Các ni cô công phu múa võ để mở cửa lại ni viện ở Nepal

NEPAL-NUNS/KUNGFU

Khoảng một chục ni cô đã thực hiện các cú chặt bằng tay và cú đá cao, một số còn múa kiếm, khi họ trình diễn võ công trước hàng trăm người chúc mừng tại lễ mở cửa trở lại ni viện của họ ở Nepal vốn đã được chờ đợi từ lâu.

Các ni sư của Tu viện Druk Amitabha trên đỉnh đồi đã có màn trình diễn sức mạnh để đánh dấu việc mở cửa trở lại ni viện năm năm sau khi đại dịch COVID-19 khiến nó phải đóng cửa với công chúng.

Những ni cô có võ công này, trong độ tuổi từ 17 đến 30, là môn đồ của dòng truyền thừa Drukpa với chiều dài 1.000 năm, mà ở đó chư ni được đặt ngang hàng với chư tăng và là dòng ni duy nhất trong hệ thống Phật giáo vốn chú trọng vào tăng đoàn.

Thông thường, các ni cô phải nấu ăn và dọn dẹp và không được phép luyện tập bất kỳ môn võ nào. Nhưng Đức Gyalwang Drukpa, vốn có địa vị chỉ thấp hơn Đức Đạt Lai Lạt Ma một chút trong thang bậc Phật giáo Tây Tạng, đã quyết định dạy võ công cho các ni cô để nâng cao sức khoẻ và sự an lạc của họ.

Ông mở ni viện vào năm 2009 và hiện có 300 ni cô đang tu tập trong độ tuổi từ 6 đến 54.

“Chúng tôi luyện võ để giữ cho bản thân khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất, và mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy sự lớn mạnh phụ nữ và bình đẳng giới,” Jigme Jangchub Chosdon, 23 tuổi, ni cô đến từ Ladakh ở Ấn Độ, cho biết.

Các ni cô đến từ Bhutan, Ấn Độ và Nepal và tất cả đều được học công phu, tức võ công Trung Hoa để tự vệ và có sức mạnh.

“Với sự tự tin khi biết võ công, tôi thực sự muốn giúp cộng đồng, các cô gái trẻ tạo dựng được sức mạnh cho chính họ,” Jigme Yangchen Gamo, 24 tuổi, ni cô đến từ Ramechhap ở Nepal, nói.

Trang web của tu viện nói rằng sự kết hợp giữa bình đẳng giới, sức mạnh thể chất và sự tôn trọng đối với tất cả chúng sinh chính là sự trở lại ‘cội nguồn tâm linh thực sự’ của dòng tu.

Trước đây, các ni sư đã hoàn thành các cuộc thám hiểm dài bằng cách đi bộ và đạp xe trên dãy Himalaya để gây quỹ cứu trợ thiên tai, cũng như cổ súy cho lối sống thân thiện với môi trường.

Ni cô Jigme Konchok Lhamo, 30 tuổi, đến từ Ấn Độ, cho biết mục tiêu chính của cô là đạt được giác ngộ như Đức Phật, người khai sáng Phật giáo cách đây 2.600 năm.

“Nhưng bây giờ tôi vẫn là người bình thường... Tôi nghĩ tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào giúp đỡ người khác,” cô nói. “Giúp đỡ tha nhân là tôn chỉ của tôn giáo chúng tôi.”