The Interview là cuốn phim mới nhất của Hollywood giả bắt chước các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Cuốn phim châm biếm lịch sự hơn của Charlie Chaplin vào năm 1940 The Great Dictator giả bắt chước nhà độc tài Adolf Hitler mà không sử dụng chính tên của ông hay tên nước ông. Năm 2004, hãng phim Paramount sản xuất cuốn phim châm biếm Team America chế giễu cựu lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, mà cũng không dùng tên của ông ta. Năm 2012, nghệ sĩ hài Sacha Baron Cohen – nổi tiếng về sự táo bạo trong nghệ thuật, đã mô tả một nhà độc tài Trung Đông xấu thói, tổng hợp các nhà lãnh đạo trong vùng.
Nhưng cuốn phim The Interview của hãng Sony – trong đó một ký giả nổi tiếng và nhà sản xuất của ông ta được CIA tuyển mộ để ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là cuốn phim đầu tiên của Mỹ trong đó một nhà độc tài đang cai trị bị chế giễu.
Bắc Triều Tiên gọi cuốn phim là ‘một hành vi chiến tranh,’ và các tay hacker đã đánh Sony bằng một cuộc tấn công mạng ồ ạt – mà Bắc Triều Tiên bị quy cho là thủ phạm – đăng các email và dữ liệu riêng tư khác có tính cách xúc phạm. Đã có những lời đe doạ nhắm vào các rạp hạt định chiếu cuốn phim. Ông Victo Cha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược nói rằng cuốn phim đã làm chạm nọc ở Bình Nhưỡng.
Ông giải thích, “trong một nghĩa nào đó, các cuốn phim gần như có tác dụng mạnh hơn cả các biện pháp chế tài kinh tế, các cuộc tập trận, bởi vì họ luôn có thể hô hào dân chúng thù nghịch phương tây, nhưng họ khó mà hô hào dân chúng chống việc phương tây chế giễu họ bởi vì nó sẽ nêu thắc mắc về giới lãnh đạo.”
Tự kiểm duyệt ở Hollywood?
Vụ tấn công mạng nhắm vào hãng Sony đã gây rối loạn Hollywood về mặt kinh tế và văn hoá và góp phần vào phản ứng tự kiểm duyệt. Hãng Sony rút phim ra khỏi thị trường. Hãng phim Paramount bãi bỏ việc đưa phim Team America ra chiếu lại và hãng phim New Regency bãi bỏ một dự án phim về Bắc Triều Tiên dự định khởi sự vào tháng 3 với diễn viên hài Steve Carrell.
Các nhân vật lừng lẫy ở Hollywood như Mia Farrow, Michael Moore và George Clooney đã chỉ trích việc Sony tự kiểm duyệt. Tổng thống Obama nói Sony đã “phạm lỗi lầm” khi rút lại cuốn phim. Tại một cuộc họp báo, ông nói “chúng ta không thể có một xã hội trong đó một nhà độc tài nào đó ở nơi nào đó có thể khởi sự áp đặt việc kiểm duyệt ở Hoa Kỳ này.”
Một số nhà phê bình phim đã xem cuốn phim hài cũng không tỏ ra có thiện cảm. Họ mô tả cuốn phim là thô thiển và tầm thường, và một số đã nêu thắc mắc về sự tự mãn của Hollywood trong việc chế giễu các nền văn hoá khác … nhất là khi các nền văn hoá đó không biết đùa.
Ông Victor Cha nêu ra sự cách biệt về văn hoá này, và nói, “Đó là một điều không quen thuộc với bởi vì họ mô tả một hình ảnh bên trong nước họ về việc giới lãnh đạo, gia đình lãnh đạo thực sự là điều gần nhất với Thượng Đế.”
Và trong khi việc công chiếu cuốn phim The Interview đã bị huỷ bỏ, sự kiện Hollywood suy ngẫm về vấn đề vạch ra lằn ranh ở chỗ nào giữa quyền phát biểu nghệ thuật với việc chế giễu các nền văn hoá khác có thể mới bắt đầu.