Hỏi đáp Y học: Cách chữa trị viêm tai ngoài

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Trần Kim Thời ở Vũng Tàu về cách chữa trị viêm tai ngoài
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Trần Kim Thời ở Vũng Tàu có gửi điện thư cho chúng tôi, với nội dung như sau:

Thưa Bs cháu năm nay 14 tuổi ở Vũng Tàu, email trước cháu có trình bày về tình trạng bệnh của cháu, thời gian và các bệnh viện cháu đã từng khám điều trị. Sau khi liên hệ được quí đài tháng 09 /2011cháu được Bs Hồ Văn Hiền tư vấn qua chương trình VOA, sau đó cháu đã đến khám bệnh tại bệnh viện TMH Sài Gòn. Bs định bệnh viêm tai ngồi 2 bên, sau đó Bs cho làm các xét nghiệm kết luận Enterobacter aerogenes.

Ông cho biết đại ý đã theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ và kết quả là:

Nếu không vệ sinh 2 tai khoảng 5 đến 8 ngày tình trạng: ngứa tai, có dịch ướt, có cặn trắng như đậu hủ soi đèn nhìn vào trong ống tai khá rõ, tai ngồi phía trên, không phải sâu trong, đặc biệt là tai bên trái của cháu.

Ông xin bác sĩ giải đáp các thắc mắc sau đây:

- Vệ sinh tai nhiều lần kết hợp cồn 70 độ về lâu dài tai có sao không?
- Tai cháu chưa lành, liệu còn Enterobacter aerogenes này không
- Có nên dùng loại thuốc nào, như trong kết quả kháng sinh đồ của cháu
- Cháu có cần phải làm thêm xét nghi
m gì thêm nữa không
- Viêm tai có nguyên nhân nào khác

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc của ông Thời cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Your browser doesn’t support HTML5

viêm tai ngoài



Nhiễm trùng tai ngoài do Enterobacter. (External ear infection)

Tôi xin trả lời phụ huynh bịnh nhân hỏi thêm, sau khi chúng ta đã bàn về trường hợp viêm tai ngoài này trong mấy tháng trước.

1) Dùng alcohol (70% isopropyl alcohol) để sát trùng tai ngoài có vấn đề gì không?
Theo tôi được biết, lúc thoa alcohol vào, alcohol bay hơi rất nhanh và làm cho da chỗ đó khô, là một điều tốt ngăn nấm và vi khuẩn vẫn thích mọc ở chỗ da ẩm ướt. Ẩm ướt làm da lót trong lòng lổ tai sưng lên (edema), và không sản xuất lượng ráy tai (ear wax) bình thường, mà ráy tai lại có trách nhiệm giữ da trong ống tai không bị ngấm nước, khô ráo và nguyên vẹn; từ đó gây nên vòng lẩn quẩn làm tai ngoài dễ nhiễm trùng.

Tuy nhiên nếu dùng alcohol nhiều quá, da quá khô, nhất là trong ống tai ngoài (ear canal), nên da dễ bị nứt nẻ, ngứa ngáy, bị gãi, tạo nên cửa ngõ cho vì trùng dễ đi vào trong da. Dùng Q tip thường xuyên và mạnh tay có thể làm trầy trụa (li ti mắt thường không thấy) dễ nhiễm trùng hơn.Nếu chỉ dùng alcohol thấm vào đầu bông gòn (Q tip) một cách nhẹ nhàng, có lẽ không hại gì.

2) Dấm (vinegar) rất acid (toan) và làm cho da bớt kiềm ((pH thấp hơn). Dấm dùng chung với alcohol làm ống tai (ear canal) bớt ẩm thấp, ngăn chặn vi khuẩn và nấm (sinh sản nhiều làm nhiểm trùng tai ngoài.)

3) Nếu lỗ tai ẩm ướt ,để phòng ngừa bịnh, chúng ta có thể rửa tai bằng hổn hợp alcohol/dấm,cho bịnh nhân rửa tai như thế 2 lần/ngày trong 4 ngày.

Công thức:

-1 muỗng cafe (5ml) rubbing alcohol
-1 muỗng cafe dấm trắng (white vinegar)
-dùng ống nhỏ giọt (dropper, compte-goutte) nhỏ 6-8 giọt dung dịch này vào lỗ tai
-nghiêng đầu qua một bên để dung dịch chạy thẳng vào sâu
(xin nhớ không được dùng nếu màng nhĩ bị lủng (thủng)(perforated tympanic membrane), hoặc bịnh nhân có mang ear tube (ống thông hơi màng nhĩ do bs đặt vào).

4) Nếu lổ tai ẩm ướt kinh niên (chronically moist), cần dùng lâu dài, có thể rửa tai hai lần một tuần, trong nhiều tháng.Cần thỉnh thoảng nhờ bs khám tai để theo dõi kết quả có tốt hay không, hay có biến chứng gì không.

5) Về câu hỏi: “bịnh nhân có còn vi trùng Enterobacter hay không?” thì cần bs thử nghiệm mới biết được, mà cũng chưa chắc là phải cần thử lại cho đến khi không còn vi trùng đó. Tuỳ bs chuyên khoa TMH quyết định có cần hay không. Theo tôi nghĩ, nếu bịnh nhân không có triệu chứng thì chúng ta không phải lo có còn vi khuẩn Enterobacter aerogenes hay không, vì vi khuẩn này rất phổ biến.

6)Thuốc nhỏ tai Chloromycetin chứa chroramphenicol, nhưng không dùng ở Mỹ. Những kháng sinh fluoroquinolone mà vi khuẩn này nhạy cảm như ciprofloxacin hay ofloxacin, nếu cần bs có thể cho bịnh nhân dùng.

7) Cortisporin otic là một thuốc nhỏ tai gồm Polymyxin B chủ trị các vi khuẩn gram âm (vd Pseudomonas), Neomycin chủ trị các trùng gram dương, cọng với chất corticoid hydrocortisone để giảm viêm trong tai.

8) Những thuốc như gentamycin, tobramycin có thể gây độc cho tai trong (inner ear) nếu để lọt qua màng nhĩ bị thủng mà bs không biết. BS phải cẩn thận lúc dùng.

Cảm ơn phụ huynh đã theo dõi chương trình. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là cuộc nói chuyện chỉ có tính cách thông tin, giúp quý vị hiểu biết thêm về sức khoẻ của mình.
Xin đừng thất vọng vì tôi không thể hướng dẫn cụ thể, nhất là các trường hợp khó và phức tạp.

Xin quý thính giả đừng xem đây là một hình thức tư vấn (consultation) để giúp quý vị tự chữa bịnh. Mọi chữa trị cần theo hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp điều trị.

Chúc bịnh nhân may mắn.


-------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.