Quốc hội Miến Điện bầu cựu Thủ tướng trung thành với quân đội làm Tổng thống

Cựu Thủ tướng Miến Điện Thein Sein

Quốc hội Miến Điện do quân đội kiểm soát đã bầu tổng thống đầu tiên của nước này, và đó là ông Thein Sein, một người trung thành với quân đội. Tuy một người thuộc khối dân sự nay đứng đầu chính phủ trên danh nghĩa, các chuyên gia cho rằng quân đội vẫn tiếp tục nắm giữ quyền hành, nhưng vẫn có cơ hội cho sự thay đổi dần dà.

Hôm nay, quốc hội Miến Điện đã bầu cho một vị cựu tướng lãnh, Thủ tướng Thein Sein, vào chức vụ tổng thống đầu tiên trong chính phủ dân sự mới của nước này.

Ông Thein Sein được chọn trong số 2 người khác trung thành với quân đội, sẽ giữ chức phó tổng thống.

Khi còn là thủ tướng, ông đã là bộ mặt quốc tế của chính quyền quân nhân Miến Điện và được coi là được nhiều người tán đồng để chọn làm tổng thống.

Ông đã ra khỏi quân đội để lãnh đạo Đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển, tức USDP đến chỗ thắng lợi trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái.

Chính phủ nói cuộc bầu cử là chìa khóa mở đường cho sự chuyển tiếp qua một thể chế dân chủ dân sự.

Đảng USDP, được quân đội hậu thuẫn, đã chiếm gần 80 phần trăm số ghế. Các tổ chức nhân quyền gọi cuộc bầu cử là một trò giả trá và các đảng đối lập đã khiếu nại về tình trạng gian lận phiếu và hăm dọa cử tri.

Ông Carl Thayer là một giáo sư chuyên về Đông nam châu Á của Học viện Quốc Phòng Australia. Ông nói bất kể một ban lãnh đạo dân sự mới, quân đội vẫn là lực lượng ngự trị tại Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, nhưng ông đặt hy vọng vào sự thay đổi.

Ông nói: “Nếu lấy Indonesia làm ví dụ, một khi ta tạo ra được những quyền lợi khác nhau giữa quân đội dân sự hóa so với chính quân đội chuyên nghiệp, và trong khi Miến Điện cởi mở thêm, thì điều ta thấy ở Indonesia trong trật tự mới là một sự rạn nứt giữa quân đội và chế độ Suharto và các đồng minh của chế độ. Điều ấy cũng có thể xảy ra tại Myanmar.”

Quốc hội Miến Điện đã họp trong tuần này lần đầu tiên từ hai thập niên để bầu ra tổng thống, người sau đó sẽ bổ nhiệm một chính phủ.

Chưa rõ liệu Tướng Than Shwe có còn đứng đầu quân đội hay không, nhưng ông Thayer cho rằng có phần chắc là vị tướng này sẽ giữ lại một số quyền hành, ít nhất là trong lúc này.

Ông nói: “Đóng một vai trò ở hậu trường, tìm cách bảo vệ lãnh địa của ông ta, quyền lợi gia đình của ông ta, và thao túng. Nhưng ở tuổi 77, ông sẽ đi theo con đường của các nhà độc tài khác, và rồi ra, dân chúng cũng sẽ chẳng còn để ý tới ông vì chẳng ai thoát được khỏi vòng sinh tử. Sau đấy thì những thuộc hạ trung thành và những tay phò tá sẽ bắt đầu việc sắp xếp của họ.”

Quân đội đã không cho dân chúng theo dõi các phiên họp quốc hội và loan báo những quy định gắt gao về việc nêu ra những câu hỏi để ngăn chặn việc tranh luận những vấn đề mà quân đội không muốn đưa ra bàn thảo.

Hiến pháp do quân đội dự thảo dành 1 phần tư số ghế tại quốc hội cho quân đội, ngay trước các cuộc bầu cử.