Một số vấn đề sức khỏe tổng quát

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Nguyễn Thanh Long ở Phan Thiết về một số vấn đề sức khỏe tổng quát.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Nguyễn Thanh Long ở Phan Thiết có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Đây là một trường hợp khó trả lời. Bịnh nhân trẻ, hút thuốc lá nhưng cẩn thận về tính dục, có nhiều triệu chứng không rỏ rệt ở nhiều hệ khác nhau như đau nhức cơ bắp hoặc khớp vai, thoa bóp thì dễ chịu, đầu ngón tay bị tê buốt, nhức đầu, cảm giác máu lên đầu không đủ, nổi mẫn ở bộ phận sinh dục, ngứa trong niệu đạo. Mặt khác bịnh nhân đã được bác sĩ khám tai mũi họng về viêm xoang sàn, đã có chụp xray xoang và phổi, đã khám bác sĩ về bịnh da liễu và kết quả bình thường. Bịnh nhân đã từng uống corticoid trong thời gian dài để kích thích ăn uống, và bịnh nhân hiểu khá tường tận tác dụng của loại thuốc này.

Tuy bịnh nhân không muốn khám tổng quát vì “nhiêu khê”, đây lại là trường hợp lý tưởng dành cho một bác sĩ y khoa gia đình hoặc bác sĩ nội thương để

• Xem kỹ lại bịnh sử của bịnh nhân xem có gì đáng chú ý hay không: ví dụ: đau nhức từ bao giờ, có liên hệ đến một thay đổi nào đó trong nghề nghiệp, đời sống tinh thần, tâm lý hay không, hoạt đông nghề nghiệp nặng nhọc hay một chấn thương tai nạn trước đây hay không, quan hệ tính dục trong gia đình, ngoài gia đình như thế nào, thuốc giảm đau nào hiệu nghiệm.

• Rà soát lại các định bịnh trước do các bác sĩ khác nhau đã làm, xem có thể giải thích được bằng một định bịnh duy nhất xuyên thấu qua các định bịnh khác nhau hay không.

• Khám bịnh nhân từ đầu đến chân để có một cái nhìn bao quát hơn.

Trong trường hợp này, đặc biệt bác sĩ cần có một cái nhìn bao quát để xem:

1. qua các triệu chứng không rõ rệt, bịnh nhân nói chung có bịnh gì đáng kể về thể chất mà các bác sĩ chuyên khoa chưa tìm thấy và cần phải chữa hay không.

2. nếu không, những triệu chứng đó có thể là biểu hiệu của môt tình trạng lo âu sợ hãi (anxiety), hoặc chứng trầm cảm (depression) nào đó mà bác sĩ cần có nhiều thì giờ, chú tâm thì mới giúp bịnh nhân giải quyết được một cách gọn gàng và hợp lý, thay vì giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa này đến bác sĩ chuyên khoa khác mà bịnh nhân vẫn thấy lạc lõng như trường hợp này.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt này, nếu bn nhất quyết chỉ khám bác sĩ chuyên khoa thì có thể gợi ý bịnh nhân tìm đến các bác sĩ sau, mặc dầu theo kiểu này có thể càng tốn kém và mất thì giờ thêm nữa:

1. bs chuyên khoa thần kinh (neurologist), vd bs xem xét các triệu chứng đau ở tay, vai, và đầu có phải do các sợi thần kinh đi từ cỗ ra bị chèn ép ở cột sống (cervical radicular pain) hay lúc đi ra khỏi lồng ngực (thoracic outlet syndrome) hay không. Có thể bs sẽ đo dẫn truyền (nerve conduction) của các dây thần kinh, cho làm MRI xương cỗ, vv

2. đã khám da liễu rồi không thấy bịnh gì, tuy nhiên bs nghi có thể là nhiễm vi khuẩn Chlamydia (?) hay không. Thuốc ông uống tiểu ra màu xanh có thể là chất sát trùng không chữa được bịnh này, nếu đúng là Chlamydia, có thể cần dùng đến thuốc loại Azithromycine (1gram, một liều) hoặc Doxycycline (100mg 2 lần/ngày trong 7 ngày) (theo CDC). Có thể nhờ bs niệu khoa (urologist) để khám xem tuyến tiền liệt (prostate) của bn có bị viêm hay không, cơ năng tính dục có bình thường không

3. bác sĩ nội tiết (endocrinologist) để xem tác dụng của sự dùng thuốc corticoid trước đây có còn ảnh hưởng gì không, xem tuyến giáp trạng có hoạt động bình thường không.

4. nếu các bác sĩ trên không tìm ra được nguyên nhân gì đáng kể, bác sĩ tâm thần (psychiatrist) hay tâm lý gia (psychologist) sẽ xem xét về cá tính của bịnh nhân, xem cá tính bịnh nhân có những nét bất bình thường, ngăn cản bịnh nhân đối phó với các khó khăn cuộc sống (maladaptative personality traits), xem có một tác nhân gây stress (stressor) nào đó gây ra hội chứng gọi là “hội chứng đau kinh niên” (chronic pain syndrome, CPS), xem bn có dấu hiệu trầm cảm (depression) hay không và chữa trị thích ứng. Một số thuốc chống trầm cảm bằng cách tăng nồng độ serotonin và norepinephrine giữa các synapse thần kinh cũng như một số thuốc chống động kinh (anticonvulsivant, vd gabapentin) có thể giúp bịnh nhân bớt đau.

5. trong trường hợp hội chứng đau kinh niên, các chuyên viên về vật lý trị liệu có thể giúp bịnh nhân bớt đau (như massage, dùng hơi nóng hoặc lạnh), khắc phục cơn đau, và tăng khả năng vận dụng các cơ bắp, tay chân mặc dù các cơn đau có thể làm cho bịnh nhân kém hoạt động.

Chúc bịnh nhân may mắn và nên nhớ bỏ hút thuốc lá.

BS Hồ Văn Hiền
Ngày 28 tháng 12 năm 2010


Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.