Các đồng minh NATO đã đồng ý viện trợ quân sự 40 tỷ euro cho Ukraine với vào năm tới, hai nhà ngoại giao Tây Âu nói với Reuters hôm 3/7, một tuần trước khi các nhà lãnh đạo của liên minh gặp nhau tại Washington.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã yêu cầu các đồng minh thực hiện cam kết cho nhiều năm, để duy trì viện trợ quân sự cho Kyiv ở mức tương tự như mức trước đây kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukraine hồi năm 2022, gộp chung lên tới khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.
Mặc dù các nước thành viên NATO không ủng hộ yêu cầu ban đầu của ông Stoltenberg là cam kết viện trợ nhiều năm như vậy, thỏa thuận này bao gồm điều khoản để xem xét lại mức đóng góp của các đồng minh tại các hội nghị thượng đỉnh NATO trong tương lai, theo một nhà ngoại giao.
Nhà ngoại giao này giấu tên này cũng cho biết các nước thành viên cũng quyết định sẽ soạn thảo hai phúc trình trong năm tới để xác định nước nào cung cấp thứ gì cho Ukraine, nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch hơn về việc chia sẻ gánh nặng giữa các nước trong liên minh.
Các quốc gia thành viên ‘đặt mục tiêu đáp ứng cam kết này thông qua các khoản đóng góp tương xứng’, thỏa thuận cho biết.
Cam kết tài chính này nằm trong gói hỗ trợ Ukraine lớn hơn mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhất trí khi họ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh Washington từ ngày 9 đến ngày 11/7.
Hồi tháng 6, các đồng minh đã quyết định rằng NATO sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine, để thay cho Mỹ trong nỗ lực giữ cho việc này không bị ảnh hưởng khi ông Donald Trump, người hoài nghi về NATO, đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai.
Sau cuộc xâm lược của Nga hồi năm 2022, Mỹ đã tập hợp các nước có cùng chí hướng tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức để tạo thành một khối các nước mà hiện có khoảng 50 thành viên nhóm họp thường xuyên để đáp ứng yêu cầu vũ khí của Kyiv.
Cái gọi là nhóm Ramstein này sẽ tiếp tục tồn tại với tư cách là diễn đàn chính trị do Mỹ dẫn đầu nhưng NATO sẽ tiếp quản ở cấp độ làm việc quân sự vốn bao gồm điều phối cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, các đồng minh vẫn còn mâu thuẫn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Washington về việc liệu có nên và làm thế nào để củng cố ngôn từ của NATO về tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong liên minh.
Quan điểm chính thức của NATO là Ukraine sẽ được kết nạp vào một ngày nào đó, nhưng không phải trong lúc nước này đang có chiến tranh. “Tương lai của Ukraine là ở NATO,” các nhà lãnh đạo khối tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius hồi năm ngoái.
Một số đồng minh muốn cách nói này được làm mạnh hơn để thể hiện rằng hội nghị thượng đỉnh tuyên bố con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là ‘không thể đảo ngược’, theo các nhà ngoại giao.