Cái huông của thời quán văn

  • Hoàng Sơn

Cái huông của thời quán văn

[nén nhang. tưởng bằng hữu đã khuất]

Trần Công Sung bảo người đưa tin Nguyễn Đức Quang từ trần chắc nhầm lẫn với một ai đó, vì NĐQ vẫn đang còn nằm điều trị ở bệnh viện. Sung nói chắc như bắp mai mốt Quang sẽ về với chúng ta thôi. Trần Công Sung khẳng định như thế. Và tôi cũng tin như thế. Tin và mong được như thế để giải tỏa một cái huông tâm linh (một lời nguyền?): Cái huông của thời Quán Văn ở địa điểm Khám Lớn cũ.

Như đã ghi lại trong phóng bút Cũng Cần Có Nhau (vài trích đoạn đã được đăng trên Gió-O, Da Màu), khu khám lớn cũ của thời mật thám Pháp dựng lên là một khu đất bốn góc bao bọc bởi những con đường Nguyễn Trung Trực/Gia Long/Công Lý/Lê Thánh Tôn, nơi giam cầm những người quốc gia Việt Nam yêu nước, kháng Pháp. Rất nhiều tù nhân chính trị đã bị xử tử hình, sát hại ở nơi này. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, khu đất này được sử dụng làm nơi triển lãm các sản phẩm công nghệ gì đó. Không biết do cơ duyên nào, khu vực tứ giác này về sau trở thành bản doanh đóng đô bởi những trường học, cơ quan, hội đoàn...: Đại Học Văn Khoa (trường cũ) – CPS - Hội Nhu Đạo - Hội Kiếm Thuật – Quán văn – Ca Đoàn Nguồn Sống - Hội Họa Sĩ Trẻ v.v.

Dù không biết gì về phong thủy, nhưng qua chứng nghiệm thăng trầm của thời gian và những sự kiện đã xảy ra, tôi nhận thấy rằng khu đất này là một khu đất tiềm ẩn hai lẽ: Phát và Triệt ứng dụng cho những ai đã từng sinh sống, hoạt động, hay có những sinh hoạt dính líu tới vùng “địa linh nhân kiệt này” .

Vâng! Phát rõ nhất là phát về văn nghệ và chức quyền: khu đất này đã sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ đông đảo, thành danh, rất hùng hậu tiêu biểu cho một thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên rầm rộ của thập niên sáu mươi (có thể nói rộng hơn: khu đất khám lớn cũ là tụ điểm xuất phát của nhiều tài năng, trong đó có những người đã thành danh, có người mới phất). Có thể kể về ca nhạc (sáng tác và trình diễn) có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Nguyễn Đức Quang, Hoàng Xuân Giang, Ngô Mạnh Thu, Giang Châu...; Khánh Ly, Thanh Lan, Hồng Vân, Diễm Chi, Phương Oanh, Ban Tam Ca Đông Phương, Ban Trầm Ca, Ca Đoàn Nguồn Sống, Phong Trào Du Ca v.v (chưa kể những khuôn mặt văn nghệ nổi tiếng sinh hoạt ở những tụ điểm ngoại vi nhưng có liên quan đến Quán Văn như Lê Uyên Phương ở Thằng Bờm, Vũ Thành An/Thế Dung, Phạm Trọng Cầu ở Hội Quán Cây Tre). Về văn thơ, báo chí, viết lách có Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Phạm Quốc Bảo, Phạm Xuân Đài, Đào Trường Phúc, Trần Công Sung, Hồng Khắc Kim Mai, Nguyễn Đạt, Cao Huy Khanh, Đặng Phùng Quân, Cung Vĩnh Viễn, Bùi Bảo Trúc, Lê Thiệp, Đỗ Ngọc Yến, Y Dịch (Lê Đình Điểu), Phan Thanh Tâm, Ngô Vương Toại, Nguyễn Huỳnh, Cao Sơn (Nguyễn Văn Tấn) v.v. Về hội họa có Nguyễn Trung, Đinh Cường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức&Bé Ký, Nghiêu Đề, Mai Chững, Lê Thành Nhơn v.v. Phát về quan chức công quyền có Lê Đình Điểu (Cục Trưởng, bộ Dân Vận và Chiêu Hồi), Hoàng Ngọc Tuệ (Giám Đốc, Bộ Thanh Niên), Bùi Bảo Trúc (Phát Ngôn Viên Chính Phủ, Tham Vụ Ngoại Giao)...Và một số lớn anh em khác làm việc cho cơ quan Dân Vận Chiêu Hồi cũng mang các chức quyền ngang cấp Chánh Sự Vụ, Trưởng Ty v.v. như Ngô Vương Toại, Đỗ Việt Anh, Trần Đại Lộc/Hà Tường Các/Phạm Phú Minh (?), Nguyễn Viết Tân, Vũ Thành An, Bùi Hồng Sỹ, Hồng Khắc Lê Minh...

Vậy khu đất này có đặc điểm gì ghê gớm? Có khi ta không tin những điều huyễn tưởng. Nhưng sự thật đã xảy ra nhiều trường hợp tạm gọi là huyền bí, siêu hình thuộc lãnh vực tâm linh tại Khám Lớn cũ và Quán Văn sau này như:

Đạn pháo Việt Cộng rót thường xuyên vào dinh Gia Long, dinh Độc Lập nhưng rơi vào khu Quán Văn hoàn toàn tịt ngòi, không nổ.

Có người gặp ma như Nguyễn Phùng, Nguyễn Huỳnh, các thành viên của Ca Đoàn Nguồn Sống v.v. (Sẽ kể chuyện ma sau nếu vị nào có nhã hứng muốn biết)

Những người gặp tai nạn lớn, bị thương nặng nhưng vẫn tai qua nạn khỏi như trường hợp Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ...bị VC bắn, Hoàng Xuân Sơn bị trúng đạn pháo kích VC ngoài đường gần Quán Văn.

Về khía cạnh Triệt, điều ghê gớm duy nhất xãy ra cho phần lớn những khuôn mặt nổi kê bên trên là: một số đã lần lượt bước sang thế giới bên kia ở lứa tuổi dưới 70, chưa tới “cổ lai hi”, có người còn chết trẻ (thời xưa, thọ 70 đã cho là hiếm; huống chi có những bằng hữu đã giũ áo ra đi ở vào độ tuổi có thể cho là sung mãn trong hoạt động) . Xin lần lượt kê khai:

Lưu Trọng Đạt – thành viên Quán Văn, quân nhân quân lực VNCH, tử trận dưới 30 tuổi

Nguyễn Huỳnh – thành viên Quán Văn, phóng viên Việt Tấn Xã, bị VC thanh toán sau tháng 4/75 (1945-1975)

Hoàng Xuân Giang – thành viên Quán Văn, mất vì bạo bệnh (1946-1994)
Trần Đại Lộc – thành viên CPS, mất vì bạo bệnh (1942-1997)

Nghiêu Đề - thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ, mất vì bạo bệnh (1939- 1998)

Lê Đình Điểu – thành viên CPS, công chức bộ Dân Vận&Chiêu Hồi, mất vì bạo bệnh (1939-1999)

Lê Uyên Phương - nhạc sĩ độc lập, mất vì bạo bệnh (1941-1999)

Mai Chửng – thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ, mất vì bạo bệnh (1940-2001)
Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ độc lập, thân hữu của Quán Văn, mất vì bạo bệnh (1939-2001)

Lê Thành Nhơn – thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ, mất vì bạo bệnh (1940-2002)

Ngô Mạnh Thu – thành viên Phong Trào Du Ca VN, mất vì bạo bệnh (1938-2004)

Hoàng Ngọc Tuấn – thành viên Quán Văn, mất vì bạo bệnh
(1947-2005)

Đỗ Ngọc Yến – sinh hoạt với nhiều hội đoàn, mất vì bạo bệnh (1941-2006)

Nguyễn Đức Quang – thành viên Phong Trào Du Ca VN, mất vì bạo bệnh (1944-2011)

Trong 14 trường hợp, có 2 người từ trần vì súng đạn. Những trường hợp còn lại ra đi vì lâm bạo bệnh. Nói nôm na là có già Ung ghé thăm từng vị một. Điều lạ là ở bên này nghe đa số những trường hợp lìa trần đều xuất phát từ ung thư. Ở bên nhà hồi nẳm, người nào ra đi bất thình lình thì bảo là trúng gió hoặc chết “bất đắc kỳ tử?”.

Như thế, những bằng hữu dứt áo ra đi là do số mệnh? Hay là do lời nguyền bí mật nào đó của những người khuất mặt đã chết oan ức trong khu vườn lao lung tử tội? Và đấy có phải là một cái huông kéo dài cho mãi về sau, vận vào Quán Văn, CPS, Văn Khoa, Hội Họa Sĩ Trẻ v.v. ?

Sau cái chết của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang có 02 trường hợp mà kẻ viết câu chuyện này nghĩ là có thể xóa được (phần nào) lời nguyền và cái huông định mệnh nói trên:

Một là họa sĩ/nhà thơ Trịnh Cung tuyên bố bị bệnh nan y, muốn trở về Việt Nam dưỡng bệnh hoặc chờ đợi một cuộc ra đi thanh thản nơi quê nhà. Ấy vậy mà chàng ta vẫn sống phây phây, lướt qua mọi bệnh tật (?), cưới được vợ “nhí”, sinh được quý tử như một Lão Bạng tân thời!

Hai là nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng đụng đầu với già Ung, hình hài vóc dáng tiều tụy thấy rõ, vậy mà nhờ nghị lực và sự chăm sóc chu đáo của người nhà đã hồi phục như một phép lạ, trở lại sinh hoạt bình thường (?).

Nói cho cùng, một vòng sinh tử cuộc đời cũng giống như một cuộc lữ giáp vòng – Một Cõi Đi Về (Trịnh Công Sơn) – Đi Với Về Cùng Một Nghĩa Như Nhau (Du Tử Lê) . Khác chăng là người đi trước/kẻ về sau. Kệ! Hơi đâu mà lo. Vậy nhé! Thôi nhé! Stop nhé! Đừng! Đừng run en, những kẻ sống còn!

Laval, Quebec, Canada
tháng 8 – tháng 11 năm 2011
Hoàng Xuân Sơn

Bổ sung:

Viết xong đoạn này, một người bạn cũ, anh Nguyễn Tiên; cựu thành viên CPS và Thiên Bang (Nhóm Thanh Niên Tự Lực) đã tìm mọi cách để bắt liên lạc lại với kẻ này sau 44 năm ly cách (rất cảm kích tấm lòng thiết tha gắn bó của bằng hữu) . Anh Tiên nguyên sĩ quan Quân Lực VNCH sau 75 đã bị CS giam cầm nhiều năm, thăng trầm qua nhiều trại tập trung, có lúc tưởng đã mất mạng trong vòng lao lý. Nhờ nghị lực và ý chí quật cường, bằng vào năng khiếu hội họa sẵn có, Nguyễn Tiên đã phát huy nghệ thuật họa vi tiểu trên hạt gạo, trên tóc v.v. từ trong lao tù CS. Hiện nay Nguyễn Tiên là một micro artist có tiếng ở bang Texas – Hoa Kỳ. Nguyễn Tiên cho biết một thành viên khác của CPS là Nguyễn Luyện, nguyên sĩ quan pháo binh quân lực VNCH đã tử nạn vì đạn pháo VC tại vùng 4 vào khoảng năm 1973 (hưởng dương 25 tuổi).

Ngoài ra, kẻ này sực nhớ thêm có 2 thành viên của Ca Đoàn Nguồn Sống cũng đã mất sớm là: bác sĩ Hoàng Cơ Trường và nhà thơ/nhà báo Đặng Tường Vy (Nguyễn Vũ Đan Vy) . Không rõ đích xác ngày tháng năm lìa đời của hai vị này nhưng chắc chắn tuổi thọ chưa đạt được mức thất thập”.