Đặc sứ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện nói ông rất tiếc là chính quyền Miến Điện đã không cho ông gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Miến Điện đang bị quản chế tại gia.
Đặc sứ Tomas Ojea Quintana hôm thứ Sáu nói với các ký giả là ông đặc biệt thất vọng vì bị từ chối, bởi lẽ Miến Điện năm nay dự kiến sẽ mở cuộc tuyển cử đầu tiên từ 20 năm qua.
Ông nói chính quyền đã không đưa ra lý do nào.
Hôm thứ Sáu, ông Quintana đã gặp một số viên chức chính phủ để bàn về cuộc tuyển cử và những vấn đề khác. Ông cho biết không ai nói với ông chừng nào thì cuộc tuyển cử được tổ chức, hoặc bao giờ thì qui luật về cuộc bầu cử sẽ được loan báo.
Ông cho biết thêm, chính phủ Miến Điện cũng từ chối phóng thích bất kỳ tù nhân chính trị nào và thậm chí cũng không thừa nhận sự tồn tại của các tù nhân đó.
Viên đặc sứ đã đưa ra những nhận định trên vào thời gian cuối của chuyến đi thăm Miến Điện 5 ngày.
Những giới chức mà đặc sứ Quintana gặp hôm thứ Sáu gồm có Trung tướng Maung Oo Bộ trưởng Nội vụ, Aung Kyi Bộ trưởng Lao động, Chánh án Aung Toe, Bộ trưởng Tư pháp U Aye Maung, và Tư lệnh Cảnh sát Khin Ye.
Oâng Quintana cũng đã gặp các thành viên thuộc Ủy Ban nhân quyền Miến Điện tại Nay Pyi Daw.
Oâng còn gặp 5 thành viên cấp cao của Đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ tại một khách sạn ở Rangoon hôm thứ Năm.
Ngoài ra, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc có đến thăm nhà tù Insein khét tiếng, nơi giam giữ nhiều tù chính trị.
Lãnh đạo quân sự Miến Điện từng cam kết triệu tập tuyển cử năm nay, lần đầu tiên kể từ 2 thập niên qua.
Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ đang phản đối một số qui luật về cuộc bầu cử năm nay. Phát ngôn viên của đảng Khin Maung Swe cho biết thành viên đảng muốn gặp bà Aung San Suu Kyi trước khi quyết định có tham gia ứng cử hay không.
Ông Quintana được gặp ông Tin Oo, 82 tuổi, nhân vật số 2 của Liên minh vừa được trả tự do trong tuần qua.
Ông cũng gặp ông Win Tin, người tù chính trị bị giam giữ lâu nhất cho tới khi được thả năm 2008.