Chứng đau nhức thần kinh hậu zona

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ giải đáp thắc mắc của ông Nguyễn văn Trí ở Biên Hòa về chứng đau nhức thần kinh hậu zona.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa Nhi về Y khoa tổng quát, với sự cộng tác của Bác sĩ Hồ văn Hiếu, chuyên khoa Y khoa gia đình, đang hành nghề tại Bắc Virginia.

Ông Nguyễn văn Trí ở Biên Hòa có nêu thắc mắc và sau đây là phần giải thích của bác sĩ Hồ văn Hiền với sự tham khảo ý kiến của bác sĩ Hồ văn Hiếu:

Bịnh nhân bị bịnh “dời ăn” (zona) bên ngực trái, nay đã khỏi nhưng mười tháng sau vẫn còn đau. (Ông Nguyễn Văn)

Mặc dù tên là bịnh "dời ăn", bịnh zona (tiếng Pháp) hoặc shingles hay herpes zotser trong tiếng Anh, là do một siêu vi (virus) gây ra. Virus này thuộc loại herpes (các loại virus herpes khác thường gặp là loại virus gây ra lở miệng, hay lở bộ phân sinh dục). Virus bịnh dời ăn gây ra bịnh trái rạ (thủy đậu), tiếng Anh là chicken pox, varicella, tiếng Pháp là varicelle. Tôi đưa ra những tên khác nhau này để chúng ta khỏi lầm lẫn và thấy được sự liên hệ các bịnh khác nhau. Ví dụ nên nhớ là người bị “dời ăn” nếu tiếp xúc với trẻ em chưa bị trái rạ, đứa trẻ có thể bị lây và nổi trái rạ khắp mình.

Khi một người bị nhiễm virus varicella thì người đó sẽ bị trái rạ. Sau đó, cơ thể người đó kháng cự lại và lành bịnh. Tuy nhiên, một số nhỏ virus đó còn tiềm ẩn trong những hạch thần kinh của người đó suốt đời. Thỉnh thoảng, do một bịnh gì đó làm cơ thể người bịnh yếu đi (như stress, dùng corticoid, bị ung thư, tuổi già), các virus này có thể nổi dậy, chay dọc theo các sợi thần kinh từ trong tủy sống đi ra ngoài. Vì các vết san thương gây ra chạy dọc theo các dây thần kinh chỉa ra như những nhánh cây thông từ hai bên của cột sống, chúng ta thấy những mụt nước giống như mụt nước (vesicles) bịnh trái rạ nằm giới hạn trong một dãi da dài nào đó, chỉ ở bên trái, hoặc chỉ ở bên phải, theo địa hình của một hoặc vài sợi thần kinh nào đó (dermatome).

Vài ngày, các mụt nước khô đi và bịnh dời ăn này chấm dứt. Trong chừng 10% trường hợp, do một sự thay đổi nào đó ở cả hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên, người bịnh bị đau nhức ở vùng đã bị zona. Người dưới 50 tuổi ít khi bị chứng đau hậu zona, thường người trên 60 tuổi là bị nặng nhất.

Các cách trị liệu gồm có:

1) Thuốc thoa giảm đau: Capsaicin là chất giảm đau lấy từ trái ớt. Tên thương mãi: Zostrix, Dolorac, Capsin, ointment 0.025-0.075% thoa 3-4 lần/ngày trong 3-4 tuần liên tiếp. Thuốc tê Lidocain (Lidoderm): gel 5% thoa lên chỗ đau lúc cần; topical patch, dán lên chỗ đau, không để lâu quá 12 giờ

2) Thuốc chống trầm cảm (antidepressant): Amitriptyline (Elavil) 25-75 mg uống ban đêm trước khi ngủ

3) Một số thuốc chống động kinh (anticonvulsants) như gabapentin (Neurontin): liều thường dung ngày đầu 300mg/ngày, ngày nhì; 300mgx2 lần, sau đó 300mg x 3 lần/24 giờ (người lớn). Hay Pregabalin (Lyrica) 75mg-100mg 2 lần/ngày hoặc 50mg-75mg 3 lần/ngày. Phản ứng phụ: chóng mặt, buồn ngủ, ataxia, phù (edema)

4) Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation (TENS): máy điện pin nhỏ, mang theo người, phát ra những dòng điện nhỏ kích thích vùng da đau.

5) Rất hiếm khi: block dây thần kinh hoặc giải phẩu (Nerve block and surgery)

Ngừa bịnh: tất cả trẻ con ở Mỹ nay được chích ngừa trái rạ. Năm 2006, FDA chấp thuận cho thuốc chích ngừa tên Zostavax dùng cho người trên 60 tuổi. Thuốc rất đắt tiền, làm giảm 50% các trường hợp zona, và do đó giảm khả năng đau thần kinh hậu zona; và ngoài ra có đau cũng đau ít hơn. Ở nơi không có Zostavax, cũng nên biết rằng nếu người lớn, người già từng đã bị trái rạ (chicken pox) trước đây, nếu tiếp xúc (phơi nhiễm) với trẻ bị chicken pox, sự phơi nhiễm này có thể làm khả năng đề kháng của người lớn đó tăng lên và khả năng bị zona giảm xuống đáng kể.

Chúc bịnh nhân may mắn.


Cảm ơn các bác sĩ Hồ văn Hiền và Hồ văn Hiếu. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.