênh vực nhân quyền cho người Rohingya, cho biết trong tháng trước mấy trăm người Rohingya không đăng ký ở Bangladesh đã bị bắt hoặc buộc phải trở về Miến Điện.
Ông Critchley nói với các nhà báo ở Bangkok rằng người Rohingya chạy trốn bạo lực bị buộc phải sống trong các điều kiện thiếu vệ sinh và chen chúc ở trại Kutupalong.
Ông cho biết họ sống dưới những tấm plastic dựng lên bằng những cây gậy. Họ không được phép đi làm và rất cần sự giúp đỡ.
Ông Critchley nói tiếp: “Phải chấm dứt tình trạng đàn áp này. Khối dân này rất cần được sự bảo vệ mà chính phủ Bangladesh cần phải cung cấp. Bởi vì chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ và cung cấp an ninh cho tất cả mọi người ở bên trong biên giới của họ. Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc phải có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ khối dân này.
Ông Critchley cho biết có khoảng 29,000 người Rohingya hiện ở trong trại, nhưng con số này đang tăng nhanh và tình hình có thể trở nên tệ hại hơn.
Tổ chức Y sĩ Không biên giới nói riêng trong tháng 1, đã có tới 2,000 người Rohingya đến trại để xin giúp đỡ.
Rohingya là một nhóm thiểu số hồi giáo ở Miến Điện không được chính phủ quân nhân nước này thừa nhận. Từ nhiều thập niên, họ đã đi chạy trốn sự ngược đãi và nghèo khó ở Miến Điện.
Có khoảng 200,000 người Rohingya sinh sống ở Bangladesh.
Tổ chức Y sĩ Không biên giới nói rằng có 28,000 người được thừa nhận là dân tỵ nạn và sống trong các trại được Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc bảo trợ. Số còn lại, theo tổ chức này, chật vật để sống còn mà không được thừa nhận và sự trợ giúp chẳng có bao nhiêu.
Tổ chức cứu trợ y tế Y sĩ Không biên giới nói rằng một cuộc trấn áp tàn bạo tại Bangladesh nhắm vào dân di trú từ Miến Điện đang biến thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tổ chức này cho hay hàng ngàn người thuộc sắc dân thiểu số Rohingya đã chạy trốn đến một trại tỵ nạn dựng tạm ở biên giới giáp với Miến Điện, nơi họ sống trong tình trạng thiếu vệ sinh. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.