Chứng viêm mũi và xoang cấp tính

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Tạ Ngọc Tuấn ở Bình Thuận về chứng viêm mũi và xoang cấp tính.

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Tạ Ngọc Tuấn ở Bình Thuận có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Viêm mũi và xoang cấp tính (Sinusitis):

Ông có một số câu hỏi tổng quát về viêm xoang mũi. Tôi xin trả lời cũng với tính cách thông tin và tổng quát để chúng ta cùng tìm hiểu cơ chế bịnh như thế nào, và từ đó hiểu suy luận của bác sĩ lúc chữa bịnh và tìm câu trả lời cho các câu hỏi của thính giả. Đương nhiên không thể nói đầy đủ về một đề tài như thế này trong vài phút.

Cơ thể học:

Trước hết về từ viêm xoang mũi cấp tính (acute sinusitis). Như chúng ta đã biết, mũi là cửa ngỏ đem hơi thở, không khí từ ngoài vào, ra phía sau hầu và vào cuống phổi. Hai bên mũi, nghĩa là nằm dưới hai hốc mắt, có hai khoảng trống trong xương hàm trên, gọi là xoang hàm trên. Ngoài ra còn có các xoang khác như xoang xương hình bướm (sphenoid sinus), xoang trán (frontal sinus), xoang sàng (ethmoid sinus) mà chúng ta không bàn ở đây. Mỗi cái hang thông với mũi bằng một cái lỗ (pores), nếu có chất nhờn, chất tiết trong xoang thì sẽ chảy ra ngoài qua các lỗ này. Trong lòng mũi cũng như trong các xoang, có một lớp niêm mạc (mucosa) lót, như một lớp nhung đỏ được may lót trong lòng cái túi phụ nữ. Đặc biệt các tế bào trong lớp niêm mạc này có nhưng cái lông li ti, có khả năng quét các chất nhớt và các chất dơ bẩn ra ngoài (mucociliary clearance), nghĩa là nó giúp các xoang tự làm sạch lấy một cách tích cực.

Bịnh học:

Lúc chúng ta bị cảm do virus, niêm mạc lót này sưng lên, làm các lổ thoát này nghẹt lại, ngoài ra các tế bào có lông này cũng quét kém đi. Kết quả là chất nhờn ứ đọng lại trong các xoang và trở thành nơi các vi trùng (bacteria) dễ sinh sôi nẩy nở, nghĩa là gây nhiễm trùng xoang. Hiện nay, bs Tai Mũi Họng thường gọi trường hợp này là viêm cấp tính mũi-xoang do vi trùng (acute bacterial srhinosinusitis).

Triệu chứng: mũi xanh, đàm xanh

Đau trên mặt, hoặc cảm thấy nặng trên mặt (hai bên mũi)

Nghẹt mũi

Bịnh từ 1-4 tuần (cấp tính)

Kèm theo ho, nóng, mệt mõi, nhức đầu.

Nếu hỏi về bịnh viêm xoang cấp tính như mô tả trên đây thì tôi nghĩ đây là một bịnh thông thường ở đâu cũng có bs chữa được đàng hoàng. Thường thì bs căn cứ theo triệu chứng lâm sàng. Thường bịnh nhân bị cảm do nhiễm virus, bị sốt nhẹ, nhức đầu, nghẹt mũi, nước mũi trong qua đục, ho, thấy nặng ở trán, chừng 7-10 ngày thì tự động thuyên giảm. Nếu bịnh nhân bị cảm quá 10-14 ngày mà triệu chứng không dứt, nặng thêm, hoặc bớt rồi lại tái lại thì khả năng là có thể vi khuẩn đã gây biến chứng nhiễm trùng. Ngay những bịnh nhân viêm mũi và xoang cấp tính, dù không chữa bằng kháng sinh, cũng giảm bớt trịệu chứng trong 2/3 trường hợp. Nếu bác sĩ chọn cách chữa bằng kháng sinh (như Amoxicillin, Tetracycline, cipro) là để giúp bịnh thanh toán nhanh hơn hoặc giúp cho 50% -30% các trường hợp không tự thanh toán được. Ngoài ra, những biện pháp như uống thuốc hoặc dùng thuốc nhõ mũi (như Afrin) để làm niêm mạc mũi bớt sưng, cho mũi bớt nghẹt, thông hơn, có thể giúp cho nhớt trong mũi dễ thoát ra các xoang, và thanh toán nhiễm trùng xoang dễ dàng hơn.

• Những trường hợp mũi dị ứng (tức là không chịu môt chất nào đó trong không khí, vd phấn hoa, chất hóa học), dị dạng trong mũi, có thể làm viêm xoang tái đi tái lại nhiều lần.

Trường hợp chữa không có kết quả:

• Thuốc có thể không hiệu nghiệm vì vi khuẩn lờn thuốc (resistance),
• Vì thuốc giả, vì bịnh nhân uống không đúng cách, không đủ ngày (từ 7-14 ngày hoặc lâu hơn)
• có thể vì sức đề kháng người bịnh không bình thường,
• hoặc có thể vì nhiễm trùng do nấm (fungal infection),
• hoặc lổ thông (pores) của xoang bít do ung thư, do u bướu không dùng thuốc để làm nó thông ra được.
• nhiễm trùng có thể đã lan qua những vùng khác trong mặt và đầu.
• nhiễm trùng từ răng (hàm trên) cũng có thể là nguồn gốc của nhiễm trùng xoang hàm nằm ngay trên, cần được nha sĩ giải quyết.

Các trường hợp chữa không khỏi cần nghiên cứu thêm, như chụp X quang, làm CT scan, MRI, hoặc tham khảo, tư vấn bác sĩ về bịnh nhiễm (như rút mũ ra tìm xem đây vi trùng gì, hợp với thuốc nào), bác sĩ chuyên về dị ứng (allergist), bs giải phẩu tai mũi họng dùng nội soi lấy mủ thử nghiệm, mở rộng đường dẫn lưu của xoang, chữa trị các dị dạng trong mũi.

Nói tóm lại, chữa viêm xoang đa số là một quá trình khá giản dị. Hàng năm ở Mỹ có chừng 20 triệu người mắc viêm xoang mũi cấp tính. Một số nhỏ trường hợp khó trị hơn đòi hỏi sự cộng tác của nhiều bác sĩ và những phương tiện như khảo sát X Quang, MRI, thường có thể có ở những trung tâm y tế lớn hoặc của các bịnh viện thuộc các đại học lớn. Theo tôi nghĩ bác sĩ của vị thính giả có thể hướng dẫn và phối hợp cho bịnh nhân mình đến những nơi thích hợp nếu bs không giải quyết được, không nhất thiết là phải ra khỏi VN.

Trở lại một câu hỏi khác của quý vị thính giả, thiết nghĩ bất cứ thuốc gia truyền nào đó khó được xem như là một loại ‘thần dược’ (magic bullet) trong một hoàn cảnh phức tạp như vậy. Bịnh viêm xoang cấp tính tự nó sẽ khỏi trong chừng 50% trường hợp, hơn nữa nhận xét chủ quan bịnh nhân thường không cho một định bịnh chính xác để có thể so sánh một cách khoa học các kinh nghiệm rời rạc, dù là của nhiều người thầy thuốc hoặc nhiều bịnh đi nữa. Từ đó khó có thể kết luận một cách hợp lý về giá trị các bài thuốc ta, hoặc bài thuốc gia truyền.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.