Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cho VOA biết rằng họ ‘hoan nghênh’ việc tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được ra tù và sống lưu vong ở Đức, đồng thời kêu gọi Hà Nội tiếp tục trả tự do cho các tù nhân khác.
Hai ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt chân đến Hà Nội, chính quyền Việt Nam phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển hôm 8/9, người bị chính quyền Việt Nam tuyên án 11 năm tù.
Tối ngày 9/9, từ Berlin, ông Nguyễn Bắc Truyển cho VOA biết rằng vợ chồng ông liên tục có có cuộc họp với đại diện của chính phủ Đức ngay khi vừa đến đất nước này:
“Nguyên ngày hôm nay tôi và vợ tôi ngồi họp luôn cho tới bây giờ…Từ đó tôi bay qua Charles de Gaulle, từ Charles de Gaulle tôi về Berlin, và đang ở Berlin đây”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đức chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về việc ông Truyển được phóng thích sang Đức.
Báo TAZ của Đức dẫn lời Bộ Ngoại Giao Đức “hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển”. Bộ này nói thêm: “Đây là một động thái nhân đạo quan trọng của chính phủ Hà Nội”.
Cũng từ Berlin, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO!, tổ chức hỗ trợ cho gia đình ông Truyển khi đến Đức, chia sẻ với VOA hôm 11/9:
“Chúng tôi rất mừng khi nhận được sự ủy nhiệm của chính phủ Đức để đón tiếp và giúp cho anh Truyển hội nhập. Tin này đến với chúng tôi khá bất ngờ. Khi mà chúng tôi nghĩ đến việc anh Truyển được trả tự do sau một thời gian bị ở tù 6 năm, rất là dài, khá là khắc nghiệt cho cả gia đình, thì đây là một tin mừng rất lớn đến với chúng tôi”.
XEM THÊM: Việt Nam thả TNLT Nguyễn Bắc Truyển sang Đức ngay trước khi TT Biden đến Hà NộiCũng từ Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu nhận định ngày 11/9:
“Theo thông lệ từ xưa nay, mỗi khi có chuyến thăm cấp cao của phía Hoa Kỳ tới Việt Nam, hoặc chuyến thăm cấp cao từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, phía nhà nước Việt Nam bao giờ cũng thả từ một đến vài tù nhân chính trị và cho đi tị nạn chính trị ở nước ngoài”.
“Trong chuyến thăm của ông Joe Biden đến Việt Nam và hai bên nâng cấp quan hệ từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đến giờ phút này, ông Nguyễn Bắc Truyển là người đầu tiên được phía Việt Nam trả tự do để cho đi tị nạn chính trị ở nước ngoài. Tôi ghi nhận đây là một chút cải thiện về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam sau nhiều năm họ đàn áp khốc liệt”.
Ông Sean Nelson, cố vấn pháp lý của Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Tự do Tôn giáo Toàn cầu (ADF International) ở Washington DC, viết cho VOA: “ADF International vui mừng khi thấy ông Nguyễn Bắc Truyển được trả tự do và an toàn ở Đức”.
“Ông đã nhiều năm bị cầm tù ở Việt Nam không gì khác hơn là bảo vệ quyền của người khác, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Mặc dù việc trả tự do cho ông là một bước tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều người bị bỏ tù vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ ở Việt Nam”, vị đại diện của ADF International cho biết thêm.
Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt tháng 7/2017 về tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ngay sau khi bị bắt, các dân biểu Hoa Kỳ và Đức cam kết bảo trợ cho ông và liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích cho nhà hoạt động ôn hòa vì dân chủ và tự do tôn giáo.
‘Chiến thuật cay độc’?
Ở khía cạnh khác, động thác phóng thích ông Truyển ngay trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhà Trắng đến Việt Nam được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đánh giá là “chiến thuật cực kỳ cay độc” của Hà Nội.
“Việc trả tự do và buộc sống lưu vong của Nguyễn Bắc Truyển là điển hình của chiến thuật cực kỳ cay độc mà chính phủ Việt Nam sử dụng để làm chệch hướng áp lực khi được kêu gọi ‘làm điều gì đó’ về nhân quyền trước chuyến thăm Hà Nội của một nhà lãnh đạo toàn cầu”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, viết cho VOA qua email hôm 10/9.
“Việt Nam sẽ không được ghi nhận gì về việc trả tự do cho ông ấy vì lẽ ra ngay từ đầu ông ấy không phải bị bắt và bị bỏ tù. Nếu việc thả tù nhân chính trị này là sự nhượng bộ duy nhất mà Tổng thống Biden và Nhà Trắng có được liên quan đến vấn đề nhân quyền, thì rõ ràng chuyến thăm Hà Nội của ông Biden là một thất bại nặng nề”, ông Robertson nhận định. “Sự thật là chỉ riêng chuyến thăm của Tổng thống Biden thôi đã đủ củng cố chế độ độc tài độc đảng của Việt Nam bằng cách ném những lo ngại về nhân quyền xuống dưới chương trình nghị sự chống Trung Quốc”.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội tối ngày 10/9, ông Biden nói rằng chuyến thăm Việt Nam của ông không nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. “Chuyến đi này có mục đích gì – nó không liên quan nhiều đến việc kiềm chế Trung Quốc. Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc”, ông Biden nói.
Khi được phóng viên hỏi liệu ông đặt lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ lên trên nhân quyền ở Việt Nam hay không, ông Biden đáp: “…về vấn đề nhân quyền, tôi đã nêu vấn đề đó với mọi người mà tôi đã gặp”.
Tuyên bố của Nhà Trắng hôm 10/9 khẳng định nhân quyền là yếu tối quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ - Việt, viết rằng Tổng thống Biden “nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước”.