Tháng 2 năm ngoái, thêm một lần nữa, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN – nhân vật vẫn được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ca ngợi là thủ lĩnh của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để chỉnh đốn đảng – dõng dạc tuyên bố: Phòng – chống tham nhũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được (1)!
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy đúng là... “phòng – chống tham nhũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp” vì dường như đảng đặc biệt yêu thích... “khó khăn” và... “phức tạp”! Ngắm nghía những bằng chứng ấy sẽ thấy... “bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính” của cả cá nhân Tổng Bí thư lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức thực sự thế nào! Ví dụ hãy cùng xem ví dụ mới nhất: Cách Thành ủy, UBND TP.HCM xử lý ông Lê Minh Tấn...
***
Hồi đầu tháng này, Thành ủy TP.HCM... nhất trí cho ông Lê Minh Tấn, 59 tuổi, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội (Sở LĐTBXH) TP.HCM nghỉ hưu sớm “theo nguyện vọng cá nhân vì lý do sức khỏe”.
Đến cuối tuần trước, UBND TP.HCM công bố kết luận liên quan đến các tố cáo về ông Lê Minh Tấn. Kết luận này giống như nhiều kết luận khác về các viên chức bị tố cáo đã từng được công bố trước đây, vừa chứng minh... “phòng – chống tham nhũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp”, vừa minh họa cho... “bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính” của các viên chức từ trên xuống dưới trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam!
Theo UBND TP.HCM, tố cáo “ông Tấn tự ký quyết định công nhận ông đạt danh hiệu ‘Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở’ suốt từ năm 2017 đến nay”, là... “không có cơ sở”. Tuy nhiên UBND TP.HCM không phủ nhận chuyện ông Tấn từng bị UBND TP.HCM kỷ luật vào năm 2016, bị UBND TP.HCM phê bình liên tục từ năm 2017, bị UBND TP.HCM dựa theo Kết luận của Thanh tra TP.HCM năm 2020, truy cứu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức sai quy định. Cũng theo UBND TP.HCM, việc Sở LĐTBXH TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM tặng bằng khen cho ông Lê Minh Tấn vì ‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục (2019 -2020)’ chỉ... ‘chưa phù hợp quy định’.
Không có cái gọi là... “bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính”, chắc chắn không thể phủi sạch những sự kiện có thật (dù liên tục bị phê bình, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm nhưng ông Tấn vẫn được công nhận ‘Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở’ suốt năm năm), cũng không thể thẳng tay gạt bỏ, chủ động... ngưng lại, không truy cứu đến cùng trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các hành vi... ‘chưa phù hợp quy định’, để dõng dạc kết luận... “không có cơ sở”!
Tố cáo “ông Tấn không đủ trình độ về học vấn và chuyên môn, có dấu hiện khai khống, khai gian về trình độ học vấn và chuyên môn để được cử đi học, được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống đảng, nhà nước” cũng đã được UBND TP.HCM xác định là... “không có cơ sở”! Cho dù UBND TP.HCM thừa nhận “việc ông Tấn chưa có bằng tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc, bằng tốt nghiệp đại học, chưa được bổ nhiệm công chức theo quy định mà được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hưởng lương chuyên viên, chuyên viên chính, bổ nhiệm giữ chức vụ, lãnh đạo, quản lý” là... “chưa đúng quy định”.
Dẫu “chưa đúng qui định” trong chuyện vừa đề cập đã tạo ra một ông... “chuyên viên chính, có trình độ ‘Thạc sĩ Xây dựng đảng và chính quyền’, Cao cấp Lý luận chính trị” thường xuyên làm sai, gây ra hết scandal này tới scandal khác nhưng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thì... “qui định”, không phải là... “cơ sở” để xử lý những hành vi... “chưa đúng”. Phòng – chống tham nhũng, tiêu cực theo phương thức như thế thì “công cuộc” này dứt khoát phải... “vô cùng khó khăn, phức tạp”!
Tương tự, tố cáo “ông Tấn sử dụng công xa và tài xế của Sở LĐTBXH TP.HCM phục vụ mục đích cá nhân từ năm 2016 đến nay” cũng được xác định là... “không có cơ sở”. Chuyện “tập thể Thường trực Đảng ủy và tập thể Ban Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM chấp thuận tạo điều kiện cho Bí thư đảng ủy, Giám đốc sở sử dụng công xa đi công tác tại các tỉnh, kết hợp về huyện Củ Chi (nơi có tư gia của ông Tấn) và gửi công xa này tại nhà để xe của Văn phòng Huyện ủy Củ Chi” chỉ được xem là... “chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm, bức xúc trong dư luận” và Sở LĐTBXH nên “nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng công chức, viên chức”.
Nếu xác định tố cáo là... “có cơ sở” thì không chỉ ông Tấn phải “chịu trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế” liên quan tới việc lạm dụng công xa, công quỹ, công chức thỏa mãn nhu cầu cá nhân suốt sáu năm mà còn phải xử lý... “tập thể Thường trực Đảng ủy và tập thể Ban Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM” do đã nhất trí... “tạo điều kiện cho Bí thư đảng ủy, Giám đốc sở” như thế. Rộng hơn, phải xử lý cả Thành ủy, UBND TP.HCM bởi đã dung dưỡng “tập thể Thường trực Đảng ủy và tập thể Ban Giám đốc” một sơ quan cấp sở giúp ông Tấn lãng phí, tham nhũng công sản. Sử dụng “không có cơ sở” chính là phương thức để gia tăng mức độ... “gian khổ” trong “phòng chống tham nhũng tiêu cực” vốn đã “khó khăn, phức tạp” (2)...
Xem kết luận của UBND TP.HCM về các tố cáo liên quan đến ông Lê Minh Tấn, có thể thấy, chuyện ông Tấn chỉ đạo chia 461 triệu đồng mà Sở LĐTBXH TP.HCM tổ chức vận động để hỗ trợ Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, cho ông và 20 thành viên khác trong Sở LĐTBXH TP.HCM (Giám đốc và Phó giám đốc, Chánh và phó Văn phòng, Trưởng phòng, Chuyên viên Văn phòng) cũng nằm trong nhóm... “không có cơ sở” nên không... đề cập, không... “xử lý”
***
Hồi đầu năm nay, Phó ban Nội chính của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, thay mặt cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng – chống tham nhũng, nhận định: Công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là nhờ chỉ đạo của Tổng Bí thư - linh hồn, chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dù gặp nhiều áp lực, khó khăn nhưng mọi người luôn nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ (3)!
Quan sát hoạt động và hiệu quả của “công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực” tại Việt Nam sẽ thấy hiệu quả lớn nhất là giúp tất cả mọi người cả trong lẫn ngoài Việt Nam nhận ra, “công cuộc” này càng ngày càng... “khó khăn” và... “phức tạp”. Vì sao có... “linh hồn”, có... “chỗ dựa vững chắc”, có người để... “nhìn vào”, vì sao các thành viên trong hệ thống có... “bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính” mà lại như thế? Xin mượn lập luận của ông Trọng thay cho câu trả lời: Mình phải thế nào thì mới như thế chứ!
Chú thích
(2) https://vtc.vn/tp-hcm-ket-luan-nhieu-noi-dung-to-cao-ong-le-minh-tan-khong-co-co-so-ar679091.html