Các phiên tòa nêu nghi vấn về cải cách tư pháp ở Trung Quốc

Hình ký giả Cao Du trong cuộc biểu tình kêu gọi tự do cho bà bên ngoài các văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hồng Kông.

Ký giả bộc trực Cao Du của Trung Quốc đã phải ra tòa ở Bắc Kinh vì cáo buộc phổ biến bí mật nhà nước. Tại Tân Cương hôm nay, học giả người Uighur Ilham Tohti đã bị bác đơn kháng án tù chung thân về tội đòi ly khai. Thông tín viên VOA Shannon Van Sant tường trình về các phiên toà mà tổ chức Ân xá Quốc tế nói phơi bày sự giả dối sâu xa của nền pháp trị Trung Quốc.

Ký giả Cao Du 70 tuổi ra toà hôm nay ở Bắc Kinh. Trung Quốc cáo buộc bà là tiết lộ bí mật nhà nước. Phiên toà xử bà diễn ra cùng ngày với một phiên toà Trung Quốc bác đơn kháng án của luật sư kiêm học giả Ilham Tohti, bị cáo buộc tội đòi ly khai hồi tháng 9. Cả hai phiên toà diễn ra sau khi chính phủ trung ương Trung Quốc tuyên bố cải tiến pháp trị là một ưu tiên trong nghị trình cải cách của họ.

Toà thượng thẩm Tân Cương xét đơn kháng cáo của ông Tohti diễn ra bên trong một trung tâm giam giữ ở Urumqi, không nằm trong khuôn khổ thủ tục pháp lý ở Trung Quốc. Phiên xử cũng được hoạch định vội vàng đến nỗi không có luật sư nào của ông Tohti kịp tham dự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói việc xử lý vụ kháng án của học giả Tohti là một phần trong tiến bộ pháp trị của Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu phiên tòa hôm nay ở Tân Cương có phản ánh sự cải thiện pháp trị và hệ thống tư pháp của Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói việc xử lý vụ này là một phần trong tiến bộ pháp trị của Trung Quốc. Ông nói giới hữu trách tư pháp đã xử lý vụ này theo đúng luật pháp và không có nghi ngờ gì về tính độc lập của ngành tư pháp.

Cai trị đất nước theo đúng luật pháp là chủ đề chính thức của đại hội Đảng Cộng sản năm nay, trong đó Trung Quốc dành cho các toà án địa phương nhiều quyền tự trị hơn đối với đảng. Các giới chức Trung Quốc nay cũng tuyên thệ trung thành với hiến pháp của Trung Quốc. Ông William Nee là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức Ân xá Quốc tế.

“Tôi nghĩ việc xử lý các vụ án của bà Cao và ông Tohti đã nêu ra những thắc mắc về các cải cách hệ thống tư pháp Trung Quốc như đã hứa hẹn. Bà Cao bị giam giữ bí mật vào ngày 24 tháng 4 và chính thức bị bắt ngày 30 tháng 5. Đài truyền hình nhà nước Trung Quóc sau đó đưa tin về một lời thú tội của bà Cao, mà anh của bà tuần này cho là do bị cưỡng ép”'

Học giả người Uighur Ilham Tohti bị kết án tù chung thân vì tội đòi ly khai.

Vụ xử ông Tohti hồi tháng 9 cũng là một vụ xử kín. Ông Nee nói ông Tohti không được cho ăn 10 ngày và chân của ông bị cùm. Ông Nee cũng nói nhiều học sinh của ông Tohti đã bị nhà chức trách giam giữ nhiều tháng và buộc phải đưa ra bằng chứng chống lại ông Tohti.

Những người ủng hộ ông Tohti phản đối việc kết tội ông đòi ly khai và nói rằng ông chỉ là người ủng hộ quyền của người Uighur và muốn có hoà giải giữa người Hán và người thiểu số sắc tộc Uighur. Ông Nee nói trong khi Trung Quốc thực hiện các cải cách cấp thiết cho nền tư pháp thì không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích của các cải cách ấy.

“Hội Ân xá Quốc tế đã ghi nhận hơn 100 người ở lục địa Trung Quốc bị bắt giữ chỉ vì lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong, vì thế đây là một sự vi phạm thô bạo quyền tự do phát biểu, do đó đấy là một cảm giác một hệ thống song hành, nơi họ muốn quảng bá pháp trị trong đa số trường hợp nhưng khi có điều gì bị coi như nhạy cảm chính trị một cách độc đoán, thì họ vứt hết các luật lệ ra ngoài cửa sổ?".

Án tù chung thân của ông Tohti là bản án nặng nhất tuyên phạt trong 1 thập niên vì phát biểu chính trị bất hợp pháp.