Chín mươi tổ chức quốc tế hôm 6/6 gửi một thư ngỏ tới Hội Đồng Liên minh châu Âu và các thành viên của Quốc hội châu Âu để kêu gọi khối EU hủy bỏ hiệp định thương mại tự do đang thương thuyết với Việt Nam.
Trong danh sách các tổ chức ký tên vào kiến nghị này có Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ. Các tổ chức ký tên viện lý do họ đưa ra lời kêu gọi như vậy là vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.
Bảo vệ nhân quyền là tiền đề cho hiệp định thương mại. Quốc hội Đức sẽ cân nhắc bất cứ vi phạm luật quốc tế nào của Việt Nam, kể cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại EU-Việt Nam.Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức
Trong kiến nghị mà VOA-Việt Ngữ có trong tay, các tổ chức này nói “nếu các nước châu Âu tiến hành phê chuẩn hiệp ước thương mại với Việt Nam, khét tiếng là một kẻ thù của các quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do hội họp, thì đó là điều rất đáng hổ thẹn.”
Bức thư ngỏ lưu ý rằng trong năm qua, “số người hoạt động dân chủ ôn hòa và bloggers độc lập bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ tùy tiện tăng cao hơn bao giờ hết”.
Trong 4 tháng qua Việt Nam đã tiến hành 5 phiên tòa xét xử, kết án 10 blogger và những nhà hoạt động dân chủ về các tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” với những bản án tù dài hạn, lên tới 15 năm.
Các thành viên của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), trong đó có 2 luật sư, là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Bắc Truyển, nhận các bản án tổng cộng lên tới 66 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Tình trạng nhân quyền của Việt Nam thường xuyên bị quốc tế chỉ trích. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói hiện có 97 tù nhân chính trị đang bị giam cầm. Theo tổ chức này các blogger, luật sư và các nhà hoạt động bị giam cầm vì những ý kiến bất đồng với Đảng Cộng sản và các chính sách của chính quyền.
Việt Nam bác bỏ những cáo buộc này và vẫn một mực tuyên bố “không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’ ở Việt Nam” và “không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ.”
Nhiều các tổ chức dân sự và chính trị của Việt Nam ở nước ngoài ký tên trong thư ngỏ hôm 6/6 rằng nói rằng “EU chỉ nên mở rộng quan hệ kinh tế khi nào Hà Nội thả hết các tù nhân chính trị,và chứng minh họ tuyệt đối tôn trọng các quyền tự do thông tin và tự do hội họp.”
EVFTA và nhân quyền
Việt Nam và EU bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) cách đây hơn 5 năm. Hiệp định này ban đầu được dự kiến ký kết trong tháng 12/2017 nhưng sau đó được dự kiến thông qua vào mùa hè năm nay, theo lời của Đại sứ Bruno Angelet – trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nói trong một cuộc phỏng vấn với VnEconomy.
Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt quyền lao động thì thỏa thuận này sẽ không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn.Bernd Lange, Nghị sỹ Quốc hội châu Âu
Cho tới thời điểm này, không có thông tin nào từ truyền thông cho nước cho biết EVFTA sẽ được ký trong năm nay.
Theo nhận định của nhà báo và Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, “cánh cửa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu ra hai lý do, thứ nhất là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam mà theo cáo buộc của Đức, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc trên lãnh thổ Đức, và lý do thứ hai là những bản án “nặng nề” giành cho HAEDC.
Vấn đề nhân quyền được cho là một cản trở trong việc đàm phán EVFTA khi Quốc hội châu Âu “đặt nghi vấn về cách nhà nước Cộng sản Việt Nam đối xử với công dân của mình.”
Đầu năm nay, Bike-EU.com dẫn lời Nghị sĩ Bernd Lange nói "Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt quyền lao động thì thỏa thuận này sẽ không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn".
Trước đó, vào tháng 9/2017, Chủ tịch Ủy ban Giao thương Quốc tế của Quốc hội châu Âu cảnh báo “nếu không có giải pháp thỏa đáng thì hiệp ước thương mại sẽ gặp khó khăn.”
Nhận định về ảnh hưởng của yếu tố nhân quyền tới hiệp định thương mại tự do, thành viên quốc hội Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của nước này, Gyde Jensen, cho VOA biết rằng “bảo vệ nhân quyền là tiền đề cho hiệp định thương mại.”
Bà Jensen cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là tiêu biểu trong khu vực và cho biết Quốc hội Đức sẽ cân nhắc bất cứ vi phạm luật quốc tế nào của Việt Nam, kể cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại EU-Việt Nam.