Hôm 13/6, các nhóm nhân quyền kêu gọi Thái Lan không dẫn độ một nhà hoạt động Việt Nam bị giam giữ ở Bangkok, nói rằng ông này có thể gặp nguy hiểm nếu bị trả về Việt Nam, AP đưa tin.
Ông Y Quynh Bdap, người được cấp quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, bị cảnh sát địa phương bắt giam hôm 11/6, một ngày sau khi ông gặp các quan chức Đại sứ quán Canada khi ông xin tị nạn ở đó, theo Tổ chức Quyền Hòa bình, một tổ chức ở Thái Lan đã liên lạc với ông ấy trước đó.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Bảo vệ Công lý cho người Thượng, đã bị kết án vắng mặt tại Việt Nam vào tháng 1/2024 với cáo buộc rằng ông có liên quan đến việc tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính quyền ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6 năm ngoái.
Chính quyền Việt Nam đã truy lùng ông ở Thái Lan, với sự hỗ trợ của Thái Lan, khiến ông phải lẩn trốn 6 tháng trước, ông Bdap cho biết trước khi bị bắt trong một tuyên bố qua video.
Trong đoạn video ngày 7/6, do Kannavee Suebsang, một nhà lập pháp đối lập Thái Lan hoạt động tích cực trong các vấn đề nhân quyền, cung cấp cho hãng tin Associated Press (AP), ông Bdap nói ông “hoàn toàn không liên quan gì đến vụ bạo lực đó”.
Ông Bdap, 32 tuổi, người đã trốn sang Thái Lan vào năm 2018, phát biểu: “Tôi là một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho tự do tôn giáo và ủng hộ nhân quyền”.
“Hoạt động của tôi rất ôn hòa, chỉ bao gồm việc thu thập và viết báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”, ông Bdap nói trong video.
Cơ quan quản lý nhập cư Thái Lan nói với AP rằng họ sẽ xem xét vụ việc nhưng sau đó không hề cung cấp bất kỳ thông tin hay bình luận nào.
Your browser doesn’t support HTML5
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ông Bdap hiện đang bị giam tại một nhà tù ở Bangkok để chờ phiên xét xử về dẫn độ. Quá trình này có thể mất khoảng một tuần.
UNHCR, cơ quan của Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, nói họ không thể bình luận về các trường hợp riêng lẻ, nhưng họ “tích cực hợp tác” với chính phủ Thái Lan để đảm bảo các nghĩa vụ quốc tế cơ bản được tôn trọng, bao gồm cả việc không ép buộc người tị nạn trở về một quốc gia nơi họ có thể sẽ phải chịu sự bách hại.
Người phát ngôn UNHCR Liana Bianchi nói: “Các quốc gia có trách nhiệm chính về bảo vệ và bảo đảm an toàn cho những người trên lãnh thổ của họ, bao gồm cả người tị nạn và người xin tị nạn cũng như những người có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu bị hồi hương”.
Các cuộc gọi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đều không được trả lời.
Việt Nam lâu nay vẫn bị các nhóm nhân quyền và các bên khác chỉ trích vì cách đối xử với người Thượng thiểu số ở trong nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay nhiều người đã bị buộc phải xin tị nạn ở Campuchia và Thái Lan vì chính quyền Việt Nam đe dọa cộng đồng của họ, bắt giữ tùy tiện và họ bị ngược đãi trong thời gian giam giữ.
Bà Bryony Lau, phó giám đốc về châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Y Quynh Bdap sẽ gặp rủi ro thực sự nếu bị đưa về Việt Nam”.
“Chính quyền Thái Lan nên trả tự do ngay lập tức cho người tị nạn và người ủng hộ tự do tôn giáo nổi tiếng này. Việc trả lại ông ấy cho Việt Nam sẽ vi phạm nghĩa vụ của Thái Lan theo luật pháp Thái Lan và quốc tế”, bà Lau nói.
Ngoài ra, HRW cũng chỉ trích Thái Lan về hành vi đưa những người bất đồng chính kiến từ Campuchia, Việt Nam, Lào và Trung Quốc về nước với những số phận vô định, về điều này, HRW nói trong một báo cáo gần đây rằng đó là một hình thức đàn áp xuyên quốc gia có qua có lại, trong đó các nước kia trục xuất những người bất đồng chính kiến bị Thái Lan truy nã về nước.
Thái Lan đã phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức đưa đi mất tích, có hiệu lực từ ngày 13/5, nhưng không rõ liệu trường hợp của ông Bdap có thuộc thẩm quyền của nước này hay không.
Ông Kannavee nói: “Sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc xác định nơi chốn của các nhóm đối lập bị đàn áp là một tình huống đáng lo ngại đối với nhân quyền”.
Ông dẫn chứng các nhà hoạt động Thái Lan bị chết ở Lào và các nhóm đối lập Campuchia bị vây bắt ở Thái Lan.
Ông Kannaveee nói tiếp: “Điều này đang xảy ra khắp nơi”.
“Sự đàn áp xuyên quốc gia thực sự đã xảy ra và việc bàn giao của những người bất đồng chính kiến này diễn ra thường xuyên, dù là bí mật hay công khai”, vẫn lời ông Kannaveee.
Ông Bdap bị kết án vào tháng 1 về tội khủng bố và bị kết án vắng mặt 10 năm tù vì bị cáo buộc liên quan đến vụ bạo loạn ở Đăk Lăk, vào thời điểm ông đang ở Thái Lan.
Trong vụ này, tổng cộng có khoảng 100 người đã bị xét xử vì cáo buộc liên quan đến vụ bạo loạn tại hai trụ sở chính quyền cấp xã, trong đó 9 người thiệt mạng, bao gồm cả 4 viên công an và 2 quan chức chính quyền. Báo Vietnam News đưa tin 53 người đã bị kết án về tội “khủng bố chống lại chính quyền nhân dân”.
Vài ngày sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng bác bỏ những lời chỉ trích rằng Việt Nam đã sử dụng phiên tòa như một cơ hội để trấn áp người dân tộc thiểu số, nói rằng chính phủ cần phải “xử lý nghiêm khắc chủ nghĩa khủng bố theo luật quốc tế”.
Bà Hằng phát biểu: “Mọi dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng”.
Tổ chức Quyền Hòa bình nhận xét rằng không giống như những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ bị chính quyền Thái Lan giam giữ vô thời hạn, ông Bdap phải đối mặt với mối đe dọa dẫn độ cao hơn kể từ khi ông bị kết án hình sự ở Việt Nam.
Trong video ghi lại trước khi bị bắt, ông Bdap thỉnh cầu “sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước dân chủ”.
“Xin hãy bảo vệ tôi”, ông nói.