Ba báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã gửi một bức thư tới chính phủ Việt Nam để bày tỏ quan ngại về nguy cơ tử tù Nguyễn Văn Chưởng có thể bị hành quyết và kêu gọi chính quyền không thi hành bản án đang gây nhiều tranh cãi.
Bức thư được công bố tuần qua, hai tháng sau khi các báo cáo viên đặc biệt gửi tới chính phủ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thư được gửi ở thời điểm sau một tuần kể từ khi gia đình ông Chưởng bất ngờ nhận được thông báo từ chính quyền về việc thi hành bản án của ông sau hơn 16 năm bị giam giữ.
Trong bức thư đề ngày 10/8, các báo cáo viên đặc biệt nói họ nhận được thông tin liên quan đến tử tù 40 tuổi bị kết án tử hình “bất chấp những cáo buộc đáng tin cậy về việc tra tấn và vi phạm quyền được xét xử công bằng.”
Vào ngày 4/8, gia đình ông Chưởng được Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng thông báo về quyết định thi hành án tử hình ông. Bố của ông, ông Nguyễn Trường Chinh, lúc đó cho VOA biết gia đình ông không làm đơn nhận tử thi hay tro cốt của con mình vì họ tin rằng ông Chưởng bị kết án oan sai.
Ông Chưởng bị kết án tử hình vào tháng 7/2007 sau khi bị kết tội giết một thiếu tá công an. Trong suốt quá trình xét xử và 16 năm bị giam giữ, ông Chưởng luôn khẳng định mình không giết người và nói rằng ông bị tra tấn để buộc phải nhận tội mà ông không làm. Tòa án Việt Nam đã dùng lời “thú tội” này để kết án ông.
“Trong số các bằng chứng được sử dụng để kết tội (ông Chưởng) là lời thú tội của ông được cho là đã được lấy thông qua ép buộc”, các báo cáo viên viết trong bức thư. “Thông tin nhận được cho thấy sự tàn bạo của công an, với các chi tiết cách nghi phạm bị còng tay, đánh đập và đe dọa cho đến khi họ thú nhận tội”.
Trong các bức thư bí mật gửi cho gia đình từ trại giam, ông Chưởng nói rằng ông bị điều tra viên đánh đập “đến không thở được” và bị ép phải viết lời nhận tội mà sau đó ông đã rút lại.
Các tổ chức quốc tế, khi lên tiếng kêu gọi ngừng thi hành án tử hình ông Chưởng, cũng nói rằng công an Việt Nam “bỏ qua những bằng chứng quan trọng” và “bất chấp các bằng chứng ngoại phạm rõ ràng” để lấy “lời thú tội bị ép buộc” nhằm kết án ông Chưởng lúc ông 24 tuổi.
Gia đình ông Chưởng cho biết ông ở Hải Dương, cách Hải Phòng, nơi xảy ra vụ án, 40km tại thời điểm người thiếu tá công an bị giết hại.
Các báo cáo viên của LHQ cho rằng nếu những thông tin nhận được được xác thực thì việc hành quyết ông Chưởng sẽ “vi phạm quyền được sống của ông ấy” theo các điều khoản được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam phê chuẩn.
“Do tính cấp bách của vấn đề và tính không thể đảo ngược của việc thi hành án tử hình, chúng tôi trân trọng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Việt Nam đảm bảo rằng ông (Chưởng) không bị xử tử”, các báo cáo viên viết trong bức thư, trong đó bôi đen tên của ông Chưởng khi công bố ra công chúng.
Your browser doesn’t support HTML5
Ba báo cáo viên đặc biệt – chuyên về các vụ hành quyết phi pháp, chóng vánh và tùy tiện; tính độc lập của thẩm phán và luật sư; và tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ nhục – cho rằng việc xử tử ông Chưởng, dựa trên những thông tin mà họ nhận được, có thể “cấu thành một sự vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và cấu thành một vụ hành quyết tùy tiện”. Họ kêu gọi chính phủ Việt Nam khoan hồng hoặc giảm án cho ông Chưởng.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Các báo cáo viên yêu cầu Việt Nam trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thư, nếu không sẽ công khai bức thư. Họ nói rằng vấn đề này là một trong những mối quan tâm của công chúng và công chúng nên được biết về việc này cũng như những ý nghĩa nhân quyền trong đó.
Hàng chục các nước thành viên khối liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án ông Chưởng nhưng chính phủ ở Hà Nội chưa công khai bất kỳ phản hồi hay tuyên bố nào liên quan đến việc này.
Ông Chinh, bố ông Chưởng, cho biết ông lo ngại con trai ông có thể bị thi hành án sau khi một tử tù khác được cho là cũng bị kết án oan, Lê Văn Mạnh, đã bị hành quyết hôm 22/9. Luật sư Đặng Đình Mạnh lúc đó nói với VOA rằng chính quyền có thể đã “dùng phép thử dư luận” khi thi hành án ông Mạnh để tiến tới hành quyết các tử tù tiếp theo. Ông Chinh nói gia đình ông vẫn đang tiếp tục kêu oan cho con trai mình.