Các công ty du lịch lữ hành Việt Nam đang mong chờ làn sóng du khách Trung Quốc quay trở lại như trước dịch sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế đi lại mặc dù vẫn còn những lo ngại về việc lây lan COVID-19, theo tìm hiểu của VOA.
Trung Quốc là một trong những thị trường khách du lịch lớn nhất và chi tiêu nhiều nhất trên thế giới và các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia và Việt Nam là những điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc.
Riêng Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2019 - tức là trước khi Trung Quốc đóng cửa với thế giới bên ngoài để tập trung chống dịch Covid-19 - nước này đã đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế.
Kể từ ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau ba năm chống dịch và ngành du lịch Việt Nam cũng như các hãng lữ hành đã có những bước chuẩn bị để đón lượng khách quan trọng này quay trở lại.
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Minh Nhi ở công ty du lịch Hải Đăng ở Hà Nội, nói rằng do Trung Quốc mở cửa lại ngay trước thềm Tết Nguyên đán nên phải chờ một thời gian sau Tết thị trường du khách nước này mới thực sự bùng nổ.
Khi được hỏi có lo lắng về dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại khi du khách Trung Quốc ồ ạt quay trở lại hay không, ông Nhi nói công ty ông ‘sẽ làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng’.
Theo lời ông, trong thời gian Trung Quốc đóng cửa, ‘gần như thị trường du lịch bị đóng băng’. “Các công ty chuyên về khách Trung Quốc bị ảnh hưởng 100%, không triển khai tour được, không có thu nhập, phải sa thải nhân viên”, ông nói.
“Công ty tôi hoạt động với nhiều thị trường khác nhau. Trung Quốc chiếm khoảng 20% thị phần nhưng chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch”, ông nói.
Lý do du khách Trung Quốc chưa đi du lịch nước ngoài ngay sau khi mở cửa là do họ đang ‘nghe ngóng tình hình từ những người đã đi rồi’, hay ‘chờ cấp lại hộ chiếu’, hay ‘bị ảnh hưởng dịch bệnh’, tờ Sài Gòn Tiếp thị dẫn lời ông Từ Quý Thành, giám đốc Công ty du lịch Travelink, cho biết.
Theo lời ông Thành, phía đối tác Trung Quốc đã bắt đầu hỏi thông tin về sản phẩm nhưng vẫn chưa đưa khách trở lại. Ông giải thích là do phía họ cũng bị thiệt hại nặng nề trong dịch nên cần thời gian để phục hồi.
Bà Ngô Việt Hoàng, giám đốc công ty lữ hành Liên Đại Dương ở thành phố Hồ Chí Minh, cho VOA biết hiện giờ ‘khách Trung Quốc có xu hướng đi lẻ nhiều thay vì đi theo đoàn như trước đây’.
“Nếu khách Trung Quốc có yêu cầu đặt dịch vụ thì bên tôi vẫn làm bình thường như đối với du khách các nước khác thôi và tôi thường yêu cầu họ đặt tour từ 3-4 sao trở lên thì tôi mới làm”, bà nói.
Ông Thái Doãn Hồng, chủ tịch Công ty du lịch Công đoàn ở thành phố Hồ Chí Minh, được báo Đầu tư dẫn lời nói sau ba năm không phục vụ khách Trung Quốc, các hãng lữ hành cần thời gian để khởi động trở lại, chẳng hạn cải tạo lại phòng ốc khách sạn, tuyển dụng lại nhân lực biết tiếng Trung vốn đã thất nghiệp trong ba năm qua nên đã chuyển sang làm việc khác.
Mặc dù khách Trung Quốc được dự đoán sẽ ồ ạt trở lại Việt Nam từ quý 2 nhưng tỉnh Khánh Hòa, địa phương đón nhiều du khách Trung Quốc nhất cả nước, là một trong những địa phương tiên phong sớm đón khách Trung Quốc trở lại.
Ngay từ mùng 2 Tết đã có chuyến bay thẳng từ Thành Đô đến Cam Ram với trên 200 du khách, trang mạng VnExpress đưa tin.
Trước khi có dịch, du khách Trung Quốc chiếm đến 70% tổng lượng khách quốc tế đến tỉnh này, theo số liệu của giới chức du lịch Khánh Hòa được VnExpress dẫn lại.
Việt Nam hiện nay không đòi hỏi du khách Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được nhập cảnh mà chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng hay nghi ngờ mắc bệnh.
Không riêng Việt Nam, mà một số nước đông nam Á khác như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Indonesia cũng có chính sách không phân biệt đối xử với du khách Trung Quốc như yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính.
Về nguy cơ dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam với làn sóng du khách Trung Quốc, trang Zing dẫn lời Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho rằng trong thời gian tới ‘sẽ có biến động nhất định về số ca mắc Covid-19’.
Ông Phu nói khi du khách Trung Quốc tăng dần, cần đánh giá xem số ca mắc, nhập viện và chuyển nặng có tăng lên trong thời gian tới hay không, từ đó mới có những điều chỉnh về chính sách chống dịch cho phù hợp.